Ths Bs Lê Quang Thanh - BV Từ Dũ
Bs CK1 Lê Thị Anh Thư - Khoa Sản - BV An Bình
Tp.HCM
Ung thư cổ tử cung (K CTC) là một nguyên nhân gây tử vong thường gặp trên thế giới. Mặc dù xuất độ của K CTC xâm nhập đang giảm dần nhưng hàng năm tại Bv Từ Dũ vẫn phát hiện gần 600 trường hợp K CTC xâm nhập (năm 2008 phát hiện 584 trường hợp). Ở các nước phát triển, chương trình sàng lọc K CTC đã rất thành công làm giảm xuất độ và tỉ lệ tử vong do bệnh lý này. Tử vong vẫn còn cao ở những nước đang phát triển. Trong thập niên vừa qua, dựa vào bằng chứng có sẵn, đã có rất nhiều tiến bộ về chiến lược điều trị. Bài tổng quan này đưa ra những bằng chứng và khuyến cáo về chiến lược điều trị, bao gồm cả chọn lựa phẫu thuật bảo tồn khả năng sinh sản đối với bệnh ở giai đoạn sớm.
Mở đầu
Mặc dù xuất độ đã giảm nhiều nhưng ung thư cổ tử cung (K CTC) vẫn còn là bệnh lý ác tính thường gặp trên thế giới. Đặc biệt là xuất độ cao ở những nước đang phát triển do thiếu chương trình sàng lọc phát hiện sớm K CTC. Thống kê của tổ chức y tế thế giới cho thấy ½ số trường hợp K CTC trên thế giới là ở Châu Á. Mặc dù xuất độ của K CTC xâm nhập đang giảm dần nhưng hàng năm tại Bv Từ Dũ vẫn phát hiện gần 600 trường hợp K CTC xâm nhập mới.
Không giống như những bệnh lý ác tính khác, K CTC là một bệnh lý ác tính có thể phòng chống được bằng các chương trình dự phòng rất hiệu quả. Đối với chương trình dự phòng cấp 1: sau một thời gian dài nghiên cứu và được công nhận, vaccine phòng ngừa HPV chủng nguy cơ cao gây K CTC đã được đưa vào sử dụng rộng rãi. Mặc dù vậy, chương trình dự phòng cấp 2 vẫn được đánh giá là quan trọng nhất vì vaccine không thể ngăn chặn được hết nguyên nhân gây K CTC. Chương trình dự phòng cấp 2 đặc biệt quan trọng vì mang lại hiệu quả rất cao do:
- Chương trình sàng lọc bằng tế bào (Pap test) đã được chứng minh sự hiệu quả và đã được áp dụng từ lâu trên toàn thế giới.
- Giai đoạn tiền K kéo dài rất lâu và điều trị ở giai đoạn tiền K rất hiệu quả.
Ở những nước phát triển chương trình sàng lọc K CTC rất hiệu quả, nhiều phụ nữ được phát hiện sớm và điều trị tốt trong giai đoạn tiền ung thư. Chính điều đó đã góp phần làm giảm xuất độ K CTC xâm lấn và gia tăng đáng kể xuất độ của tổn thương tiền ung thư, được gọi là tân sinh trong biểu mô CTC (CIN). Có sự dao động lớn về xuất độ và nguy cơ bị K CTC tùy theo các vùng khác nhau trên thế giới. Tại anh quốc, xuất độ của K CTC giảm từ 4467 trường hợp mới mắc vào năm 1985 còn 2900 trường hợp năm 1995. Trước năm 2000, chỉ còn 2424 trường hợp mới. Ước tính mỗi năm có khoảng nửa triệu trường hợp mới mắc trên toàn thế giới, trong đó khoảng 80% ở những nước đang phát triển. Sự phân bố về tuổi thay đổi theo từng quốc gia. Lứa tuổi có xuất độ cao nhất của K CTC xâm nhập nằm trong khoảng 45 – 50 tuổi, mặc dù có sự tăng trong khoảng tuổi 25 – 34. Xuất độ cao nhất của cin là 25 – 40 tuổi. Hiện nay, tỉ lệ tử vong do K CTC giảm khoảng 7% mỗi năm tại anh quốc, chủ yếu là do chương trình sàng lọc rất thành công. K tế bào gai vẫn chiếm đa số trường hợp K CTC xâm nhập, mặc dù từ năm 1998 đã có sự tăng đáng kể tỉ lệ các trường hợp K tuyến và K kết hợp tế bào gai-tuyến.
Có một số yếu tố nguy cơ liên quan đến K CTC như nhiễm HPV, hút thuốc lá, hành vi tình dục, suy giảm miễn dịch và dùng thuốc viên ngừa thai. Hiện tại đã có đầy đủ bằng chứng cho thấy HPV là nguyên nhân chính gây tổn thương tiền K và K tế bào gai xâm nhập. Những chủng chính gây K CTC là HPV 16, 18, 31, 33, 35.
* Nội dung chi tiết bài viết vui lòng bạn tải file .pdf