Ngày 26/07/2013

Những người "Sáng mãi" trong tôi

    Ds. Huỳnh Thị Hồng Gấm
     Khoa Dược – Chi đoàn CLS – BV Từ Dũ

     

    D

    Mỗi năm, hơn bao giờ hết, khi tháng 7 về, tôi nhớ rất nhiều, nghĩ rất nhiều và rất tự hào về những anh hùng, liệt sĩ, những người thương binh, bệnh binh nói chung và đặc biệt là “những người chiến sĩ ” đã gắn bó mật thiết với công việc và cuộc sống của tôi nói riêng,…“Những người ấy” xứng đáng được gọi là những người “chiến sĩ ”quanh tôi, bởi tất cả đã từng sống, chiến đấu vì quê hương, đất nước. Trong số “những người chiến sĩ ấy”, có người còn sống và cũng có người đã nằm xuống,….

    “Người chiến sĩ ấy” là dì ba tôi. Chồng của dì theo “Cộng sản”vào rừng, dì kiên cường bám trụ ở lại cồn Trẹt (Bình Đại), không dời nhà vào ấp chiến lược. Nhà dì là trạm gác, điểm hẹn liên lạc, nơi phát ra những ám hiệu để báo cho anh em biết đường đi lấy nước an toàn hay không an toàn để che giấu, cưu mang một trại thương binh giữa rừng đước ngập mặn trong vòng vây quân thù. Dì sống mãi trong tôi cùng hình ảnh đứa con trai 2 tuổi cầm lược chải tóc cho mẹ đã hi sinh bởi những phát súng của giặc thù,  che chở cho trại thương binh ấy với biết bao cán bộ chủ chốt của ta.

    “Người chiến sĩ” ấy là bác năm tôi. Bác năm đã anh dũng hi sinh trong cuộc tổng tiến công Mậu Thân năm 1968 tại  Ngã Ba Giồng, xã Xuân Thới Thượng ở tuổi còn rất trẻ, chưa lập gia đình.

    Từ hồi còn rất nhỏ, tôi đã quen thuộc với hai tiếng “thương binh”. Mẹ tôi có ba người anh em trai, tất cả các cậu hai, cậu ba và cậu bảy của tôi đều là thương binh hạng hai, hạng ba. Hồi ấy, trong tâm trí trẻ thơ, tôi thấy các cậu tôi không được giống những người bình thường về mặt bề ngoài, đôi khi làm tôi không dám đến gần. Tôi thường hỏi mẹ, tại sao hai vai của cậu hai lúc nào cũng co rút như “gà rù mùa đông”, giọng nói của cậu ba thì cứ thì thầm, khao khao, còn cậu bảy thì có một chân thôi. Mẹ tôi trả lời rằng, do các cậu của con là thương binh.

    Mẹ kể, bà ngoại có tất cả ba người con trai, cả ba đều nghe theo tiếng gọi non sông, lên đường cầm súng bảo vệ tổ quốc. Ngày giải phóng đất nước, may mắn hơn bao nhiêu bà mẹ khác, ngoại được tay bắt mặt mừng gặp lại các cậu, nhưng một phần thân thể của các cậu đã gửi lại nơi chiến trường. Nghe kể, cậu hai bị đạn bắn xuyên qua hai vai, vết thương ở cột sống làm teo cơ, cậu ba thì bị thương nặng ở cổ họng, phải gắn thiết bị hỗ trợ cho giọng nói, nên cậu có biệt danh là “ông Ba Khao”, do giọng nói “khao khao”, riêng cậu bảy đã để lại một chân trong rừng đước ngập mặn quê tôi.

    Bữa ăn của cả ba cậu tôi đều hơi khác thường, là các cậu mỗi ngày đều thích ăn khoai lang hấp trong nồi cơm và một dĩa rau to. Các cậu ăn khoai lang hấp cơm để tưởng nhớ về quãng đời là “Cộng sản”, nhớ về những người đồng đội đã âm thầm ngã xuống cho sự sống nẩy mầm trên quê hương. Các cậu kể, lúc cậu đi theo Cộng sản, có những lúc bị “địch quần” cả tháng, trong rừng có gì ăn nấy, khoai lang và rau rừng là cao lương mỹ vị cho chiến sĩ ta. Các cậu kể cho tôi nghe về những kỉ niệm không thể nào quên trong thời chiến, về các đồng đội, về những năm tháng sống trong rừng đước Bình Đại, sống trên sình lầy. Qua câu chuyện kể của cậu, tôi thấm nhuần: sống giữa một lõm căn cứ trong rừng ngập mặn bốn bề bị địch phong tỏa trong nhiều năm, rõ ràng là phải có một ý chí rất cao, một tinh thần chịu đựng gian khổ, một nghị lực phi thường. Hình ảnh anh thương binh mù, hay còn đủ hai chân, cõng trên lưng một thương binh cụt hai chân, mắt còn sáng lội bì bõm trong bùn lầy dưới tán cây rừng, bắt từng con cua, con nghêu, con tép để duy trì sự sống cho đơn vị làm lòng tôi xúc động đến trào nước mắt. Ý chí cách mạng, tình đồng chí keo sơn, sự hy sinh quên mình của đồng chí, đồng đội là những nhân tố sức mạnh giúp những nhà cách mạng vượt qua muôn ngàn gian khó.

    Ảnh: sưu tầm.

    Đồng đội của cậu, có những người đã anh dũng hi sinh trên trận địa, và cũng có những người âm thầm nằm lại chốn rừng xanh mãi mãi bởi dịch “sốt rét rừng”. Cậu nói, “sốt rét rừng” ngày ấy như là một “kẻ thù thầm lặng”, đã cướp đi sinh mạng của biết bao chiến sĩ ta. Bản thân các cậu cũng đã từng bị “sốt rét rừng” hành hạ, tưởng như không qua khỏi, nhưng các cậu đã may mắn chiến thắng được bệnh tật.

    Hòa bình lặp lại, cậu bảy theo học ngành y với quyết tâm chữa bệnh, cứu người. Cậu từ chối vị trí giám đốc bệnh viện đa khoa huyện, về khám chữa bệnh cho nhân dân tại nhà. Ở quê tôi, từ làng trên đến sớm dưới, hỏi đến “bác sĩ bảy Dũ một chân” là từ người già đến trẻ con đều tôn kính. Cậu luôn chữa trị cho bệnh nhân bằng trái tim, bằng khí tiết cách mạng của anh bộ đội Cụ Hồ. Trong thời chiến, cậu là một anh “bộ đội cụ Hồ” đúng nghĩa, trong thời bình, cậu là tấm gương “Lương y như từ mẫu”. Cậu luôn chữa bệnh tận tâm, hết mình, gặp bệnh nhân nghèo, cậu khám và trị bệnh miễn phí, đôi khi đưa tiền túi kêu bệnh nhân mua thêm thức ăn bổ dưỡng, cho sức khỏe mau hồi phục.

     “Người chiến sĩ ấy” là một cán bộ cấp cao trong hàng ngũ cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, tôi may mắn được sống cùng một mái nhà với bác ấy trong những năm du học. Ấn tượng của tôi về bác là hình ảnh một cán bộ cấp cao với chiếc xe hơi cũ kĩ, vào những ngày trời lạnh, phải dội mấy thùng nước ấm thì xe của bác mới chạy được,….Tôi vẫn thường hỏi bác, sau bác không đổi xe đẹp, xe mới như các bác cán bộ khác. Bác nhìn tôi với anh mắt sáng ngời và nói, ngày xưa, bác đi hành quân từ Bắc đến Nam, mang theo lương thực, vũ trang, ngụy trang bằng lá rừng,… trong vòng vây rình rập của quân thù, còn thời nay đã có xe hơi để đi là quý lắm rồi. Xe của bác tuy có hơi cũ, nhưng còn dùng được thì phải dùng, phải biết tiết kiệm, giản dị thì mới là anh bộ đội cụ Hồ. Bác là một tấm gương về khí tiết của người cách mạng mà tôi muốn chia sẻ. Nhìn bề ngoài, bác hoàn toàn lành lặn, nhưng bác luôn ốm đau nhất là những lúc trời trở gió, do bác bị nội thương từ thời ở dưới hầm đánh giặc.

    Bác kể cho tôi nghe về những chiến dịch mà bác đã tham gia, những vùng đất mà bác đã đi qua,…Sâu đậm nhất trong tôi là những câu chuyện về hình ảnh các đồng đội của bác đã hy sinh oanh liệt, có người thân mình vắt ngang trên ngọn cây, có người hi sinh trên đường hành quân, các đồng đội chỉ biết gửi anh lại giữa núi rừng rồi bác ngậm ngùi rằng, khi hòa bình lặp lại, các anh có được về với người thân chưa.

     Bác kể cho tôi nghe về “Bình Long Mùa hè đổ lửa năm 1972” với “Máu chảy nhuộm đỏ núi đồi, xác người rẻ rúng cùng cây rừng cao su ngã đổ không thương tiếc. Những địa danh Đồi Gió, Cần Lê, Tống Lê Chân, Thiện Ngôn, Tàu Ô… pháo bom khói lửa ngập đầy”.

    Dù mái đầu đã bạc theo thời gian, nhưng những ký ức của một thời khói lửa hào hùng, chiến đấu trên mặt trận  Đường 9 – Nam Lào vẫn  còn in sâu trong ký ức của bác. Bác nói, du kích và bộ đội địa phương của nước bạn Lào ở Sê Pôn đã giúp ta nhiệt tình, dẫn đường cho bộ đội, cấp cứu thương binh, gùi cõng đạn, gạo tiếp tế cho bộ đội ta. Bác không thể quên được nhiều du kích, bộ đội Lào với anh em quân tình nguyện Việt Nam đã anh dũng hi sinh, bác không sao quên được. Với bác, chiến thắng Đường 9 -Nam Lào còn mới như vừa xảy ra.

    Những người thương binh mà tôi quen biết, trong đó có các cậu tôi, có bác, đối với họ, ngày giải phóng miền nam, 30/4/1975 là ngày vô cùng hạnh phúc và hào hùng, cái cảm xúc chiến thắng, giành được hòa bình sống mãi trong lòng “các cựu chiến binh ”, một cảm xúc khó diễn tã hết. Họ có thể kể cho tôi nghe mỗi ngày về không khí ngày giải phóng miền Nam như vừa mới xảy ra.

    Mỗi khi trái gió trở trời, các “cựu chiến binh” bị chứng tích chiến tranh hành hạ, đau nhức, phải thuốc men, đôi khi nhập viện. Nhưng những người chiến sĩ ấy, tuy “tàn” mà không “phế”, họ vẫn cống hiến cho đời phần sức lực còn lại.

    Hòa vào không khí kỷ niệm ngày lịch sử tháng 7, trong ngành y, chúng ta không thể nào quên Đặng Thùy Trâm, bác sĩ, liệt sĩ, người con gái anh hùng của quê hương Thừa Thiên Huế. Chị đã xung phong vào chiến trường miền Nam làm nhiệm vụ của một người thầy thuốc trong thời gian chiến tranh chống Mỹ cứu nước.Trong khi làm nhiệm vụ tại địa bàn Đức Phổ, Quãng Ngãi, chị đã bị địch phục kích và anh dũng hy sinh vào năm 1970 khi còn rất trẻ, chỉ mới chưa đầy 28 tuổi đời với 3 năm tuổi nghề và 2 năm tuổi Đảng.

     Cùng với việc tổ chức triển khai và phát động phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh", phong trào “học tập tấm gương Anh hùng liệt sĩ, Bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm” được phát động sâu rộng. Qua phong trào này, ngành y tế có bước chuyển biến rõ rệt về y đức. Các tấm gương hết lòng chữa bệnh cứu người được phát huy, đồng thời khắc phục những biểu hiện tiêu cực trong ngành y tế”.

    Học tập tấm gương anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, nhân viên y tế  phải phấn đấu làm theo như tình thương yêu con người, sự tận tụy với công việc, tính kỷ luật, sự tôn trọng nhân dân, tính tiên phong, gương mẫu của người thanh niên ngành y và sự mẫu mực của người viên chức Nhà nước, nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

     Hàng ngày, đặc biệt vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sĩ 27 tháng 7, nhân dân Việt Nam chúng ta đừng quên tổ chức viếng thăm và dâng hương trước di ảnh của các anh hùng để tưởng niệm. Cũng như trong cuộc sống mỗi ngày, chúng ta đừng “làm ngơ” trước các khó khăn của các gia đình chính sách, bởi con, em của họ đã nằm xuống cho dân tộc Việt Nam, non sông Việt Nam vươn lên tầm cao của ngày hôm nay, như trong lời bài hát “Cỏ non thành cổ” của nhạc sĩ Tân Huyền: “Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ; Cỏ xanh non tơ cỏ, xanh non tơ; Xin chớ vô tình với người hi sinh; Trên mảnh đất quê mình”.

     Các anh hùng, liệt sĩ, thương binh đã hy sinh trái tim, khối óc cuộc đời vì Độc lập, Tự do cho Tổ quốc. Để cảm nhận thành kính trước các Cha, anh, thế hệ sau chúng ta phải tiếp tục gìn giữ và phát huy truyền thống yêu nước thương dân  bảo vệ tổ quốc, giữ vững khí tiết cách mạng trong từng công việc cụ thể hàng ngày, trên từng vị trí công tác, “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “học tập tấm gương anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm”.

    Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, bệnh viện Từ Dũ chúng ta luôn có chính sách đặc biệt, hỗ trợ các bệnh nhân gia đình chính sách. Bệnh viện chúng ta nhận phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng. Hàng năm, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội chữ thập đỏ bệnh viện tổ chức các chuyến đi Về Nguồn, Thăm lại chiến trường xưa, căn cứ cách mạng, dâng hương tưởng niệm tại nghĩa trang liệt sĩ, khu tưởng niệm, viếng thăm và tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình có công với cách mạng, tổ chức khám bệnh từ thiện cho nhân dân vùng đất cách mạng,…. Tiến tới kỷ niệm ngày 27 tháng 7 năm nay, Đoàn thanh niên bệnh viện tổ chức khám bệnh từ thiện cho nhân dân xã Phan Văn Cội, huyện Củ Chi, tổ chức cuộc thi văn nghệ mang chủ đề “Bài ca người lính” để tưởng nhớ công ơn và ôn lại hào khí của người lính.

     

    Ảnh: sưu tầm.

    Là một đoàn viên công đoàn của bệnh viện Từ Dũ, một nhân viên của khoa Dược, tôi luôn nhiệt tình tham gia, ủng hộ mọi hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ tham gia các chuyến đi Về Nguồn, dâng hương tưởng niệm,… đến quyên góp ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương,… cho các gia đình chính sách; tham gia công tác khám chữa bệnh từ thiện cho nhân dân những vùng đất cách mạng. Hơn nữa, là thành viên trong ban chấp hành Chi đoàn Cận lâm sàng, tôi kêu gọi các đoàn viên hãy viết bài cảm nhận của riêng mình về ngày 27 tháng 7 để tri ân thế hệ Cha, Anh đã cho chúng ta sống trong hòa bình, độc lập, tự do. “Đền ơn đáp nghĩa” là một trong những phương hướng hoạt động chủ điểm của chi đoàn chúng tôi. Chúng tôi luôn luôn hâm nóng, khơi dậy trong mỗi đoàn viên nguồn yêu thương, chia sẻ khó khăn cùng các gia đình chính sách. Trong gia đình, tôi đã, đang và sẽ truyền ngọn lửa “đền ơn đáp nghĩa” đến con em mình, giáo dục cho con em thấm nhuần chân lý “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn”.

    Cuối cùng, cho tôi xin được nghiêng mình thành kính và gửi trọn yêu thương, cầu chúc mọi điều tốt đẹp nhất đến với tất cả các Mẹ Việt Nam anh hùng, những người đã sinh ra các vị anh hùng dân tộc, sinh ra những người lính với hình ảnh:

    “Có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo
    Có người lính mùa xuân ấy ra đi từ đó không về
    Dòng tên anh khắc vào đá núi, mây ngàn hóa bóng cây che
    Chiều biên cương trắng trời sương núi, mẹ già mỏi mắt nhìn theo.
    Việt Nam ơi, Việt Nam! Núi cao như tình mẹ, bốn mùa tóc bạc nỗi thương con.
    Việt Nam ơi, Việt Nam! Ngọn núi nơi anh ngã xuống
    Rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa,
    Rực cháy lên màu hoa đỏ trước hoàng hôn”.

    Ds. Huỳnh Thị Hồng Gấm

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ