Date 15/11/2018

    Sáng 9/11/2018, chúng tôi gặp anh Ngô Thành Đông đang loay hoay lau dọn chiếc xe vừa đưa sản phụ D.D.N. đến Bệnh viện Từ Dũ. Gương mặt lấm tấm mồ hôi, anh Đông vui vẻ kể cho chúng tôi nghe câu chuyện lần đầu gặp trong nghiệp lái xe của mình…

    7g30 sáng 9/11/2018, lái xe Ngô Thanh Đông của Hãng taxi Vinasun nhận đón sản phụ D.D.N (1988) cùng người nhà  từ đường Trần Văn Đang (Quận 3 – TP HCM) đến Bệnh viện Từ Dũ, để sinh con. 

    Xe di chuyển khoảng 5 phút đến đoạn đường Võ Thị Sáu (Quận 3), vào giờ cao điểm kẹt xe. Trong lúc bác tài cố gắng tìm cách kịp đưa sản phụ đến bệnh viện, chị D.N đột ngột lên cơn đau bụng dồn dập và có dấu hiệu sinh con. Vừa động viên khách bình tĩnh, anh Đông vừa tập trung cho xe đi nhanh.

    Nhưng, 7giờ 45,  sau tiếng kêu thất thanh của chị N.  trong xe với hai tay đỡ đầu của đứa bé đang tuôn xuống, cả tài xế Đông lẫn chồng và mẹ của sản phụ đều hoảng hốt. Không thể dừng trên đoạn đường đông xe, anh Đông chạy thật chậm sát lề đường, nhắc người nhà nhanh tay sử dụng vật dụng của sản phụ mang theo (khăn, áo) lau sạch, ủ ấm ngay khi đỡ bé ra khỏi bụng mẹ, giữ sạch bánh nhau.  Nghe tiếng khóc to của bé và người nhà của khách báo mẹ đã sinh được một bé trai, anh Đông cũng vui vẻ làm nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

    8giờ00. Tại khoa Cấp cứu của Bệnh viện Từ Dũ, sản phụ D.D.N. được tiếp nhận trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc tốt, sinh hiệu ổn, bé hồng hào, khóc to, cân nặng 3000gr. Các bác sĩ và hộ sinh của khoa Cấp cứu tiến hành cắt dây rốn, lau sạch cho bé, truyền dịch, làm vệ sinh cho mẹ và chuyển lên Phòng Sinh.

    8giờ30. Tại phòng Sinh, sản phụ được kiểm tra tầng sinh môn vì chuyển dạ nhanh có nguy cơn tổn thương đường sinh dục; kiểm tra tình trạng sức khỏe và tiêm ngừa vitamin K cho bé.

    Từ trường hợp sản phụ sinh con trên đường đến bệnh viện nêu trên, Phòng Sinh – Bệnh viện Từ Dũ khuyến cáo:

    Với bé. Khi có dấu hiệu ra khỏi bụng mẹ, người thân (hoặc người đi cùng) bình tĩnh hỗ trợ:

    - Sử dụng khăn khô để đón bé và lau khô ngay khi bé ra khỏi bụng mẹ.

    - Đặt bé trực tiếp trên bụng hoặc ngực của mẹ, cho da bé kề da mẹ

    - Dùng một khăn khô, sạch khác để ủ ấm cho trẻ

    - Đội nón cho bé

    - Mẹ một tay ôm con, một tay đặt trên vùng bụng dưới (hoặc nhờ người nhà giúp), xoa vùng bụng giúp tử cung co hồi tốt.

    + Với bánh nhau.

     - Nếu nhau bong ngay khi trẻ chào đời. Không cắt rốn vì dụng cụ cắt có thể gây nhiễm trùng. Giữ nhau và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế

     - Nếu nhau chưa bong. Tuyệt đối không kéo nhau ra khỏi tử cung để tránh lộn tử cung. Mẹ vẫn giữ nguyên tư thế ôm bé trên ngực khi được đến cơ sở y tế.

    Đối với mẹ.

    Trong trường hợp sản phụ chảy máu nhiều ở âm đạo:

    -  Đặt đầu sản phụ nằm thấp,

    -  Người nhà đi cùng dùng bàn tay nắm chặt, ấn giữ trên vùng bụng dưới rốn

    -  Chuyển nhanh đến cơ sở y tế gần nhất.

    Tại cơ sở y tế

    Nhân viên tiếp nhận  kiểm tra tình trạng sức khỏe của mẹ và con, nhanh chóng xử trí các bước:

    Với con.

    Trường hợp bé chưa cắt rốn:

    - Nhanh chóng cắt rốn và chăm sóc bé

    - Tiêm ngừa vitamin K để phòng ngừa xuất huyết

    - Tiêm vaccine viêm gan

    - Cân, đo, nhỏ thuốc cho mắt của trẻ (chăm sóc thường quy cho trẻ).

    Với mẹ

    - Đỡ nhau thai an toàn ra khỏi tử cung, giúp tử cung co hồi tốt phòng ngừa băng huyết sau sinh

    - Kiểm tra đường sinh dục có tổn thương?

    - Theo dõi sức khỏe của mẹ.

    Trường hợp bé đã cắt rốn:

    - Khai thác thân nhân đi cùng đã sử dụng dụng cụ gì để cắt rốn

    - Chăm sóc rốn cho bé

    - Tiêm ngừa  vitamin K

    - Tiêm vaccine viêm gan

    - Mời bác sĩ Khoa Sơ sinh đến khám và kiểm tra sức khỏe cho bé.

     

    (Minh Tâm)

    CN. Nguyễn Thị Minh Tâm

    Connect with Tu Du Hospital