Hành trình vì biển đảo quê hương, Quảng Ngãi 2013
CN. Hà Quang Quý
Khoa CNK - BV Từ Dũ
Đã trở về đến nhà, nhưng tâm trạng của chuyến hành trình “Vì biển đảo quê hương, vì ngư dân bám biển” tại Quảng Ngãi từ 30/8 đến 3/9 cứ dai dẳng trong tôi. Một vùng đất nắng gió chói chang, những người dân làm lụng vất vả, những trẻ em cắp sách đến trường là phải vượt qua biết bao khó khăn vất vả ở huyện Đức Phổ, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Dù còn đấy những khó khăn nhưng ý chí vươn lên vượt khó của người dân nơi đây thật là kiên cường. Những di tích lịch sử, những địa điểm tham quan là những dấu ấn, kỳ tích của người chiến sĩ Cách Mạng trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc. Đó là khu tưởng niệm bệnh xá Đặng Thùy Trâm, liệt sĩ bác sĩ trong thời kỳ chống Mỹ với tác phẩm Nhật ký tuổi 20 bất hủ. Nhà lưu niệm Hải đội Hoàng Sa là nơi lưu giữ hình ảnh hoạt động của những người con thân yêu của Tổ Quốc đã hy sinh quên mình để bám biển, để chống lại sự xâm lược của kẻ thù. Đó là khu di tích Sơn Mỹ, ghi lại những tội ác chiến tranh của lính Mỹ tàn bạo chỉ trong buổi sáng ngày 16/3/1968 đã cướp đi mạng sống của 504 người dân vô tội.
Đoàn hành trình của chúng tôi gồm khoảng 70 đoàn viên thuộc Sở Y tế TPHCM và Đoàn khối Ngân hàng thực hiện chăm sóc khám chữa bệnh cho 1000 người dân tại huyện Đức Phổ, tặng quà cho đồng bào khó khăn, tổ chức sân chơi cho các em thiếu nhi ở địa phương và giao lưu với bộ đội biên phòng huyện đảo. Khá mệt mỏi khi phải di chuyển gần 1000km bằng tàu lửa và ô tô đến nơi tổ chức khám bệnh, phát quà nhưng khi nhìn thấy cảnh bà con nơi đây chờ đợi muốn được các y bác sĩ khám bệnh phát thuốc làm chúng tôi quên hết sự mệt mỏi. Cảnh mất trật tự, chen lấn xô đẩy của gần ngàn con người không thể nào dứt do người dân ai cũng muốn được khám trước. Phần đông là người già 60-70 tuổi và phụ nữ tại địa phương. Những người trẻ đi tìm những vùng đất kinh tế để làm ăn sinh sống để lại sự thiếu hụt lực lượng lao động ưu tú của địa phương. Qua nhiều năm, cơ sở vật chất đã có cải thiện do sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, công sức của nhân dân nhưng con người vẫn là cái thiếu thốn lớn nhất của vùng đất đầy nắng, gió chói chang này. Vậy là cũng xong chương trình khám bệnh, tổ chức sân chơi tặng quà cho các em thiếu nhi người nghèo khó khăn tại địa phương. Những chia sẻ nghĩa tình ấm áp của đoàn y bác sĩ trẻ, đoàn viên với người dân nơi đây được đền đáp bằng những ánh mắt, nụ cười thân thiện và long biết ơn sâu sắc.
Khám chữa bệnh phát thuốc cho 1000 người dân |
Trao tặng quà cho ngư dân địa phương |
Khu gian hàng các trò chơi thiếu nhi tại ngày hội |
Chúng tôi đến khu tưởng niệm bệnh xá của liệt sĩ bác sĩ Đặng Thùy Trâm, nơi lưu giữ hình ảnh của nữ bác sĩ trẻ tuổi tham gia vào cuộc đấu tranh của dân tộc trước khi bị địch bắn giết vào năm 28 tuổi với 2 tuổi Đảng. Thầy thuốc là nghề cao quý được mọi tầng lớp nhân dân, giai cấp xã hội quý trọng không kể màu da, dân tộc, tôn giáo. Nhưng chiến tranh đã cướp đi tất cả, khi người chiến sĩ bác sĩ trẻ tuổi ấy nhận thức được lý tưởng cách mạng đi theo con đường của Bác Hồ, bảo vệ chính nghĩa, chiến đấu lại cái ác thì đã bị địch tàn sát. Sự hy sinh của chị là ngọn lửa tuổi trẻ cho các thế hệ sau phải ghi nhớ, rèn luyện y đức, lý tưởng để sống cho một xã hội tốt đẹp, đầy nhân văn. Ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, trên bức tượng liệt sĩ bác sĩ Đặng Thùy Trâm tại khu lưu niệm, chúng tôi nhận thấy toát lên vẻ thánh thiện, gần gũi, tươi trẻ của người liệt sĩ bác sĩ. Thật là một sự động viên tinh thần rất lớn cho đoàn viên thanh niên ngành y tế chúng tôi cố gắng vượt qua mọi khó khăn, áp lực công việc hàng ngày để hoàn thành nhiệm vụ tại đơn vị, rèn luyện y đức, nâng cao tay nghề chuyên môn là ý thức tự cường của mỗi đoàn viên y bác sĩ trẻ.
Đoàn hành trình đến ghé thăm khu bệnh xá lưu niệm liệt sĩ bác sĩ Đặng Thùy Trâm |
Vậy là 24 tiếng đồng hồ đã trôi qua. Giật mình nhìn lại, tôi nhận thấy đó là 24 giờ đầy ý nghĩa, thiết thực và thú vị. Đoàn chúng tôi đã vượt qua hành trình gần 1000km trên chuyến tàu Bắc Nam để đến thăm khám chữa bệnh cho 1000 người dân, giao lưu với địa phương, tổ chức tặng quà cho thiếu nhi tại vùng đất xứ Quảng xa xôi, thăm bệnh xá của liệt sĩ bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Chúng tôi đã làm được nhiều việc có ích trong thời gian ngắn ngủi của cuộc hành trình trong ngày đầu tiên. Không khí tập thể, đoàn kết của mọi người trong đoàn đi đã thật sự là điểm nhấn lớn nhất trong hành trình đưa đoàn viên thanh niên tìm về quê hương lịch sử chan chứa nghĩa tình. Còn đó trước mắt là những ngày ra đảo Lý Sơn để tìm hiểu về cuộc sống của người dân huyện đảo, giao lưu với các chiến sĩ nơi biển đảo, tham quan các cảnh vật địa phương mà ai cũng háo hức chờ mong.
7g30 ngày thứ 2 của chuyến hành trình, cả đoàn tập trung lên tàu hướng về đảo Lý Sơn, biển đảo quê hương. Trời trong xanh, đứng trên boong tàu có thể thấy mặt biển trong xanh, dập dìu những con sóng nhỏ, con tàu hướng thẳng ra đảo. Biển đảo hiện ra trước mắt, con người thật sự mong manh trước biển khơi nhưng chính những người chiến sĩ đã vượt qua bao con sóng để tiến ra đảo, yêu quý, sống chết với nó. Ai cũng háo hức, gió biển lồng lộng quất vào mặt những con người trẻ tuổi, họ như quên hết bao nhọc nhằn của chuyến hành trình để chuẩn bị làm những chiến sĩ nơi biển khơi. Con tàu chòng chành theo sóng biển, vượt từng con song tiến ra đảo xa. Âm điệu ca khúc “Nơi đảo xa” cứ văng vẳng trong đầu tôi thật ngọt ngào, gần gũi mà cũng trầm hùng thể hiện tâm tư người đến thăm biển đảo
Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa
Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà
Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa
Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua vượt qua
Lướt sóng con tầu mang tín hiệu trong đất liền
Mắt em nhìn theo con tầu đi xa mãi
Giữa nơi biển khơi đang nở rộ ngàn bông hoa san hô
Cánh hoa đỏ thắm bao hy vọng anh gửi về tặng em
..................
Sau gần 1 tiếng hành trình trên biển, con tàu cũng đã cập bến ở đảo Lý Sơn. Nắng chói chang chiếu trên mặt đất trống trải, hơi nóng và gió biển như thiêu đốt mọi vật. Mọi người cũng dần di chuyển ra khỏi tàu để đến tập kết tại đồn biên phòng ở huyện đảo Lý Sơn. Trên đảo cũng có đông người dân sinh sống, cũng có hàng quán chợ của người dân như trên đất liền. Cái khó chịu nhất là cái nắng chói chang và gió biển cứ hầm hập xung quanh. Chúng tôi tập trung tại đồn biên phòng trên huyện đảo Lý Sơn để chuẩn bị cho đêm lửa trại giao lưu với các chiến sĩ trên đảo. Tranh thủ thời gian, đoàn chúng tôi tham quan các danh thắng trên đảo và tìm hiểu cuộc sống của ngư dân. Những địa danh tham quan trên đảo thật sự gây ấn tượng đối với tôi. Đó là nhà lưu niệm hải đội Hoàng Sa, nơi ghi lại những dấu ấn lịch sử của những người đầu tiên ra đảo và gìn giữ vùng đất này. Đó là mái đình làng biển nơi người người dân thường hay tụ họp vào các ngày lễ cúng và ngày giông thuyền ra đánh cá. Đoàn chúng tôi cũng được đến tham quan chùa Hang, chùa Đục. Những ngôi chùa trên đảo thật xứng là một kỳ quan kết hợp thiên nhiên sông núi. Các nơi thờ tự, đặt dọc theo các hốc núi, trên cao những ngọn núi những mỏm núi hướng thẳng ra biển thật kỳ vĩ, tượng Phật bà quan âm cao hơn 20m hướng ra biển như che chở cho người dân trên huyện đảo có được cuộc sống an lành, thuận buồm xuôi gió.
Đoàn hành trình ghé thăm nhà trưng bày đội Hoàng Sa Bắc Hải |
Thắng cảnh tại chùa Hang |
Buổi tối, chương trình giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ trên biển đảo thật ấm cúng, sôi nổi. Những bài hát về người lính, quê hương được các đoàn viên Đoàn khối Ngân hàng và Đoàn Sở Y tế trình bày đem đến cho ban tổ chức, các chiến sĩ, các thành viên của đoàn hành trình những phút lắng đọng trong đêm nhạc tại huyện đảo. Chúng tôi chơi những trò chơi tập thể quanh ngọn lửa trại cùng các chiến sĩ và giao lưu cùng các chiến sĩ trên đảo làm tình cảm thêm gắn kết.
Sáng ngày hôm sau, là ngày thứ ba của chuyến hành trình, chúng tôi thu dọn hành lý để rời đảo trên con tàu khởi hành vào buổi sớm. Cảm giác tiếc nuối, bâng khuẩng khi tình cảm với người dân, cảnh vật nơi biển đảo vừa mới chớm nở bây giờ đã phải chia tay. Chuyến hành trình từ Thành phố mang tên Bác qua hàng trăm cây số, chúng tôi, những người Đoàn viên thanh niên cộng sản trẻ đã đặt chân đến biển đảo quê hương, để thực tế cảm nhận, chia sẻ, học tập các giá trị truyền thống của dân tộc để biết ơn các chiến sĩ nơi đảo xa đã khắc phục các khó khăn thiếu thốn để gìn giữ độc lập cho quê hương, phát triển cuộc sống mới trên biển đảo. Thôi thì chia tay Lý Sơn, chúng tôi mang theo những kỷ niệm không bao giờ phai về vùng đất biển gian khó mà kiên cường. Chúng tôi hứa sẽ quay lại trong một ngày không xa, để đóng góp công sức nhiều hơn nữa bằng những việc làm thiết thực.
Con tàu đưa chúng tôi trở về đất liền Quảng Ngãi. Chúng tôi hành trình đến vùng đất Sơn Mỹ để thăm khu di tích về vụ thảm sát Mỹ Lai của quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Những hình ảnh tại khu lưu niệm đã tái hiện hoàn toàn tội ác của quân đội Mỹ trong buổi sáng thảm sát kinh hoàng tại Mỹ Lai. 504 con người đã bị thảm sát dã man, vô tội. Không một lời nào có thể ngụy biện cho tội ác tàn bạo nhất của một quân đội xâm lược đối với dân thường. Ỏ giữa thế kỷ 20, nhưng hành động tội ác đó chẳng khác gì hành động man rợ của bộ tộc ăn thịt người thời nguyên thủy, cướp bóc đốt nhà, chặt lìa các thi thể...Nếu không có những phóng viên chiến trường căm phẫn trước sự tàn ác của quân đội Mỹ đã ghi lại những hình ảnh lịch sử này thì tội ác này sẽ không bao giờ được phơi bày trước công chúng. Thật sự là một đau xót quá lớn cho người dân ở vùng đất nghèo khổ. Tuy nhiên, hành động ấy chỉ càng làm tăng thêm ý chí kiên cường đấu tranh của người dân vô tội.
Chúng tôi rời Quảng Ngãi vào chuyến tàu đêm 3/9, kết thúc chuyến hành trình đã đọng lại nhiều kỷ niệm đẹp, cho chúng tôi những bài học giá trị về truyền thống lịch sử dân tộc, biển đảo quê hương tại vùng đất núi Ấn sông Trà. Lần đầu đặt chân đến nhưng thương lắm Quảng Ngãi ơi!!!
Quảng Ngãi, ngày 3 tháng 9 năm 2013
Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), chào mừng 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2024) và chào mừng 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè (2000 – 2024), Công đoàn – Đoàn Thanh niên – Hội Chữ thập đỏ - Hội Cựu Chiến binh Bệnh viện Từ Dũ phối hợp cùng Đoàn Thanh niên Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Kiểm sát Nhân dân Huyện Đắk Mil tổ chức chương trình “Hành trình tri ân – Tự hào tiếp bước” tại Huyện Đăk Mil – Tỉnh Đắk Nông vào ngày 27/7/2024 vừa qua. Hành trình ý nghĩa này là dịp để thế hệ trẻ tri ân, tưởng nhớ đến những người con anh dũng của dân tộc đã hy sinh vì độc lập, tự do và hạnh phúc của Tổ quốc, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các cô chú thương binh, bệnh binh và gia đình có công với cách mạng. Đồng thời tiếp bước những truyền thống tốt đẹp của thế hệ cha anh đi trước, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chia sẻ những yêu thương, trao tặng những món quà thiết thực đến với người dân và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống, chào mừng Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2023), ngày 09/12/2023, Đoàn thanh niên Bệnh viện Từ Dũ đã phối hợp với Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Từ Dũ và Sở Y tế TP.HCM tổ chức chương trình khám bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Chương trình được diễn ra tại Trung tâm y tế xã Phú Khánh, với sự tham gia của 20 đoàn viên, thanh niên là các bác sĩ, hộ sinh, điều dưỡng, dược sĩ,… của Bệnh viện Từ Dũ. Các hoạt động chuyên môn bao gồm: khám phụ khoa, tư vấn phụ khoa, siêu âm phụ khoa, xét nghiệm pap’s tầm soát ung thư cổ tử cung và cấp thuốc miễn phí. Ngoài ra, chương trình còn tặng quà cho các em học sinh nghèo hiếu học và người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Hòa cùng không khí tưng bừng, phấn khởi, tự hào của tháng 7 lịch sử, chào mừng kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2023), 78 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945 – 2/9/2023), với mục tiêu tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa của quê hương; nâng cao nhận thức và khơi dậy trong tuổi trẻ nhà trường niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, và tạo điều kiện để đoàn viên thanh niên tìm hiểu và khám phá những giá trị lịch sử to lớn của dân tộc, ngày 03/7/2023 vừa qua, Đoàn Thanh niên bệnh viện Từ Dũ đã tổ chức hành trình tham quan, tìm hiểu Dinh Độc Lập - một di tích lịch sử mang những ý nghĩa to lớn đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nền độc lập của nước nhà.