Date 20/05/2011

    BS Nguyễn Thị Kim Nhi
    Bệnh viện Nhi Đồng 2

    Đặt vấn đề - Mục tiêu:

    Nhiễm khuẩn huyết sơ sinh vẫn là một trong 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu ở sơ sinh. Nghiên cứu này nhằm khảo sát các yếu tố liên quan đến tử vong trong nhiễm khuẩn huyết sơ sinh (NKHSS) tại bệnh viện Nhi Đồng 2.

    Phương pháp:

    Mô tả cắt ngang, tiền cứu  trên các trẻ sơ sinh (≤ 30 ngày tuổi) nhập khoa sơ sinh và khoa hồi sức bệnh viện Nhi Đồng 2 từ 11/2009- 07/2010 thoả các tiêu chuẩn: Hội chứng đáp ứng viêm bào thai và cấy máu dương tính hay có dấu chứng của NTHSS.

    Kết quả:

    Có tất cả 154 bệnh nhi bị  nhiễm khuẩn huyết sơ sinh, trong quá trình theo dõi có 25 bệnh nhi tử vong, chiếm tỉ lệ 16,2%. Cấy máu phát hiện dương tính với tỷ lệ thấp (17,5%). Nồng độ lactate tại thời điểm 24 giờ được xem là xét nghiệm có giá trị phân cách cao nhất. Tại thời điểm 24 giờ, với điểm cắt lactate ≥ 5,23 mmol/L thì độ nhạy và độ đặc hiệu tương ứng là 48% và 95%. Qua phân tích đơn biến, phát hiện có 5 yếu tố lâm sàng liên quan đến tử vong có ý nghĩa thống kê  bao gồm: tuổi thai, dị tật bẩm sinh, cân nặng lúc sinh thấp, sốc nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn bệnh viện với OR lần lượt là 18,1 (thai thiếu tháng); 2,6 (có dị tật bẩm sinh); 14,1 (cân nặng < 2500g); 8 (có sốc nhiễm khuẩn) và 6,8 (có nhiễm khuẩn bệnh viện). Qua kết  hồi qui logistic đa biến, chỉ có sốc nhiễm khuẩn (OR hiệu chỉnh: 3,3) và lactate  máu tại thời điểm 24 giờ ≥ 5,23 mmol/L (OR hiệu chỉnh: 12,7) là hai yếu tố có liên quan thực sự đến tử vong một cách độc lập.

    Kết luận:

    Sốc nhiễm khuẩn và nồng độ lactate máu tại thời điểm 24 giờ ≥ 5,23 mmol/L là hai yếu tố có liên quan đến tử vong, độc lập với các yếu tố còn lại như: cân nặng, tuổi thai, dị tật bẩm sinh, nhiễm khuẩn bệnh viện.

    Từ khóa: nhiễm khuẩn huyết sơ sinh, sốc nhiễm khuẩn, tử vong

    Trích Tài liệu HN Việt - Pháp lần 11, năm 2011

    Connect with Tu Du Hospital