Chị L.T. N 36 tuổi mang thai lần thứ 2 được 37 tuần 2 ngày nhập bệnh viện Từ Dũ ngày 31/1/2023 vì tình trạng nhau tiền đạo có chảy máu ít – ngôi ngang - vết mổ cũ kèm với nhân xơ tử cung. Bác sĩ khám bệnh ngay sau đó và tiến hành hội chẩn lên kế hoạch mổ chủ động cho chị N. vì tiên lượng đây là 1 trường hợp mổ khó có nguy cơ chảy máu nhiều trước, trong và sau mổ.
Thông thường để các trường hợp phẫu thuật mổ lấy thai có bệnh lý nhau tiền đạo – vết mổ cũ – ngôi ngang như chị N. thành công thì cần có sự chuẩn bị rất chu đáo như khám tiền mê, dự trù máu sẵn sàng (nếu có thiếu máu trước mổ thì phải truyền máu), ekip phẫu thuật phải đủ mạnh để xử lý tình huống phát sinh như truyền máu khối lượng lớn, sử dụng vận mạch …
Sáng ngày 1/2/2023 chị N. được các bác sĩ tiến hành mổ lấy thai theo kế hoạch đã duyệt. Trong cuộc mổ, vấn đề chảy máu được kiểm soát rất tốt, một em bé trai kháu kỉnh cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui sướng của cả e kíp.
Đột ngột 5 phút sau bệnh nhân xuất hiện tím tái, SPO2 tụt thấp, mạch huyết áp dao động. Với nhiều năm kinh nghiệm và sự nhạy bén của cả ekip, nhận ra đây là một trường hợp nguy kịch cần xử trí báo động đỏ nội viện và liên viện để huy động tất cả nguồn lực của bệnh viện và cả các chuyên ngành khác. Ngay sau đó đội ngũ chuyên xử trí cấp cứu ngưng tim ngưng thở (bác sĩ thường trú sản khoa, bác sĩ trưởng khoa gây mê hồi sức, kỹ thuật viên trưởng gây mê hồi sức….) có mặt kịp thời để xử trí hỗ trợ cấp cứu người bệnh.
Video xem huyết khối ở đây: https://youtu.be/e9w1LZtfTBw
Với bệnh cảnh diễn tiến tím tái đột ngột kèm ngưng tim, ngưng thở nghĩ nhiều là do tình trạng thuyên tắc mạch máu có thể do thuyên tắc mạch ối hay thuyên tắc huyết khối. Cả 2 trường hợp thuyên tắc này có biểu hiện khá giống nhau, và đều rất nguy kịch đến tính mạng người mẹ.
Trước đây, trong ngành y tế đặc biệt là chuyên ngành sản phụ khoa rất ám ảnh và cảm thấy thất vọng khi nghĩ đến bệnh cảnh thuyên tắc ối vì khả năng cứu chữa được cho người bệnh hầu như không có. Nhưng gần đây với sự tiến bộ vượt bậc của y khoa đặc biệt trong các lĩnh vực gây mê hồi sức, truyền máu huyết học, tim mạch can thiệp… đã cứu sống được nhiều bệnh nhân thuyên tắc ối và cả thuyên tắc phổi nếu được chẩn đoán và xử trí sớm, kịp thời.
Sau khi xảy ra tình trạng thuyên tắc mạch sẽ nhanh chóng xuất hiện tình trạng rối loạn đông máu gây tình trạng chảy máu khó cầm diện rộng. E-kíp gây mê hồi sức đã nhanh chóng truyền các chế phẩm máu để kiểm soát tình trạng này như huyết tương tươi đông lạnh, tủa lạnh, yếu tố VIII, tiểu cầu…Bác sĩ phẫu thuật cố gắng cầm máu thật cẩn thận ở tất cả các vị trí của vết mổ từ trong ổ bụng ra ngoài thành bụng như cơ tử cung, phúc mạc tử cung, phúc mạc thành bụng, cân cơ thành bụng….Và để dự phòng tình trạng chảy máu do đờ tử cung Bác sĩ phẫu thuật cũng đã tiến hành thắt động mạch tử cung 2 bên và may mũi B-lynch dọc.
Trước đây do tình trạng chảy máu khó kiểm soát bởi rối loạn đông máu và đờ tử cung nên hầu như những trường hợp này đều được tiến hành cắt tử cung để cầm máu. Nhưng gần đây nhờ phối hợp liên chuyên khoa xử trí sớm, điều trị kịp thời nên nội khoa ổn định hơn đưa đến kiểm soát tốt hơn tình trạng rối loạn đông máu và giúp tử cung co hồi tốt hơn nên có thể bảo tồn được tử cung cho người bệnh. Can thiệp tối thiểu trong tình huống nguy kịch giúp tăng cơ hội sống hơn cho người bệnh.
Sau khi ổn định được mạch, huyết áp, đóng bụng vừa xong, bác sĩ gây mê hồi sức phối hợp với các bác sĩ tim mạch can thiệp bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành siêu âm tim phát hiện bệnh nhân có tình trạng dãn buồng tim bên phải (thất phải), và cũng thấy được 1 cục huyết khối ở thất phải của tim và 1 cục huyết khối ở tĩnh mạch cảnh bên phải (tĩnh mạch nằm ở cổ bên phải là đường ra của thất phải). Đây là một trường hợp điển hình của thuyên tắc phổi do huyết khối.
Sau 18 giờ hậu phẫu, tình trạng mạch huyết áp bệnh nhân khá ổn định, các bác sĩ khám đánh giá lại và quyết định chuyển đến khoa tim mạch can thiệp bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị kháng đông, tiêu sợi huyết theo tinh thần hội chẩn liên viện.
Trong 7 ngày điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chị N. đã phục hồi dần, chị ăn uống, đi lại tiêu tiểu bình thường, không sốt, vết mổ khô, ống dẫn lưu không ra dịch (không có hiện tượng chảy máu) và không xuất hiện thêm các triệu chứng của tình trạng thuyên tắc huyết khối ở những vị trí khác trên cơ thể.
Sáng ngày 8/2/2023, Chị N được xuất viện trong niềm vui, niềm hạnh phúc không gì có thể tả được của toàn thể nhân viên bệnh viện Từ Dũ và bệnh viện Chợ Rẫy.
Em bé chị N. được gửi lại chăm sóc tại khoa Sơ sinh bệnh viện Từ Dũ, như biết được tình trạng của mẹ, em cũng nở một nụ cười thật tươi ngày mẹ xuất viện đón bé về cùng. Thế là em sẽ được nhận đủ đầy tình yêu thương bao la của người mẹ, người vừa trải qua những phút giây thập tử nhất sinh.
Chúc 2 mẹ con chị N. sẽ có thật nhiều sức khỏe, luôn tràn ngập tình yêu thương và may mắn trong cuộc sống.