Date 15/07/2019

    Ngày 20-6-2019, Bệnh viện Từ Dũ và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức chương trình giám sát, hỗ trợ kỹ thuật và trao tiền hỗ trợ từ Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng của Báo SGGP, khen thưởng các “Cô đỡ thôn bản” – cánh tay nối dài của ngành y tế “phủ sóng” ở những bản làng xa xôi thuộc tỉnh Bình Định.

    Về hiệu quả hoạt động của đội ngũ Cô đỡ thôn bản  (CĐTB) tại tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Thanh Truyền, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định đã báo cáo, các CĐTB tại Bình Định được cộng đồng đánh giá rất cao do gần gũi, đáp ứng được yêu cầu văn hóa của đồng bào người dân tộc và có ảnh hưởng tốt đối với cộng đồng… Trong 6 tháng đầu năm 2019, các CĐTB tại Bình Định đã khám thai, tư vấn về chăm sóc thai cho 125 phụ nữ mang thai; chuyển lên tuyến trên 53 phụ nữ sắp sinh; phát hiện 18 phụ nữ thai nghén nguy cơ cao; chăm sóc, tư vấn cho hàng trăm bà mẹ sau sinh về cách chăm sóc cho sức khỏe cho mẹ và trẻ sơ sinh. 47 CĐTB người dân tộc ít người tại các huyện Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão (tỉnh Bình Định) sau khóa đào tạo đầu tiên (6 tháng)  của Bệnh viện Từ Dũ  năm 2008, khi trở về địa phương đã  được phân công và thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền vận động, tư vấn, giáo dục sức khỏe, chăm sóc thai nghén, cấp cứu kịp thời cho các sản phụ người dân tộc số như đỡ đẻ tại nhà, đỡ đẻ rơi, chăm sóc trẻ sơ sinh, chăm sóc sau sinh cho bà mẹ, …

    Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Truyền cũng cho biết, hiện kinh phí của địa phương hỗ trợ các CĐTB còn rất hạn chế, chỉ 417.000 đồng/tháng và không thường xuyên; chưa được hỗ trợ đủ về công cụ y tế, phương tiện cho công tác chuyên môn; chưa huy động được sự tham gia của cộng đồng trong việc duy trì, phát triển mạng lưới CĐTB.

    Phát biểu trong buổi tổng kết chương trình giám sát, theo BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: “Ý tưởng về hệ thống Cô đỡ thôn bản (CĐTB) được BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ) khởi xướng từ 20 năm trước (năm 1998), với mong muốn đưa y tế đến với nhóm đối tượng liên quan đến sản phụ khoa, phụ nữ ở độ tuổi sinh sản, trẻ sơ sinh ở tận các địa phương còn  nhiều khó khăn, vùng dân tộc ít người chưa có điều kiện tiếp cận với y tế. Từ ý tưởng này, đến nay hệ thống y tế thôn bản đã được Bộ Y tế Việt Nam thừa nhận và đưa vào các điều khoản, điều luật, hoạt động chăm sóc sức khỏe của ngành y tế. Qua đợt giám sát Bệnh viện Từ Dũ đã ghi nhận được, tuy các chế độ, chính sách dành cho đội ngũ CĐTB đến nay còn nhiều bất cập, nhưng các CĐTB vẫn luôn nhiệt tình, âm thầm hoạt động vì tình yêu thương dành cho cộng đồng người dân tộc tại các vùng xa của tỉnh Bình Định, dù chỉ với phần phụ cấp rất ít ỏi. Đây là vần đề cần được sự quan tâm đúng mức của các ban ngành tại tỉnh Bình Định về chế độ thu nhập, đặc biệt là ngành y tế của địa phương trong việc tạo điều kiện cho đôi ngũ CĐTB được bổ sung, cập nhât kiến thức để có thể  làm “cánh tay nối dài”,  đưa các dịch vụ chăm sóc y tế đến với đồng bào người dân tộc”.

    Được biết chi phí của chuyến giám sát tại tỉnh Bình Định là 100 triệu đồng, trong đó có 50 triệu đồng từ Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng của Báo SGGP là công tác phí cho 38 CĐTB và 50 triệu đồng của Bệnh viện Từ Dũ gồm túi y tế với bộ đo huyết áp, thước dây, ống nghe tim thai, nhiệt kế, hộp đựng dụng cụ, kéo…). Dịp này, các cô đỡ thôn bản cũng được Ths.Bs. Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó trưởng phòng Chỉ đạo tuyến và ThsĐD Nguyễn Thị Tuyết Hằng, Phó trưởng phòng Điều Dưỡng - Bệnh viện Từ  Dũ tổ chức buổi ôn tập, bổ sung kiến thức  cơ bản về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

    Phòng Chỉ đạo tuyến

    Phòng Chỉ đạo tuyến

    Connect with Tu Du Hospital