Rối loạn kali máu thường là hậu quả của sự dịch chuyển kali qua tế bào và không phản ánh chính xác tình trạng thiếu hụt hoặc dư thừa của tổng lượng kali trong cơ thể. Mặc dù, hạ kali máu có thể là hậu quả của sự di chuyển kali vào nội bào, nhưng hầu hết các trường hợp lại mất kali qua đường tiêu hóa hoặc tiết niệu như nôn mửa, tiêu chảy hoặc sử dụng thuốc lợi tiểu.
Bù kali chủ yếu được chỉ định trong trường hợp mất và thiếu hụt đáng kể kali trong cơ thể. Điều trị tối ưu ở bệnh nhân hạ kali máu do mất kali phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu hụt kali. Bù kali bằng đường tĩnh mạch chỉ định trong trường hợp bệnh nhân hạ kali máu không thể điều trị bằng đường uống hoặc có triệu chứng nghiêm trọng.
1. Các chế phẩm kali đường tĩnh mạch
Kali có thể được sử dụng dưới dạng muối kali clorua, kali phosphat, kali bicarbonat hoặc dạng tiền chất (kali citrat, kali acetat) và kali gluconat. Lựa chọn chế phẩm phù hợp để sử dụng tùy theo tình trạng lâm sàng của bệnh nhân:
- Kali bicarbonat hoặc dạng tiền chất (kali citrat, kali acetat) ưu tiên sử dụng ở những bệnh nhân bị hạ kali máu kết hợp với nhiễm toan chuyển hóa (nhiễm toan do ống thận, tiêu chảy mãn). Tuy nhiên, chỉ có chế phẩm dạng muối kali acetat sử dụng được bằng đường tĩnh mạch.
- Kali phosphat chỉ nên xem xét sử dụng ở những bệnh nhân bị hạ kali máu đồng thời giảm phosphat máu (nhiễm toan ống thận (type 2) liên quan đến hội chứng Fanconi và tăng bài tiết phosphat).
- Kali clorua (KCl) được ưu tiên sử dụng ở tất cả các bệnh nhân còn lại, đặc biệt bệnh nhân bị hạ kali máu kết hợp với nhiễm kiềm chuyển hóa. KCl có sẵn ở dạng đường uống và đường truyền tĩnh mạch.
Hiện tại, khoa Dược đang cung ứng chế phẩm kali truyền tĩnh mạch dưới dạng muối kali clorua (Kali Clorid 10% 10ml).
2. Sai sót liên quan đến sử dụng kali đường tĩnh mạch
Tại Hoa Kỳ (1996-1997), 10 trường hợp tử vong do sai sót liên quan đến sử dụng kali đã được báo cáo và 23 trường hợp tương tự đã được báo cáo tại Canada (1993-1996). Đến năm 2017, Cơ quan quản lý Dược phẩm và sản phẩm y tế Pháp (ANSM) cũng thông báo đã ghi nhận các báo cáo sai sót về thuốc liên quan đến việc tiêm tĩnh mạch KCl nồng độ cao không pha loãng1. Mặc dù tất cả các loại thuốc đều có khả năng gây nguy hiểm, nhưng tiêm tĩnh mạch dung dịch kali đậm đặc đặc biệt nguy hiểm vì gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong ngay lập tức cho người bệnh. Ngoài ra, tiêm truyền kali với tốc độ quá nhanh cũng có thể gây loạn nhịp tim và ngừng tim2.
3. Cách pha truyền KCl 10% (1g/10ml)
- Dung môi tương thích:
- NaCl 0,9%, Glucose 5%.
- Đối với liều đầu nên pha loãng với dung dịch NaCl 0,9%, thay vì glucose 5% vì sử dụng glucose 5% sẽ kích thích giải phóng insulin, đưa kali ngoại bào vào nội bào. Điều này làm giảm tạm thời 0,2 - 1,4 mmol/L nồng độ kali máu, đặc biệt nếu dung dịch chỉ chứa 20 mmol/L kali. Việc giảm tạm thời kali máu có thể gây loạn nhịp tim ở những bệnh nhân nhạy cảm, chẳng hạn như những bệnh nhân đang dùng digoxin.
- Tốc độ truyền: Đau và viêm tĩnh mạch có thể xảy ra khi truyền kali qua đường tĩnh mạch ngoại vi. Tác dụng này chủ yếu xảy ra ở tốc độ trên 10 mmol/giờ, nhưng cũng có thể xảy ra ở tốc độ truyền chậm hơn. Trong trường hợp này cần giảm tốc độ truyền hoặc pha loãng KCl với nồng độ thấp hơn.
- Lưu ý: 1 g KCl 10% 10ml → 13,4 mmol K
Đường truyền |
Nồng độ pha loãng |
Tốc độ truyền |
Lưu ý |
TM ngoại biên |
≤ 40 mmol/L |
≤ 10 mmol/giờ |
Tốc độ 40 mmol/giờ có thể sử dụng trong trường hợp hạ kali máu đe dọa tính mạng và truyền qua TM trung tâm hoặc nhiều tĩnh mạch ngoại biên lớn. |
TM trung tâm |
≤ 100 mmol/L |
≤ 20 mmol/giờ |
* KCl đặc biệt dễ bị 'tách lớp' sau khi pha loãng nếu không được trộn đều, một lớp KCl đậm đặc sẽ hình thành ở đáy chai/túi dịch truyền (đặc biệt khi pha loãng với glucose 5%), nếu truyền cho bệnh nhân có thể dẫn đến ngừng tim. Vì vậy, phải lắc kĩ và đảo ngược chai dịch truyền ít nhất 10 lần trước khi truyền.
4. Nguyên tắc sử dụng KCl đường tĩnh mạch
* Khuyến cáo dành cho bác sĩ: Tuân thủ các nguyên tắc kê đơn
- Ưu tiên dùng dạng uống cho bệnh nhân hạ kali máu mức độ nhẹ đến trung bình.
- Luôn ghi rõ trên hồ sơ bệnh án các thông tin sau:
- Liều dùng: Để tránh nhầm lẫn, tính liều dùng theo mmol (không nên tính bằng mEq, gam hoặc tỷ lệ phần trăm).
- Dung môi pha loãng.
- Thể tích dung môi pha loãng.
- Truyền tĩnh mạch.
- Tốc độ truyền
* Khuyến cáo dành cho nữ hộ sinh/điều dưỡng: Thuốc cần được pha loãng, truyền chậm
- Dán nhãn thuốc cảnh báo cao ADR và LASA ở nơi lưu trữ và đặt ở khu vực riêng với các dung dịch điện giải khác. Đọc kỹ thông tin trên nhãn thuốc để tránh nhầm lẫn.
- Luôn pha loãng KCl trước khi sử dụng cho bệnh nhân.
- Kiểm tra lại chế phẩm sau khi pha loãng (cảm quan, liều lượng, thể tích dung môi pha loãng). Lắc kĩ và đảo ngược chai dịch truyền ít nhất 10 lần.
- Ghi trên nhãn liều lượng và tổng thể tích.
- Truyền tĩnh mạch chậm có kiểm soát tốc độ.
- Giám sát các thông số lâm sàng và cận lâm sàng khi truyền.
- Không được tiêm tĩnh mạch, tiêm dưới da và tiêm bắp.
Tài liệu tham khảo
- http://ansm.sante.fr/S-informer/Points-d-information-Points-d-information/Chlorure-de-potassium-par-voie intraveineuse-et-erreurs-medicamenteuses-rappel-des-regles-de-bon-usage-Point-d-Information.
- Joint Commission, Joint Commission International, World Health Organisation. Control of concentrated electrolyte solutions. Patient safety solutions; volume 1, solution 5, May 2007.
- Mount DB. Clinical manifestations and treatment of hypokalemia in adults. Post TW, ed. UpToDate. Waltham, MA: UpToDate Inc. http://www.uptodate.com. Truy cập ngày 28/06/2023.
- Betty L. Gahart, Adrienne R. Nazarend, 2019 Intravenous Medications. Potassium acetate and Potassium chloride Monograph. 35th Edition. Missouri: Mosby Elsevier; 2019.
- Alistair Gray, Jane Wright, Vincent Goodey, Lynn Bruce, Injectable Drugs Guide. Potassium chloride monograph. Pharmaceutical Press; 2011.
- Lexicomp Online, Lexi-Drugs Online. Electronic database. Hudson, OH: Lexi-Comp, Inc.; 2020. Truy cập ngày 28/06/2023.