Date 27/03/2015

    DS. Huỳnh Thị Hồng Gấm
    Khoa Dược - BV Từ Dũ

     

    Trong khuôn khổ chương trình “Liên hoan tuổi trẻ ngành y làm theo lời Bác lần IV- năm 2015”, Ban Thường vụ Thành Đoàn tổ chức hành trình“ Thầy thuốc trẻ Thành phố Hồ Chí Minh đồng hành cùng nhân dân vùng biên giới”

    Ngày 14 tháng 3 năm 2015, các gương điển hình được tuyên dương và trao Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch lần IV năm 2015 chúng tôi đã có hành trình công tác xã hội tại xã Lôc Hưng, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đầy  ý  nghĩa. Lộc Hưng có đến khoảng 6% dân số là hộ nghèo và khoảng 12% đồng bào là dân tộc thiểu số, trong đó đa phần là người Xtiêng. Được biết, Lộc Ninh là điểm cuối của hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh.

     Đoàn chúng tôi đã khám và cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 200 bà con ở xã vùng biên giới, phát 50 phần quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tạo sân chơi với các em thiếu nhi.

    Tuy đây không phải là lần đầu tiên tôi đi công tác xã hội về vùng sâu vùng xa, nhưng cuộc hành trình lần này đã để lại cho tôi nhiều kỉ niệm đẹp, nhiều cảm xúc khó phai.

    Đây là một trong những hoạt động vì cộng đồng đầu tiên của 29 gương điển hình được tuyên dương và trao Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch lần IV năm 2015. Cuộc hành trình mang một ý nghĩa cao đẹp: sau buổi lễ Vinh danh, tính xung kích và nhiệt huyết tuổi trẻ ngành y trong chúng tôi vẫn không ngừng cháy mãi. Chúng tôi đã hứa và sẽ rèn đức luyện tài, tình nguyện vì cộng đồng nhiều hơn nữa để xứng đáng với giải thưởng được trao. Hành trình đã xóa đi khoảng cách giữa thành phố và nông thôn, giữa y bác sĩ và bệnh nhân. Tất cả đều hòa chung một mái nhà để san sẻ và yêu thương. 

    Trong chuyến công tác xã hội này, chúng tôi thật sự vừa có công vừa góp sức, kinh phí cho chuyến đi hoàn toàn do chúng tôi tự nguyện trích từ phần thưởng đã nhận được. Với ý ‎nghĩa “Lá lành đùm lá rách”, với truyền thống tương thân tương ái, chúng tôi muốn động viên tinh thần và chia sẻ phần nào thiếu thốn vật chất của các em học sinh nghèo vùng biên giới. Có hạnh phúc nào bằng khi được tận tay trao cho các em từng phần quà của chính mình, dù chỉ là chiếc cặp học sinh và 10 quyển vở. Các phần quà tuy nhỏ nhưng đã góp phần tô đẹp thêm cuộc sống các em nhỏ vùng biên giới và động viên tinh thần các em sống và học tập tốt hơn. Các em đi chân đất, đi thật xa đến nhận quà, nở nụ cười tươi rói và ngọt lịm giữa cái nắng oi bức của vùng biên giới khi được các anh chị trao quà. Khi lên xe trở về thành phố, tôi vẫn còn cảm giác bùi ngùi khi nghĩ đến con em thành phố đi học có khi mỗi năm vài cái cặp, giày dép có khi thay đổi mỗi tháng, trong khi các em học sinh vùng biên giới đi chân đất, cặp đi học cũng thiếu thốn. Ôi, cuộc sống thật muôn vàn sắc màu. Tôi thầm nguyện với lòng, mình phải biết trân trọng những gì mình có được hôm nay và chia sẻ với người khác để hạnh phúc lan tỏa và được nhân lên gấp bội.

    Bà con đến khám bệnh đa phần là người lớn tuổi, đa số là người dân tộc Xtiêng. Họ cứ nói chuyện rôm rả với nhau bằng tiếng dân tộc. Nhưng sau khi được khám và nhận thuốc, họ đều vui vẻ nói một câu ngọt ngào, làm say đắm lòng người bằng tiếng Kinh “Cám ơn Cô”. Một câu nói mộc mạc chân thành nhưng đã chứa đựng tất cả tình cảm, tấm lòng của bà con vùng biên giới cho đoàn y bác sĩ thành phố.

     Tự hào và hạnh phúc hơn khi chúng tôi ghé thăm căn cứ Tà Thiết, Phòng trưng bày  di tích căn cứ quân ủy, Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Đoàn chúng tôi đã ghé thăm nhà ở và nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo mà tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc như: Thượng tướng Trần Văn Trà, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, Hội trường Bộ Chỉ huy Miền. Là người con của quê hương đồng khởi, tôi không quên được cảm giác tự hào không thể nào tả xiết khi được thắp cho Thiếu tướng Nguyễn Thị Định nén nhang thơm. Một cái gì đó dường như thiêng liêng hơn khi tôi được đứng giữa Hội trường Bộ chỉ huy Miền, nơi đây ngày 14 tháng 4 năm 1975, đã phổ biến bức điện 37TK đồng ý đổi tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định thành chiến dịch mang tên Bác - chiến dịch Hồ Chí Minh.

    Nụ cười hiền lành, chất phác của bà con nghèo xã vùng biên giới của Bình Phước, sự hào hứng của những đứa trẻ khi nhận quà; sự nhiệt thành, tâm huyết và hóm hỉnh của đội ngũ y bác sĩ trẻ thành phố. Tất cả đã làm nên một hành trình đầy ý nghĩa, cho “một ngày nữa để yêu thương”. Vâng, hành trình đã cho ta khám phá và cảm thông, cho ta cảm nhận được sắc màu yêu thương và ý nghĩa của cuộc sống, giúp cho ta trưởng thành hơn,…

    Trên xe trở lại thành phố thân yêu, tôi vẫn như thấy trước mắt mình hình ảnh các em học sinh đi chân đất, nụ cười như cháy rực trên môi khi nhận được phần quà. Không quên được vẻ mặt rạng ngời của bà con vùng biên giới khi được đoàn y bác sĩ thành phố khám bệnh. Quên làm sao cho được Ống cơm Lam mà bà con đã gửi Đoàn làm quà. Cơm dẻo và đậm đà chứa chan tình cảm da diết và ngọt ngào của bà con nơi đây. Quên làm sao được không khí thiêng liêng và tự hào khi được ghé thăm khu căn cứ Tà Thiết- nơi âm vang chiến dịch mang tên Người. Tạm biệt Lộc Ninh thân yêu và mong một ngày không xa, tôi sẽ được gặp lại những người con vùng biên giới này. Và xa hơn là mong hệ thống y tế Việt Nam nói chung, đặc biệt là các tuyến y tế vùng sâu vùng xa phát triển cao hơn nữa để công tác chăm lo sức khỏe cho bà con nghèo vùng biên giới được tốt hơn.

    DS. Huỳnh Thị Hồng Gấm

    Connect with Tu Du Hospital