Date 30/10/2013

    DS. Huỳnh Thị Hồng Gấm
    Khoa Dược, Chi đoàn CLS – BV Từ Dũ

    Dù không khí Quốc tang đã tạm lắng, tôi vẫn không khỏi bùi ngùi, đau đớn  và luyến tiếc trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫu biết rằng quy luật sinh - lão - bệnh - tử không ai tránh được. Cảm xúc trong tôi về Đại tướng, về cuộc đời và những chiến công lừng lẫy và về sự ra đi của Đại tướng luôn tuôn chảy và dâng trào thành từng giọt lệ nóng bỏng, lăn dài trên má tôi mỗi khi tôi nghe báo đài kể những câu chuyện cảm động về Người. Đặc biệt hơn, hai dòng lệ cứ tuôn trào như thể không cầm được khi tôi xem cảnh đồng bào ta khắp cả nước đội nắng, đội mưa, nhất là các em nhỏ, xem như chưa hiểu gì về lịch sử, mang di ảnh Đại tướng, xếp hàng để được viếng Người lần cuối.

    Nói về Đại tướng là nói về 34 đồng chí trong “Đội Việt nam tuyên truyền giải phóng quân”, và cũng là nói đến tài chọn người và dùng người của chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người học trò xuất sắc của Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Vị Tướng tài trẻ tuổi nhất, giàu tình cảm nhất, đánh thắng nhiều đại tướng nhất,… đã làm tròn sứ mạng mà Quốc dân phó thác cho. Trong mọi hoàn cảnh, tình huống Đại tướng luôn biết học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh một cách sáng tạo, đặc biệt là “thế trận lòng dân”. Chính tư tưởng gần dân này đã tạo nên một hình ảnh Đại tướng bất tử trong lòng đồng bào cả nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Người Anh Cả của quân đội nhân dân Việt Nam, một huyền thoại trong lịch sử oai hùng của dân tộc. Mọi ký ức đều có thể mai một, phai mờ theo thời gian, nhưng theo tôi, toàn thể đồng bào ta, dân tộc ta, không ai có thể lãng quên Đại tướng Võ Nguyên Gíap đã có công quyết định, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu,….

    Những chiến công oanh liệt, những chiến thắng hào hùng, nhưng công lao vĩ đại,… mà Đại tướng đã mang đến cho dân tộc Việt Nam, cho đất nước Việt Nam thật không thể kể xiếc. Tất cả đồng bào ta đều ghi nhận, trân trọng những công lao một cách chân thành nhất qua không khí của những ngày Quốc  tang Đại tướng. Mười ngày qua là cả một khoảng thời gian đau đớn, luyến tiếc cho sự ra đi của Đại tướng. Nỗi buồn đau lan tỏa từ thành thị đến nông thôn, niềm thương nhớ trào dâng  thành hàng triệu triệu dòng lệ của đồng bào khắp cả nước.

    Động lực nào, nguyên nhân nào đã khiến cho hàng triệu đồng bào kính cẩn, rơi lệ, khiến cho hàng triệu triệu người không quãng ngại đường sá xa xôi, thức trắng đêm, xếp hàng dài, chờ đợi tới lượt mình để được một lần cuối gần hơn với Đại tướng, để được cảm nhận nỗi đau, sự mất mát không gì bù đắp nổi,…Đơn giản và cả đồng bào ta đều biết, bạn bè thế giới đều hiểu, bởi Đại tướng là một tượng đài trong lòng dân, thiêng liêng, bền chặt và sống mãi.

    Trong suốt cuộc đời, tôi không bao giờ quên được thời khắc đau thương về sự ra đi của Đại tướng. Tôi thật tự hào là mình được sống trong thế hệ hôm nay, được tận mắt chứng kiến và thấm nhuần tình cảm sâu sắc nhất, thiêng liêng nhất mà cả đồng bào ta dành cho một huyền thoại, một vị anh hùng dân tộc. Đây có lẽ là lần Quốc tang ghi đậm dấu ấn nhất trong lòng tôi, làm cho con tim tôi bùi ngùi, thổn thức nhất về nỗi đau của sự ra đi của một vị Tướng lãnh đạo của dân tộc. Tôi chỉ cảm nhận được không khí tang thương của ngày Bác Hồ ra đi qua những câu chuyện kể lịch sử, qua sách báo. Còn hôm nay, tôi thật sự nghẹn ngào, đau buồn và luyến tiếc khi tôi hòa mình vào không khí đau thương của Ngày Đại tướng ra đi. Tôi sẽ kể lại cho con cháu tôi về không khí cả nước trong  những ngày đau thương này để chứng minh hùng hồn cho tấm lòng cả dân tộc Việt Nam hướng về vị Đại tướng tài tình, một nhà chính trị lỗi lạc của thế giới.

    Trước cuộc sống muôn vàn cám dỗ, đôi lúc tôi lãng quên đâu đó trách nhiệm của mình với gia đình, cộng đồng, nỗi đau thương khi Đại tướng ra đi, sức sống của một con người huyền thoại đã đánh thức và thổi bùng lên tình cảm, trách nhiệm trong tôi. Hòa cùng hàng triệu đồng bào ta, trái tim tôi thực sự thổn thức. Tận đáy lòng, tôi tự hứa mình sẽ phấn đấu nhiều và thật nhiều hơn nữa, phấn đấu để sống, lao động và học tập sao cho xứng đáng là con cháu của Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Phấn đấu hơn nữa để trở thành người công dân tốt góp công sức nhỏ bé vào sự nghiệp xây dựng vào bảo vệ nền độc lập dân tộc mà Bác Hồ, Đại tướng và biết bao thế hệ Cha anh đã gầy dựng. Tôi sẽ cố gắng hơn nữa để học hỏi một lối sống giản dị, gần gũi và trọn một đời vì đất nước của một vị tướng “Tài - Đức; Văn - Võ” song toàn bất tử của lòng dân. Tôi biết mình thật tầm thường và nhỏ bé, làm sao để có thể tạo được phong cách sống giản dị, gần dân như Bác Hồ, như Đại tướng, tất cả đều cần có sự toi luyện. Vâng, tôi tự hứa sẽ rèn luyện “tài và đức, văn và võ” qua từng công việc cụ thể hàng ngày, qua thái độ giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân, đồng nghiệp, qua tình cảm láng giềng khắng khít gắn bó,…, hay nói chung là làm tất cả mọi việc để được dân yêu, dân quý.

    Cuối cùng, tôi xin mượn câu thơ sau đây của nhà thơ Tố Hữu để nói lên tâm tư, cảm xúc của tôi trong những ngày tang thương vừa qua “Có những cái chết hóa thành bất tử; Có những lời hơn mọi lời ca; Có những con người như chân lí sinh ra…”. Xin được kính cẩn, nghiêng mình, cúi đầu đưa Đại tướng về với lòng đất mẹ. Đại tướng ơi, Con nhớ mãi Ơn Người, Đồng bào ơi, có đau thương nào bằng, có mất mát nào hơn,… Xin cả đồng bào ta, dân tộc ta, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay, hãy gắn kết, biến nỗi đau thương mất mát này thành một sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, độc lập dân tộc.

    DS. Huỳnh Thị Hồng Gấm

    Connect with Tu Du Hospital