Date 31/07/2018

    ThS.BS. Lê Ngọc Diệp
    P. Công tác xã hội

    Nhiều năm qua, trong bối cảnh đặc biệt của đất nước chúng ta, một quốc gia chưa giàu,  chiều cao trung bình thấp nhất Châu Á, hệ thống y tế chưa hoàn thiện, tỉ lệ bệnh tật trẻ em còn cao mà tỉ lệ bà mẹ cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu tại Việt Nam giảm đến 50% trong vòng 10 năm. Nhiều  hoạt động thiết thực đã được các tổ chức như Bộ Y tế, Công đoàn… triển khai, nhằm ngày càng nâng cao nâng cao hơn nhận thức vể nuôi con bằng sữa mẹ.

     Tôi thật sự đồng cảm với chương trình này qua 4 góc nhìn.

     

    Thứ nhất, góc nhìn của người làm công tác khoa học:

    Chương trình đã hoạt động với một nền tảng khoa học vững chắc, đánh giá đúng đắn về lợi ích vô giá của sữa mẹ. Với các acid béo không no đa nối đôi, sữa mẹ giúp cho não, hệ thần kinh và thị lực, xúc giác và ngôn ngữ của trẻ phát triển tốt hơn, giúp trẻ có sức đề kháng và trí thông minh cao hơn trẻ bú bình

    Những hoạt động trong chương trình dựa trên nền tảng của khoa học thay đổi hành vi. Các bà mẹ, khi được tuyên truyền để hiểu rõ về lợi ích của sữa mẹ, tức là được tác động vào nhận thức, sẽ hiểu rõ hơn về lợi ích của sữa mẹ, từ đó dẫn đến thay đổi hành vi: tận dụng thời gian và sự sẵn có của các cabin để vắt sữa, trữ sữa dành cho con.

    Tôi cũng đồng cảm với chương trình bằng trái tim của một nhân viên y tế:

    Tại Bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện được công nhận là Bệnh viện bạn hữu trẻ em, chúng tôi đang nỗ lực không ngừng để trẻ sơ sinh được bú mẹ từ những giờ chào đời đầu tiên Chúng tôi tận tình hướng dẫn, thậm chí dỗ dành các bà mẹ cho trẻ bú sớm, tìm và kiên nhẫn giải thích với những lon sữa bột trong phòng bệnh. Thế nhưng, như có ai đó đã nhận xét, đấy là cuộc đấu tranh quá nhiều bất lợi: người mẹ lẫn người thân không tin mình có đủ sữa cho con, sợ con không thích ứng với thức ăn khác khi mẹ phải sau lại với công việc, sự quá mạnh mẽ của công nghệ quảng bá sản phẩm cũng như tính sẵn có của sữa công thức. Chúng tôi thấy yên tâm hơn khi những cố gắng vận động mẹ cho trẻ bú mẹ được kéo dài và bền bĩ bởi sự có mặt của Chính chương trình hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc.

    Tôi cũng đồng cảm với chương trình bằng trái tim của một bà mẹ. Trong thời kỳ đổi mới, phụ nữ vừa là lực lượng lao động, gánh vác nhiều trọng trách nhưng vẫn luôn cánh cánh bên lòng trách nhiệm thiêng liêng: làm mẹ. Khi quay lại với công việc sau 6 tháng hậu sản, điều ray rứt lớn nhất chính là việc thiên thần nhỏ của họ sẽ không chịu bú bình khi đã quá quen với sữa mẹ. Chính vì tâm lý này, nhiều bà mẹ đã ngậm ngùi cho bé tập làm quen với sữa bình. Nếu ai đã từng làm mẹ, sẽ vẫn còn nhớ cảm giác tim mình như thắt nghẹn khi đi làm mà bầu ngựa căng tức sữa, sữa đã thấm ướt áo nhưng không biết làm sao có thể mang sữa này về cho đứa con bé bỏng ở nhà. Những cabin sữa giúp bớt đi hình ảnh dòng sữa mất hút trong những bồn rửa tay trong khi bé con ở nhà lại chật vật với sũa công thức, giúp bà mẹ vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm nuôi sống gia đình, góp tay xây dựng đất nước.

    Ở góc nhìn của một thành viên Công đoàn,thật ấm áp khi nhận được sự đồng cảm và thấu hiểu của tổ chức với người lao động, bởi, chỉ cần chút bàng quan thì dễ dàng bảo rằng: nuôi con là chuyện của cá nhân người làm mẹ thôi mà. Chia sẻ với nữ lao động, đôi khi còn chưa khiến họ cảm kích với việc chia sẻ với đứa con của họ. Hơn nữa, công đoàn còn giúp cho người lao động và doanh nghiệp gắn bó hơn với nhau khi việc công và việc tư đều có cơ hội hoàn thành.

    Khi trao đổi với quý vị về vấn đề này, tôi vẫn bất giác mỉm cười khi nhớ đến hình ảnh cậu em trai út của mình chạy nhảy lon ton trong nhà nhưng vẫn sà vào bú mẹ khi mẹ đi làm về. Hình ảnh ấy cũng không phải đã quá xa, nhưng trong bối cảnh kinh tế xã hội và những tác động của nó lên lao động nữ khiến rõ ràng hành trình của  công đoàn đồng hành cùng nuôi con bằng sữa mẹ trở nên là một một câu chuyện mới, nói theo ngôn ngữ  mới là câu chuyện hot. Cũng đáng vui mừng thay, khi chương trình này, theo tôi đang gặp nhau trong một dòng chảy đang lớn dần lên của ý thức nuôi con bằng sữa mẹ.

    ThS.BS. Lê Ngọc Diệp

    Connect with Tu Du Hospital