Ngày 22/2/2019, sau gần một tháng được phẫu thuật cấp cứu rối loạn đông máu do thuyên tắc phổi trong quá trình sinh con đầu lòng tại Bệnh viện Từ Dũ (ngày 29/1/2019, tức 24 /12 âm lịch) và được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (31/1/2019, nhằm 26/12 âm lịch) để tiếp tục theo dõi và điều trị bệnh lý thuyên tắc phổi; sản phụ N.T.A.N (18 tuổi, Đồng Nai) đã xuất viện ngày 11/2/2019 (mồng 7 Tết) trong tình tạng sức khỏe ổn định. Bé gái con chị A.N., cân nặng lúc sinh 1800gr cũng khỏe mạnh và về với mẹ sau thời gian được chăm sóc tại khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ.
Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Văn Hoàng, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp – Bệnh viện Từ Dũ cho biết, bệnh nhân N.T.A.N nhập khoa Sản A lúc 18g00 ngày 29/1/2019 trong tình trạng khó thở, đau bụng và ra huyết âm đạo liên tục. Hồ sơ nhập viện từ tuyến dưới chuyển đến ghi nhận bệnh nhân A.N mang thai 33,5 tuần, chậm tăng trưởng trong tử cung, nhau tiền đạo trung tâm, theo dõi cài răng lược chảy máu. Đánh giá tình trạng của sản phụ N.T.A.N khá nặng, cuộc hội chẩn của các bác sĩ trong tua trực đêm 29/1/2019 đã quyết định mổ cấp cứu.
Lập tức phòng Mổ được nhanh chóng chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật được thực hiện lúc 21g45. Trong quá trình thực hiện ca mổ, bệnh nhân có biểu hiện mạch nhanh, huyết áp tụt, nồng độ CO2 cuối kỳ thở ra rất thấp bất thường. Ngay sau khi bắt ra an toàn một bé gái 1800g, được chuyển khoa Sơ sinh chăm sóc sau khi hồi sức tích cực, sản phụ A.N. có biểu hiệu rối loạn đông máu.
Với tiên đoán về thuyên tắc phổi do sản phụ ít vận động trong thai kỳ và kinh nghiệm lâm sàng trong lĩnh vực gây mê hồi sức, các bác sĩ đã nhanh chóng dùng thuốc vận mạch để nâng huyết áp, khẩn trương tiếp ứng các chế phẩm máu để điều trị rối loạn đông máu, vừa tích cực xoa tim ngoài lồng ngực cho bệnh nhân, vừa cẩn thận may cầm máu bằng mũi B-Lynch. Với 3 lít máu mất trong cuộc mổ, Chị A.N. được truyền 10 đơn vị máu, 7 chế phẩm tủa lạnh và huyết tương tươi đông lạnh. Khi sản phụ có dấu hiệu phục hồi, cuộc hội chẩn với chuyên gia tim mạch – Bệnh viện Chợ Rẫy qua siêu âm tim được tiến hành ngay tại phòng Mổ - Bệnh viện Từ Dũ cho kết quả, bệnh nhân có huyết khối di động trong buồng nhỉ phải.
Khi tình hình sức khỏe bệnh nhân tạm ổn, các bác sĩ cho phép chuyển sang phòng Hồi sức để tiếp tục theo dõi, cũng là lúc trời hừng sáng, 4g15 ngày 30/1/2019.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực Gây mê hồi sức tại Bệnh viện Từ Dũ, BS Tào Tuấn Kiệt cho biết: Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể gặp ở những sản phụ ít vận động. Bệnh lý này liên quan đến việc hình thành cục máu đông trong các tĩnh mạch thường thấy ở chi dưới, gây tắc nghẽn hoàn toàn hoặc một phần dòng máu trong lòng tĩnh mạch. Các yếu tố thuận lợi như: (1) Tình trạng ứ trệ máu tĩnh mạch xảy ra ở 2 chi dưới do tử cung có thai đè ép lên các tĩnh mạch làm cản trở dòng máu trở về tim; (2) Tổn thương mạch máu trong quá trình sanh; (3) Tình trạng tăng đông trong quá trình mang thai. Giai đoạn mang thai và sau sanh dễ hình thành huyết khối tĩnh mạch. Cục huyết khối tĩnh mạch di chuyển về tim phải và đi đến phổi gây ra tắc mạch phổi, có thể gây nguy hiểm cho cả sản phụ và thai nhi, nên cần được phát hiện sớm để kịp thời điều trị.
BS CK II Bùi Văn Hoàng cũng chia sẻ, tuy nguy cơ tỷ lệ mắc bệnh thuyên tắc phổi ở các mẹ bầu rất thấp, khoảng 0,25 – 0,1%, nhưng có thể tác động tới thai phụ cả trong giai đoạn mang thai lẫn sau khi sinh. Tại Bệnh viện Từ Dũ, trong năm 2018 đã điều trị thành công 5 trường hợp sản phụ thuyên tắc phổi. Theo BS Hoàng, có một số yếu tố trong lĩnh vực sản khoa có thể dẫn đến nguy cơ mắc thuyên tắc phổi như:
- Phụ nữ bị tình trạng giãn tĩnh mạch nặng ở chân hay âm hộ
- Dùng thuốc tránh thai hoặc các liệu pháp estrogen
- tiểu đường thai kỳ
- thai bị nhiễm trùng
- Cơ thể bị mất nước dẫn đến tình trạng không đủ lưu lượng máu
- Mắc chứng tiền sản giật hoặc có vấn đề sức khỏe liên quan đến huyết áp
- …
Để tránh nguy cơ huyết khối tĩnh mạch trong quá trình mang thai, ngoại trừ các chỉ định y khoa nghiêm ngặt phải thực hiện nhằm đảm bảo sức khỏe thai nhi, thai phụ nên sử dụng các loại vớ chuyên dụng cho phụ nữ mang thai, giúp giảm sưng và hạn chế quá trình hình thành huyết khối. Thường xuyên vận động, đi lại để thúc đẩy quá trình lưu thông máu, nên uống nhiều nước và thực hiện các động tác căng cơ chân đơn giản.
(Minh Tâm)