ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
Một thai kỳ khỏe mạnh trung bình kéo dài 280 ngày, tương đương 40 tuần tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối. Do đó, ngày dự sinh của con bạn được tính toán từ ngày đầu của kỳ kinh cuối đến tròn 40 tuần, tương ứng với tuổi thai 40 tuần.
Xác định chính xác ngày dự sinh rất quan trọng vì ngày dự sinh là một cột mốc giúp tính toán tuổi thai và là căn cứ để đánh giá sự phát triển bình thường hay bất thường của thai nhi trong suốt quá trình khám thai. Khám thai ở 3 tháng đầu là thời điểm tốt nhất để xác định đúng ngày dự sinh.
Đa số trường hợp thai nhi khỏe mạnh sẽ bắt đầu chuyển dạ ở thời điểm quanh ngày dự sinh. Khi thai kỳ của bạn không có chuyển dạ và kéo dài đến 41 tuần, được gọi là “thai quá ngày” (late term pregnancy). Và khi kéo dài đến 42 tuần, được gọi là “thai già tháng” (Post term pregnancy).
Nguy cơ cho thai già tháng:
Các nguy cơ xảy ra cho sức khỏe của bạn và thai nhi tăng lên khi “thai quá ngày’ và đặc biệt là ở “thai già tháng”. Nguy cơ bao gồm:
Thai chết lưu trong tử cung: Tỷ lệ thai chết lưu (trước khi sinh) hoặc tử vong ở trẻ sơ sinh (trong năm đầu đời) tăng lên ở những thai kỳ kéo dài trên 42 tuần, cao gấp đôi so với những thai kỳ sinh từ 37 đến 42 tuần. Tỷ lệ khoảng 4 đến 7 ca tử vong trên 1000 ca sinh.
Thai to: Thai nhi quá ngày thường tiếp tục phát triển sau ngày dự sinh, do đó, chúng có nhiều khả năng phát triển các biến chứng liên quan đến kích thước cơ thể. Các biến chứng có thể bao gồm chuyển dạ kéo dài, khó đi qua ống sinh và chấn thương khi sinh (ví dụ, gãy xương hoặc tổn thương thần kinh, băng huyết sau sinh...) liên quan đến khó khăn trong việc sinh vai (kẹt vai trong lúc sinh, ngạt...).
Thai nhi suy dinh dưỡng: Một số thai nhi khi quá ngày sẽ ngừng tăng cân sau ngày dự sinh. Hội chứng "Suy dinh dưỡng sau ngày dự sinh" dùng để chỉ thai nhi dừng tăng cân thậm chí giảm cân từ sau ngày dự sinh. Nguyên nhân thường là do già hóa nhau thai dẫn đến không cung cấp đủ máu cho thai nhi, dẫn đến suy dinh dưỡng.
Thai hít phân su: Sau ngày dự sinh, thai nhi có nhiều khả năng đi phân su vào nước ối. Nếu thai nhi bị stress, có khả năng thai nhi sẽ hít phải một ít nước ối có phân su này; điều này có thể gây ra các vấn đề về hô hấp khi em bé chào đời.
Thiểu ối có thể gây chèn ép dây rốn gây thiếu oxy và suy thai.
Nguy cơ cho mẹ: Rủi ro đối với bà mẹ liên quan đến kích thước của thai nhi quá lớn, bao gồm khó khăn trong quá trình chuyển dạ, tăng nguy cơ tổn thương tầng sinh môn (bao gồm âm đạo, môi lớn và trực tràng) khi sinh thường và tăng tỷ lệ sinh mổ kèm theo các nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng và tổn thương các cơ quan xung quanh.
Dự phòng và hướng xử trí cho thai quá ngày:
Để dự phòng thai quá ngày, điều quan trọng là phải tính được ngày dự sinh một cách chính xác nhất. Vì vậy ghi nhớ ngày kinh cuối cùng và khám thai ở 3 tháng đầu để xác định ngày dự sinh là rất quan trọng. Độ chính xác của ngày dự sinh khi tính toán dựa theo ngày kinh cuối cùng hoặc các chỉ số thai nhi ở thời điểm 3 tháng đầu là ±3 đến 5 ngày. Trong khi đó, nếu bạn tính ngày dự sinh dựa vào các chỉ số thai nhi ở những thời điểm trễ hơn trong tam cá nguyệt 2 hoặc 3, tính chính xác sẽ dao động nhiều hơn trong khoảng ±7 đến 21 ngày.
Các hướng dẫn hiện nay khuyến cáo khởi phát chuyển dạ ở thời điểm 40 tuần nếu không có chuyển dạ tự nhiên.
Các phương pháp khởi phát chuyển dạ dành cho thai đến ngày dự sinh bao gồm:
- Sử dụng hormone Prostaglandin tổng hợp (Propess)
- Phương pháp đặt bóng
- Lóc ối hoặc tia ối.
- Sử dụng hormone Oxytocin tổng hợp
Lưu ý: Bài viết chỉ đề cập đến những trường hợp thai quá ngày dự sinh và không kèm yếu tố nguy cơ khác.
Xem thêm về các phương pháp khởi phát chuyển dạ tại đây
Tham khảo:
https://www.acog.org/womens-health/faqs/when-pregnancy-goes-past-your-due-date
https://www.uptodate.com/contents/postterm-pregnancy-beyond-the-basics