Date 15/09/2010

    Sáng nay, đúng 08g30 tại Thư viện đã diễn ra buổi hỏi và đáp trực tuyến với chuyên đề "Chăm sóc trẻ sơ sinh". Chương trình có sự tham gia của BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh - Khoa Sơ sinh, BS. Nguyễn Thị Thanh Bình - Khoa Sơ sinh. Dưới đây là một số câu hỏi của chương trình.

    Chào bác sĩ,

    Em đang mang thai 28 tuần, em có nghe nói về bệnh vàng da sơ sinh. Em không biết là con mình khi sinh ra có thể bị vàng da hay không? Làm sao để nhận biết sớm trẻ bị vàng da sơ sinh trong thời gian mang thai. Nếu biết  được có bị vàng da thì làm sao để giảm thiểu được bệnh và cách chăm sóc trẻ như thế nào? Cám ơn bác sĩ.

    L

    BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh: Hầu hết trẻ sơ sinh có thể bị vàng da sơ sinh ở nhiều mức độ khác nhau. Triệu chứng vàng da thường xuất hiện từ ngày thứ 2 sau sinh (nên không thể nhận biết được trong thời gian mang thai). Tuy nhiên, nếu bé bị vàng da bệnh lý thì có thể xuất hiện sớm trong vòng 24 giờ sau sinh. Các bé có nguy cơ vàng da bệnh lý là các bé non tháng, nhẹ cân, con mẹ tiểu đường, có bất đồng nhóm máu với mẹ (Mẹ nhóm máu O, con nhóm máu A hay B). Sau khi sinh, nếu bé bị vàng da sẽ được khám, theo dõi, xét nghiệm và điều trị nếu bị vàng da bệnh lý (chiếu đèn, truyền dịch hay thay máu nếu vàng da nặng). Nếu vàng da sinh lý (vàng da nhẹ ở mặt, xuất hiện sau sinh trên 24 giờ, bú tốt, không kèm dấu hiệu bất thường nào khác, không có các yếu tố nguy cơ vàng da nặng) thì chỉ cần cho bú thường xuyên và theo dõi bé, vàng da sẽ tự hết trong vòng 7 ngày (đối với bé đủ tháng).

     Chào bác sĩ,

    Bé nhà cháu mới xuất viện hơn 2 tuần nhưng bé thường khóc đêm, còn ban ngày thì ăn uống bình thường. Còn về đêm khi bé ngủ được 1 tí thì cháu giật mình thức giấc và khóc nên em phải dỗ cháu 1 hồi lâu thì cháu mới ngủ  tiếp. Không biết cháu bé bị bệnh gì mà hay khóc đêm. Bác sĩ có thể chỉ em khắc phục được không. Cám ơn bác sĩ.
    H.Đ


    BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh: Bé bị còi xương thường có triệu chứng khóc đêm (khóc dạ đề). Chị nên cho bé phơi nắng sáng, uống bổ sung vitamin D (400 đơn vị mỗi ngày, có trong các sirô bổ cho trẻ sơ sinh). Nếu bé bú sữa mẹ thì mẹ nên uống thêm ít nhất 2 ly sữa dành cho phụ nữ mang thai và cho con bú (sữa bà bầu) mỗi ngày, ăn những thực phẩm nhiều canxi (cá ăn được xương, tép ăn luôn đầu và vỏ, đậu hủ...).

    BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh - Phó trưởng khoa Sơ sinh

    Chào bác sĩ,

     Không hiểu sao trẻ của em ọc sữa mỗi khi bé bú. Không biết dạ dày của cháu có vấn đề gì không? Bác sĩ có thể chỉ em làm sao để trẻ không bị ọc. Bé nhà cháu khoảng 1 tháng rưỡi.

    K.P

    BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh: Bé có thể ọc sữa do bú quá no, do thiếu vitamin D (bệnh còi xương) hay do bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản. Trước mắt, chị nên điều trị cho bé bằng cách bế bé theo tư thế thẳng đứng (vác lên vai) sau bú 30 phút, cho nằm với tư thế vai đầu cao 300 (kê khăn lông dưới vai và đầu hay nằm trên ghế ăn dặm). Chị nên cho bé phơi nắng  sáng, bổ sung thêm vitamin D (400 đơn vị mỗi ngày, có trong các sirô bổ cho trẻ sơ sinh). Nếu không giảm thì chị đưa bé đến bệnh viện Nhi đồng siêu âm bụng để chẩn đoán bệnh Trào ngược dạ dày thực quản.

    Chào bác sĩ,

    Con tôi được 2 tháng 10 ngày tuổi, từ khi sinh ra lúc ngủ cháu hay thở khò khè. Tôi có cho cháu đi khám và đã đỡ, từ đó hằng ngày tôi vẫn nhỏ nước muối sinh lý đều đặn cho cháu nhưng cháu luôn có nước mũi khô, có khi bít kín lỗ mũi của cháu làm cháu không chịu bú. Mấy hôm trước cháu bị sổ mũi một ngày là khỏi nhưng sau đó cháu lại bỏ bú mẹ. Chỉ khi nào ngủ cháu mới chịu bú chứ khi thức thì nhất định không bú nên cháu bú không được nhiều. Cháu chơi vẫn ngoan, thỉnh thoảng khi bú tôi thấy tiếng thở như ngẹt mũi hay do đờm không biết. Tôi có dùng dụng cụ hút mũi hút thì không thấy có mũi. Tôi muốn hỏi bác sĩ tại sao con tôi không chịu bú và tôi lấy mũi hằng ngày cho cháu như vậy có ảnh hưởng tới mũi sau này của bé không?

    P.H

    BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh: Trước mắt, chị thử dùng các thuốc vệ sinh mũi dạng xịt (Xisat, Vesim, Sterimar baby) cho bé, mỗi ngày 6 lần, và dùng thêm xirô bổ sung các vitamin (Vitarals, Appeton infant drops...). Nếu không đỡ thì đưa bé đến bệnh viện để khám và điều trị.

    Thưa bác sĩ cho em hỏi vấn đề con của em vừa mới sinh hơn 1 tháng tuổi.

    - Sau con mắt bên phải rỉ ghèn hoài? (bên trái không có ), xin bác sĩ tư vấn và cho em lời khuyên ạ.
    - Vàng da ngay mí mắt và mặt nữa, xin bác sĩ tư vấn dùm em. Mà hơn 1 tháng bé vẫn không hết. Hơn 9 tháng 10  ngày bé chào đời khoảng gần 10 tháng.
    - Lúc đầu em chưa có thai, 2 bên nách  bình thường, khi mang thai thì nách bên phải sưng lên và bự ra (giống như khối u vậy ), bóp vô thì nó mềm, khi sinh xong thì nó xẹp xuống mà không hết vẫn còn 1 cục nhỏ, vậy xin thưa bác sĩ có ảnh hưởng tới sữa cho con bú hay không? Vì  bé còn nhỏ chưa bú bình được nên không đi khám được, xin bác sĩ tư vấn dùm em.
    Em kính mong bác sĩ tư vấn dùm em vì em lo lắm. Em cảm ơn bác sĩ

    N.T.H


    BS. Nguyễn Thị Thanh Bình: Chào em,

    Con mắt bên trái của bé rỉ ghèn hoài có thể do nghẹt đường dẫn nước mắt, thường gặp ở trẻ sơ sinh. Nên nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý 0,9%, lau nhẹ nhàng sau đó, mỗi ngày 2 lần. Nên đưa bé đi khám ở bệnh viện Mắt hoặc chuyên khoa Mắt của BV Nhi Đồng để được hướng dẫn cụ thể hơn.

    Nếu cháu đã hơn 1 tháng tuổi mà vẫn còn vàng da ở mắt và mặt nữa thì nên đưa đi khám ở các phòng khám Nhi sơ sinh. Có thể thấy vàng da kéo dài như vậy ở trẻ hoàn toàn bú mẹ, nếu em bé bú tốt, đi tiêu đều đặn mỗi ngày, đi tiểu nhiều và lên cân tốt thì chỉ cần theo dõi tại các phòng khám là được.

    Có thể do tuyến vú phát triển khi mang thai gây nên tình trạng như vậy. Nếu 2 vú vẫn tiết nhiều sữa thì vẫn cho con bú bình thường. Theo dõi khối u nhỏ bên nách thường xuyên, nếu thấy nó lớn lên thêm thì đi khám ở các phòng khám phụ khoa.

    Em mới vừa sinh bé được khoảng 3 tuần bằng biện pháp mổ lấy thai, bác sĩ cho em hỏi sao trên da em bé hay nổi những mụn nhỏ trông như nổi rôm sẩy khắp người và rốn sau khi rụng thì có chảy một chút xíu nước vàng, không biết có nguy hiểm gì cho bé hay không? Em cảm ơn! 

    babymk1701@.....com

    BS. Nguyễn Thị Thanh Bình: Các mụn nhỏ ngoài da nếu không làm em bé khó chịu, nếu em bé vẫn bú bình thường thì chỉ cần tắm bé hằng ngày với xà bông dịu nhẹ, giữ vệ sinh ngoài da cho tốt, rửa sạch sẽ sau khi bé đi tiêu, tiểu, không  nên để bé bị quá nóng nực, đổ mồ hôi. Nên mặc áo bằng vải  mềm, hút nước tốt thì từ từ da sẽ bình thường trở lại.

    Rốn vừa rụng có thể rịn một ít nước vàng trong 1-2 ngày sau đó. Chỉ cần dùng tăm bông lau nhẹ nhàng cho khô sạch là được. Quan sát da chung quanh rốn, nếu thấy bình thường, không đỏ là tốt ; nếu thấy đỏ thì em nên đưa đi khám ở cơ sở y tế.

     Chào bác sĩ,

     Bé nhà cháu được 1 tháng,10 ngày. Sau khi xuất viện thì cháu bé đi tiêu rất bình thường, nhưng không hiểu sao mấy ngày này có khi cả ngày không đi tiêu. Em không biết là làm cách nào để cháu có thể đi tiêu bình thường lại.

    V.A

    BS. Nguyễn Thị Thanh Bình: Sau 1 tháng tuổi các bé sẽ có thể đi cầu ít hơn, nhất là các trẻ bú sữa bột. Nếu bé vẫn bú tốt, đi tiểu nhiều, đi tiêu phân màu vàng, mỗi lần đi nhiều và tăng cân bình thường thì không có gì đáng lo ngại. Sau 2 tháng tuổi thì có thể cho bé uống thêm nước để giúp bé đi cầu dễ hơn .    

    Chào bác sĩ,
    Trẻ sơ sinh có cần phải bổ sung nước cho trẻ khi trẻ vẫn bú mẹ bình thường không?

    M.L

    BS. Nguyễn Thị Thanh Bình
    Cố vấn khoa Sơ sinh

    BS. Nguyễn Thị Thanh Bình: Nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn thì không cần bổ sung thêm nước cho đến  khi trẻ được 2 tháng tuổi. Sau 2 tháng tuổi  có thể cho trẻ uống thêm ít nước chín hay nước ép trái cây hoặc nước  rau luộc .

    Cám ơn bác sĩ.
    Em vừa mới xuất viện, cháu bé của em thì chưa rụng rốn. Vì là lần đầu tiên có cháu nên em không biết cách chăm sóc rốn như thế nào khi tắm bé. Em cảm thấy lo mỗi khi tắm trẻ sợ rốn bị nhiễm trùng.

    T.T

    BS. Nguyễn Thị Thanh Bình: Khi rốn bé chưa rụng thì nên tắm bé từng phần :
      +  Trước tiên rửa mặt, gội đầu, lau khô ráo .
      +   Tiếp theo dùng khăn ướt lau sạch cổ, nách, ngực, lưng, tay và chân bé .
      +  Vùng mông rửa sạch sau cùng.
      +  Sau đó đặt bé lên một khăn lông và lau khô rồi mới làm rốn với một khăn nhỏ mềm, lau chung quanh chân rốn cho khô rồi để hở rốn là tốt nhất. Như thế rốn sẽ khô và rụng hoàn toàn, thông thường là từ 5 đến 10 ngày sau sinh.

    Nên quấn tả dưới rốn và mặc áo che phủ rốn .

    Chào các bác sĩ,

    Theo dự đoán ngày sinh thì còn 12 ngày nữa là đến ngày sinh. Em nghe nói rằng sau khi sinh thì phải cho bé bú sữa mẹ ngay. Nhưng em không biết chính xác là thời gian như thế nào để cho bé bú mẹ, và sau khi sinh thì phải chăm sóc cơ thể chăm sóc cuống rốn, chế độ dinh dưỡng như thế nào cho bé. Mong bác sĩ giải đáp giúp.

    Anglebaby

    BS. Nguyễn Thị Thanh Bình: Nên cho bé bú sữa mẹ ngay sau sinh trong vòng 1 giờ đầu là tốt nhất, nếu bà mẹ sanh  thường và khoẻ mạnh. Sau sinh, thông thường ít nhất bà mẹ sẽ nằm viện 3 ngày, trong thời gian này nhân viên y tế sẽ hướng dẫn cụ thể, tuỳ theo từng trường hợp, cách chăm sóc và nuôi dưỡng em  bé .

     Cám ơn các độc giả đã gửi câu hỏi vào chuyên mục. Những câu hỏi không thuộc chuyên mục kỳ này sẽ được phúc đáp trong chuyên mục Diễn đàn

    Connect with Tu Du Hospital