Ngày 15/12/2109, bệnh viện Từ Dũ vừa mổ sinh khẩn cấp một trường hợp thai nhi có biểu hiện suy thai khi chuyển dạ. Bất ngờ là bé chào đời có dây rốn bị thắt 2 nút. Sản phụ H.N.C, 30 tuổi mang thai lần thứ 3. Hai lần trước chị đều sinh bé không đủ tháng.
Ngày 14/12, khi thấy thai máy ít và đau bụng, chị đã đến khám tại bệnh viện địa phương, sau đó được chuyển lên bệnh viện Từ Dũ. Khi đặt máy ghi nhận tim thai và cơn gò tử cung, các bác sĩ nhận thấy tính mạng bé đang bị nguy hiểm nên quyết định mổ khẩn. Nghe bé khóc chào đời to rõ dù sinh sớm hơn dự định gần 5 tuần, cả kip mổ vui mừng vì với 2 nút thắt như vậy, dây rốn hoàn toàn có thể bị cản trở việc cung cấp máu cho thai nhi.
Dây rốn thắt nút chiếm tỉ lệ 0,3 đến 2 % các trường hợp sanh. Một số yếu tố có thể được ghi nhận trong việc làm gia tăng khả năng bị thắt nút của dây rốn như là nó quá dài, thai nhi có kích thước nhỏ, bé có giới tính nam, sản phụ bị đái tháo đường thai kỳ, đa ối. Dây rốn thắt nút thường được hình thành trong khoảng từ 9 đến 12 tuần tuổi thai, dù vậy, có một vài trường hợp ghi nhận nút thắt xảy ra khi người phụ nữ vào chuyển dạ. Thông thường, với chất thạch Wharton trong dây rốn bảo vệ các mạch máu, dẫu có thắt nút, thai nhi cũng sẽ tránh bị đe dọa tính mạng vì gút này lỏng lẻo.
Tuy vậy trong một vài trường hợp hiếm hoi khác, có mối liên quan giữa dây rốn thắt nút và tử vong thai. Các mối thắt này nếu siết chặt, do xoay chuyển của thai hay trong quá trình chuyển sẽ làm cản trở máu đến em bé, gây nguy hiểm đến tính mạng của bé. Dây rốn thắt nút khó có thể phát hiện được trên siêu âm vì việc kiếm các bất thường này không phải là một chỉ định thường quy trong việc siêu âm thai. Với trường hợp của chị C., khi có cơn đau bụng, ghi nhận nhịp tim thai bất thường nên sản phụ đã được mổ khẩn cấp. kịp thời cứu sống trẻ. Hiện nay, vì sinh non tháng nên bé gái này đang được các bác sĩ Sơ sinh theo dõi sát sức khỏe.
Bs. CK2. Lê Ngọc Diệp