Date 27/10/2023

    Liệu pháp progestin trong điều trị tân sinh biểu mô nội mạc tử cung hoặc tăng sinh nội mạc tử cung không điển hình 

    Tân sinh biểu mô nội mạc tử cung (Endometrial Intraepithelial Neoplasia – EIN) hoặc tăng sinh nội mạc tử cung không điển hình (Atypical Endometrial Hyperplasia – AEH) thường là tổn thương báo trước của ung thư biểu mô tuyến nội mạc tử cung. Phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn là phương pháp điều trị triệt để đối với bệnh cảnh EIN-AEH. Tuy nhiên, phẫu thuật cắt tử cung không phải là chiến lược điều trị tối ưu đối với một số bệnh nhân. Ở những bệnh nhân EIN-AEH điều trị bảo tồn tử cung, cần phải được chỉ định liệu pháp progestin và theo dõi chặt chẽ suốt quá trình điều trị. 

    Liệu pháp progestin cho bệnh nhân tân sinh biểu mô nội mạc tử cung hoặc tăng sinh nội mạc tử cung không điển hình.

    Mặc dù dữ liệu về việc sử dụng các thuốc progestin điều trị EIN–AEH còn hạn chế, tuy nhiên các nghiên cứu cũng đã chỉ ra tỷ lệ hồi phục cao. Một tổng quan hệ thống phân tích kết quả điều trị của bệnh nhân EIN–AEH hoặc ung thư biểu mô tuyến độ 1 đã chứng minh đáp ứng ban đầu điều trị với progestin là 86%, trong đó đáp ứng hoàn toàn là 66% đối với những bệnh nhân EIN–AEH. Việc chỉ định thuốc đường uống, dụng cụ tử cung và kết hợp đã được chứng minh là có hiệu quả điều trị, với tỷ lệ hồi phục từ 50% đến hơn 90%, tùy thuộc vào nghiên cứu và phương pháp dùng thuốc. Các dữ liệu cho thấy liệu pháp uống liên tục có hiệu quả hơn liệu pháp theo chu kỳ. Trong số tất cả các phương pháp, tác dụng phụ nhìn chung được bệnh nhân dung nạp tốt. Chảy máu âm đạo thường gặp hơn khi dùng dụng cụ tử cung và buồn nôn có thể liên quan nhiều hơn với các thuốc progestin đường uống. 

    Chưa đủ dữ liệu chứng minh tính vượt trội của thuốc progestin đường uống so với dụng cụ tử cung. Tuy nhiên, các dữ liệu hạn chế cho thấy rằng việc chỉ định dụng cụ tử cung có liên quan đến tỷ lệ hồi phục cao hơn so với thuốc progestin đường uống đơn thuần ở bệnh nhân EIN-AEH. Ngoài ra, tác dụng phụ của dụng cụ tử cung phóng thích levonorgestrel ít hơn so với liệu pháp progestin đường toàn thân. Bệnh nhân khi dùng dụng cụ tử cung phóng thích levonorgestrel được báo cáo là tuân thủ tốt, ít tăng cân hơn và điểm số về tình trạng sức khỏe do người bệnh báo cáo cải thiện theo thời gian.  

    Đến nay, chưa có nghiên cứu so sánh trực tiếp về hiệu quả điều trị giữa các loại thuốc progestin đường uống được lưu hành. Chưa đủ bằng chứng để khuyến cáo bất kỳ một thuốc progestin đường uống nào là tốt hơn. Tuy nhiên, megestrol acetat hoặc medroxyprogesteron acetat được khuyến khích sử dụng vì phần lớn các nghiên cứu về điều trị EIN–AEH bằng thuốc chứa progestin đều sử dụng một trong hai loại thuốc này. 

    Nhìn chung, Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến cáo việc lựa chọn liệu pháp progestin phù hơp nhất cho bệnh nhân nên dựa trên yếu tố nguy cơ, lợi ích và nhu cầu điều trị của từng người bệnh.  

    Các loại thuốc progestin trong điều trị tân sinh biểu mô nội mạc tử cung hoặc tăng sinh nội mạc tử cung không điển hình (1,2).

    Tên thuốc

    Liều điều trị

    Tác dụng

    tránh thai

    Đối tượng

    bệnh nhân

    Megestrol acetat*, §

    40-160 mg,

     uống mỗi ngày

    Không

    Có thể được sử dụng cho bệnh nhân tiền mãn kinh và mãn kinh

    Medroxyprogesteron acetat§

    10-20 mg,

     uống mỗi ngày

    Không

    Norethindron acetat

    (hay norethisteron acetat)

    5-15mg

     uống mỗi ngày

    Không

    Có thể được sử dụng cho bệnh nhân tiền mãn kinh và mãn kinh không dung nạp với các progestin uống có hiệu lực mạnh hơn.

    Dụng cụ tử cung phóng thích Levonorgestrel**

    Phóng thích 20mcg mỗi ngày

    Lựa chọn ưu tiên cho bệnh nhân tiền mãn kinh và mãn kinh

    * Có thể gây tăng cân (tác dụng kích thích sự thèm ăn), đặc biệt khi sử dụng liều cao. Liều điều trị phụ thuộc vào tình trạng bệnh và khả năng dung nạp tác dụng phụ. Liều dùng thực tế là 80mg hai lần mỗi ngày đối với bệnh nhân EIN–AEH.

    ** Levonorgestrel 52mg được phê duyệt sử dụng trong thời gian là 6 năm với tác dụng tránh thai; tuy nhiên, tỷ lệ liều thuốc giảm khoảng 10 mcg/ngày từ năm thứ 5, do đó cần thay thế dụng cụ tử cung mới vào năm thứ 5 với chỉ định điều trị tăng sinh nội mạc tử cung.

    § Các liều dùng cao hơn đã được báo cáo.

    Các thuốc nêu trên chưa được Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ phê duyệt để điều trị tăng sinh nội mạc tử cung. Megestrol acetat và depot medroxyprogesteron acetat được Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ phê duyệt để điều trị ung thư nội mạc tử cung với liều cao hơn.

    Theo dõi điều trị

    Đối với bệnh nhân mới được điều trị bằng thuốc progestin, đánh giá mô học được khuyến cáo thực hiện trong vòng 3–6 tháng để xác định đáp ứng điều trị. Nếu chưa đáp ứng điều trị trong 3-6 tháng đầu, có thể xem xét điều trị thêm 3-6 tháng tiếp theo sau khi trao đổi với bệnh nhân. Nếu không đáp ứng điều trị sau 9-12 tháng, cân nhắc lựa chọn phương pháp điều trị khác, kể cả phẫu thuật. Thời điểm và tần suất đánh giá mô học phụ thuộc vào những yếu tố nguy cơ của người bệnh (phương pháp điều trị, mãn kinh, béo phì và các yếu tố nguy cơ khác có liên quan đến ung thư nội mạc tử cung). 

    Sau khi bắt đầu điều trị bằng thuốc, liệu pháp progestin duy trì trong dài hạn có thể được xem xét ở những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Các yếu tố nguy cơ này bao gồm: lớn tuổi, mãn kinh muộn, vô sinh, không rụng trứng mãn tính, hội chứng Lynch, hội chứng Cowden, béo phì và đái tháo đường tuýp 2. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa đủ dữ liệu để đưa ra hướng dẫn cụ thể về thời gian điều trị bằng dụng cụ tử cung phóng thích levonorgestrel hoặc thuốc có tác dụng toàn thân nhằm dự phòng tái phát bệnh trong dài hạn. 

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    Management of Endometrial Intraepithelial Neoplasia or Atypical Endometrial Hyperplasia: ACOG Clinical Consensus No. 5. Obstet Gynecol. 2023;142(3):735-744. doi:10.1097/AOG.0000000000005297

    Uptodate. Endometrial hyperplasia: Management and prognosis. Updated September 13, 2023. Accessed October 7, 2023. https://www.uptodate.com/contents/endometrial-hyperplasia-management-and-prognosis?source=mostViewed_widget

    DS. Võ Trương Diễm Phương

    Connect with Tu Du Hospital