Hiện nay nhiễm khuẩn sau mổ là vấn đề quan tâm hàng đầu trong các bệnh viện và một trong những đường vào chủ yếu của vi khuẩn là qua vết mổ trên da. Sự lành tốt và đẹp vết mổ là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của ca phẫu thuật. Để giải quyết vấn đề này đã có nhiều giải pháp được đưa ra như: cải tiến về kỹ thuật mổ, lựa chọn đường mổ thích hợp, kỹ thuật đóng da, cải tiến chất lượng chỉ khâu thích hợp, sử dụng kháng sinh thế hệ mới, tuy nhiên vẫn chưa giải quyết rốt ráo vấn đề. Từ những năm gần đây ngành hóa sinh học đã có bước đột phá lớn về sản phẩm y học đó là keo dán da sinh học. Đây là bước tiến mới trong y học đã được ứng dụng ở nhiều nước nhằm hạn chế tối đa sự nhiễm khuẩn và mang lại sự tiện lợi cho người bệnh
Keo dán da chủ yếu là chất 2-octyl-cyanoacrylate chất này tạo sự kết dính bền chắc trên mô sinh học. Trong những nghiên cứu in vitro gần đây cũng đã chỉ ra 2-octyl-acynoacrylate cũng có thêm hiệu quả kháng khuẩn vi khuẩn gram dương và gram âm như: Staphylococcus epidermis, S.aureus, Escherichia coli, Pseudomonas aeruginasa, và Entorococcus faecium… trong vòng 72 giờ sau sử dụng.
Keo dán da là một phương pháp đóng kín vết hở da cho phép nó gắn vào đường mổ và khép dính hai mép vết mổ lại đồng thời tạo ra một lớp màng bảo vệ cho vết thương và giữ ẩm vùng này, tạo ra hàng rào ngăn cản nguồn nhiễm từ bên ngoài và tạo ra hiệu quả kháng khuẩn, nó phù hợp mô về mặt sinh học và cơ học ở da người, chịu được lực căng của mô. Từ đó kiểm soát vết mổ tốt hơn trong thời kỳ hậu phẫu. Thao tác kỷ thuật sử dụng keo dán da đơn giản và nhanh chóng ngay cả trong những trường hợp vết thương dài (nghiên cứu cho thấy có thể sử dụng keo dán cho những vết mổ dài đến dưới 70 cm ). Bất lợi của keo dán là chỉ sử dụng cho những vết mổ không quá căng. Kết quả sau sử dụng là sẹo mổ nhỏ, mang tính thẩm mỹ cao
Tính năng kỹ thuật của keo dán da sinh học là tạo thành màng film trong vòng 3 phút sau dán, không cần băng sau mổ. Có khả năng giữ vết thương trong vòng 5-7 ngày và sau đó tự tróc. Sức căng giữ vết thương tương đương sợi chỉ 4/0 Màng keo dán không thấm nước: cho phép bệnh nhân có thể tắm được nhưng không được chà xát mạnh, không cần thay băng sau mổ, không phải cắt chỉ.
Nghiên cứu ứng dụng keo dán đã thực hiện tại bệnh viện Từ Dũ cho khoảng 80 ca mổ lấy thai với tiêu chuẩn: tình trạng sức khoẻ tốt, không có bệnh lý về huyết học, chức năng đông máu cầm máu bình thường, không bệnh thiếu máu. Không có bệnh lý nội khoa liên quan đến quá trình lành vết thương hoặc dị ứng với thành phần keo dán.
Kết quả: có 78 ca không thấy có phản ứng kích ứng da do keo, không chảy máu vết mổ, không tiết dịch vết mổ trong 7 ngày đầu, không đỏ da vùng vết mổ: không có biểu hiện nhiễm trùng sau mổ, vết mổ dính lành tốt và sẹo mổ đẹp
Hai ca có vấn đề: Một ca có vài vị trí tiết dịch trên vết mổ sau 3 tuần do dị ứng với chỉ khâu mỡ và dưới da. Một ca có hai mép vết mổ không dính lại với nhau do thao tác kỹ thuật sai để hai mép vết mổ bị cuộn lại trong khi dán.
Kết luận: hiệu quả việc sử dụng keo dán da trong phẫu thuật là an toàn, hiệu quả cao, đem lại sự tiện lợi cho người bệnh, thẩm mỹ, kỹ thuật và thao tác đơn giản. Có thể triển khai đại trà ở mọi tuyến.
* Trích Tài liệu HN Sản Phụ khoa Việt - Pháp - Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 12, ngày 10-11/05/12