Thấu hiểu nỗi khát khao của những cặp vợ chồng hiếm muộn, khi tiếng khóc trẻ thơ đã trở thành niềm khắc khoải mỗi ngày. Từ những năm đầu của thập niên 90, trong muôn vàn khó khăn chung của đất nước sau chiến tranh , Ban lãnh đạo bệnh viện Từ Dũ đã âm thầm chuẩn bị cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực để triển khai TTTON (IVF) tại Việt Nam, nhằm giúp những cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn có cơ hội được làm cha, làm mẹ. Người đặt nền móng đầu tiên cho chương trình thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam là BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Giám đốc bệnh viện Từ Dũ bấy giờ.
Sau 42 năm đất nước thống nhất (1975 - 2017) chúng ta đã đạt được những thành tựu về kinh tế, kỹ thuật và an sinh xã hội. Một nửa thời gian đó, 20 năm (1997 - 2017) vinh danh một thành tựu y khoa: Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), một thành tựu có ý nghĩa vô cùng to lớn không chỉ cho sự phát triển của các thế hệ tương lai người Việt Nam mà còn góp phần ghi dấu son của đất nước ta trên bản đồ IVF thế giới. Mặc dù IVF Việt Nam chỉ được đặt nền móng sau khi IVF thế giới đã đi được một chặng đường phát triển dài 20 năm nhưng đến nay IVF Việt Nam đã có số chu kỳ điều trị hằng năm cao nhất Đông Nam Á với tỉ lệ thành công tương tự các trung tâm danh tiếng ở Singapore, Úc, Mỹ…
Ngày 30/4, không chỉ mang ý nghĩ là một cột mốc lịch sử của dân tộc mà đồng thời trở thành cột mốc lịch sử IVF Việt Nam khi 3 em bé Thụ tinh ống nghiệm đầu tiên chào đời vào ngày 30/4/1998.
Phạm Tường Lan Thy, một trong 3 cháu bé Thụ tinh ống nghiệm đầu tiên của Việt Nam giờ đã trưởng thành, phát triển hoàn toàn bình thường về thể chất và tinh thần. Em đã trở thành một bằng chứng sống không thể chối cãi về tính an toàn và nhân văn của kỹ thuật IVF. Em không những học giỏi mà còn rất năng động trong các hoạt động xã hội. Một cô học sinh xinh xắn, thông minh, một đứa con tuyệt vời mà bất cứ cặp vợ chồng nào cũng ước mơ
Một chặng đường 20 năm, IVF Bệnh viện Từ Dũ đã phát triển không ngừng với nhiều thành tựu vượt bậc, không những về khoa học kỹ thuật mà còn về chất lượng chăm sóc và phục vụ khách hàng.
1995: Thực hiện thành công bơm tinh trùng đầu tiên với tinh trùng lọc rửa
1997: Thực hiện ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên
1998: Ba bé ra đời từ Thụ tinh trong ống nghiệm
1999: Thực hiện kỹ thuật ICSI
2002: Ca sinh đôi đầu tiên sau giảm thai
2003: Em bé đầu tiên được sinh ra bằng kỹ thuật MESA-ICSI
2004: Em bé sinh ra từ kỹ thuật TESE ICSI
2005: Em bé thứ 2000
2007: Em bé đầu tiên với kỹ thuật trữ phôi nhanh, em bé nuôi trứng non ống nghiệm đầu tiên
2008: Thực hiện phôi thoát màng bằng laser
2009: Thực hiện chuyển phôi ngày 5
2010: Tthiết lập quy trình PGD
2011: Em bé thứ 4000 được sinh từ thụ tinh trong ống nghiệm và kỹ thuật IMSI
2013: Thực hiện nuôi cấy phôi ở các buồng ủ riêng biệt
2014: Mô hình đánh giá phôi tự động
2015: Thực hiện điều trị mang thai hộ theo nghị định 10
2016: Thiết lập quy trình nghiên cứu trữ rã mô buồng trứng
Một số giải thích:
2004: Em bé đầu tiên từ kỹ thuật TESE ICSI (phẫu thuật lấy tinh trùng từ tinh hoàn)
TESE là một kỹ thuật mổ sinh thiết tinh hoàn giúp các bệnh nhân vô tinh (không xuất tinh được) có cơ hội có con từ tinh trùng của chính mình.
2007: Em bé đầu tiên từ kỹ thuật trữ phôi nhanh
Trữ phôi nhanh giúp giảm thời gian trữ phôi, ngăn được các tác động xấu từ việc giảm nhiệt của trữ phôi chậm dẫn đến giảm quá tải trong công việc hằng ngày của lab TTTON, tăng tỉ lệ phôi sống sau rã đông, cải thiện hiệu quả điều trị, nâng cao tỉ lệ thành công
2008: Em bé đầu tiên từ kỹ thuật IVM (trưởng thành trứng non trong ống nghiệm)
IVM là kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm từ các trứng non, góp phần giảm thiểu nguy cơ quá kích buồng trứng khi kích thích buồng trứng ở bệnh nhân buồng trứng đa nang để thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển. Với phương pháp này, bệnh nhân tốn chi phí sử dụng thuốc ít hơn mà vẫn có cơ hội có thai tốt.Thêm một lựa chọn hiệu quả trong cá thể hóa điều trị.
2008: thực hiện kỹ thuật phôi thoát màng bằng laser (AH)
Kỹ thuật thoát màng phôi giúp tăng cơ hội làm tổ cho phôi trong các trường hợp khó như màng phôi dày, phụ nữ lớn tuổi.
2009: kỹ thuật nuôi phôi ngày 5 (phôi blast)
Nuôi phôi ngày 5 (blast) làm tăng cơ hội làm tổ của phôi, tăng tỉ lệ thành công, giảm khả năng đa thai.
2010: thiết lập quy trình PGD (chẩn đoán di truyền tiền làm tổ)
Kỹ thuật PGD hiện đang là xu thế chung của thế giới, giúp sàng lọc các bệnh di truyền để có thể lựa chọn các phôi không mang bệnh. Điều này thật sự hữu ích cho các gia đình có bệnh di truyền.
2011: Thực hiện kỹ thuật IMSI (kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng cải tiến)
Đây là kỹ thuật cải tiến của ICSI, giúp tăng hiệu quả của việc lựa chọn tinh trùng làm ICSI đối với các mẫu tinh trùng dị dạng nhiều và tỷ lệ sống thấp.
2014: khai trương khu dịch vụ phòng khám mới
Đây là một bước tiến mới để tăng cường chất lượng phục vụ cho bệnh nhân.
Trong quá trình 6 năm liên tục (2011-2016), ứng dụng những thành tựu y học sinh sản tiến tiến nhằm đáp ứng nhu cầu thiêng liêng – được làm mẹ ở những các cặp vợ chồng vô sinh – hiếm muộn, Khoa Hiếm muộn - Bệnh viện Từ Dũ đã đạt được nhiều thành tích rất đáng tự hào.
Khoa Hiếm muộn bệnh viện Từ Dũ không ngừng nâng cao chất lượng khám, điều trị, tư vấn để người bệnh đến khám và điều trị ngày càng hài lòng hơn. Câu lạc bộ giao lưu cuối tuần "Ba mẹ mong con" tạo cơ hội giao lưu bác sĩ khoa Hiếm Muộn cùng bệnh nhân với 7 chủ đề thường được bệnh nhân quan tâm nhiều nhất.
Năm 2016, IVF Bệnh viện Từ Dũ đánh dấu bước phát triển và uy tín trong khu vực thông qua việc đăng cai tổ chức thành công Hội nghị quốc tế về Bảo tồn khả năng sinh sản Châu Á lần thứ nhất, với sự tham gia của 30 chuyên gia, trình bày 21 báo cáo tại hội trường và 32 poster kết quả nghiên cứu từ nhiều trung tâm trên thế giới. Hội nghị đồng thời tổ chức thành công hai workshop về trữ lạnh mô buồng trứng và trữ lạnh noãn cho các chuyên viên lab trong nước và quốc tế. Các chuyên gia tham gia báo cáo đến từ nhiều khu vực trên thế giới: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Philipine, Indonesia, Đài Loan, Hồng Kông, Đan Mạch, Pakistan, Thái Lan. Toàn bộ các báo cáo, poster và hướng dẫn thực hành đều được trình bày bằng tiếng Anh và không sử dụng phiên dịch. Hội nghị không chỉ thể hiện uy tín của IVF Bệnh viện Từ Dũ mà còn là cơ hội lớn để IVF Việt Nam hòa nhập, hợp tác và trao đổi kinh nghiệm cùng bạn bè quốc tế. Các kết quả nghiên cứu từ hội nghị này sẽ nhanh chóng áp dụng vào thực tế, mang lại hy vọng cho các bệnh nhân nữ bị ung thư về khả năng có con sau khi đã được điều trị bệnh.
Chặng đường 20 năm phát triển, IVF Bệnh viện Từ Dũ tự hào về đội ngũ thầy thuốc giỏi chuyên môn, giàu y đức, thân thiện, nhiệt tình; tất cả cùng đồng lòng mang đến cho bệnh nhân một nơi điều trị đầy nhân văn và hiệu quả:
IVF Bệnh viện Từ Dũ - nghệ thuật kiến tạo mầm sống
Trích: Bản tin Bệnh viện 07.2017