Mổ lấy thai thành công cho một sản phụ nhau cài răng lược thể nặng có nhóm máu hiếm
ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
P. Công tác xã hội
Ngày 05/11 vừa qua, bệnh viện Từ Dũ đã phẫu thuật thành công cho một trường hợp thai 34 tuần, nhau cài răng lược thể Percreta, mẹ có nhóm máu hiếm Rhesus âm. Thai phụ chỉ mất 300mL máu trong ca phẫu thuật, tương đương với một cuộc phẫu thuật mổ lấy thai bình thường khác, và không cần truyền máu trong mổ. Đây là kết quả của cả quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng trước mổ, cũng như sự chuyên nghiệp và kỹ thuật của ekip.
Trường hợp này, bệnh nhân có thai lại sau 2 lần mổ lấy thai trước đó. Trong quá trình khám thai, bệnh nhân đến bệnh viện Từ Dũ khám vì tuyến dưới phát hiện thai 13 tuần, bánh nhau bám gần vị trí vết mổ lấy thai cũ. Các bác sĩ bệnh viện Từ Dũ đánh giá đây là một trường hợp thai kỳ nguy cơ cao cần theo dõi sát. Ngày 28/10 bệnh nhân được nhập viện với chẩn đoán: Thai 33 tuần 3 ngày, ngôi ngang, nhau tiền đạo loại III-IV, nhau cài răng lược thể Percreta, thiếu máu mạn tính, nhóm máu hiếm Rhesus âm, vết mổ cũ 2 lần.
Theo bác sĩ Vương Đình Bảo Anh-trưởng khoa Sản Bệnh BV Từ Dũ, bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng mất máu nặng trước hoặc sau sinh, gây thiếu hụt thể tích tuần hoàn đột ngột, có thể dẫn đến suy thận, suy đa cơ quan và tử vong. Do đó, thông qua hội chẩn của Ban giám đốc cùng với các bác sĩ khoa Sản Bệnh, bệnh nhân được lên kế hoạch mổ lấy thai lúc 34 tuần và cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước mổ. Với tình trạng thiếu máu, Hemoglobin (Hb) 7,9g/L lúc nhập viện, bệnh nhân cần được bồi hoàn máu để chuẩn bị cho cuộc mổ. Tuy nhiên, nhóm máu A Rhesus âm lại là một thử thách khác. Do đây là một nhóm máu hiếm trong dân số người Việt, ngân hàng máu bệnh viện Từ Dũ đã phải phối hợp với ngân hàng máu bệnh viện Chợ Rẫy và bệnh viện Truyền máu Huyết học để thu thập đủ máu cần truyền cho bệnh nhân trước mổ, nâng được Hb lên 11g/L, đồng thời dự trù máu cho cuộc mổ nếu có tình huống mất máu cấp cần truyền máu xảy ra.
Với sự chuẩn bị và tiên lượng trước các tình huống xấu có thể xảy ra, cuộc mổ đã diễn ra suôn sẻ theo đúng kế hoạch và lượng máu mất chỉ 300mL, vì vậy bệnh nhân không cần phải truyền máu. Sau mổ lượng Hb của bệnh nhân vẫn duy trì ở mức 11g/L. Em bé sau sinh có chỉ số Apgar tốt, chăm sóc tại khoa Sơ sinh 3 ngày sau đó về với mẹ. Hiện tại cả mẹ và bé đều rất khoẻ mạnh.
Theo thống kê, mỗi năm có trên 300 trường hợp NCRL được phẫu thuật tại bệnh viện Từ Dũ. Tần suất nhau cài răng lược rất thay đổi giữa các quốc gia và tăng qua các năm. Một nghiên cứu năm 2016 tại Mỹ cho thấy tỉ lệ nhau cài răng lược là 1/272 thai kỳ. Nhau cài răng lược trong dân số chung ngày càng tăng một phần do tỉ lệ mổ lấy thai tăng.
Nhau cài răng lược là một tình trạng nguy hiểm của thai kỳ, xảy ra khi một phần hoặc toàn bộ bánh nhau phát triển sâu vào lớp cơ tử cung. Bình thường bánh nhau sẽ bám vào lớp màng đệm và sẽ bong hoàn toàn sau sinh. Với nhau cài răng lược, một phần hoặc toàn bộ bánh nhau không thể bong ra được do dính chặt vào lớp cơ tử cung. Điều này sẽ gây chảy máu nặng sau sinh. Thể Percreta được xem là thể nhau cài răng lược trầm trọng nhất, do bánh nhau xuyên qua hết lớp cơ tử cung và bám đến thành bàng quang ở phía trước.
Nguyên nhân
Nhau cài răng lược được cho là có liên quan đến bất thường các lớp của tử cung. Thường do mổ lấy thai cũng như các phẫu thuật khác trên tử cung, nạo lòng tử cung ... Những tổn thương này sẽ tạo cơ hội cho bánh nhau bám trực tiếp lên lớp cơ tử cung, thậm chí phát triển xuyên qua lớp cơ đến bàng quang.
Yếu tố nguy cơ tăng khả năng nhau cài răng lược:
- Có sẹo mổ trên cơ tử cung trước đây, số lần mổ càng nhiều nguy cơ nhau cài răng lược càng tăng (mổ lấy thai, mổ bóc u xơ tử cung …)
- Vị trí nhau bám: Nhau tiền đạo hoặc nhau bám thấp.
- Tuổi mẹ >35
- Số lần mang thai: nguy cơ nhau cài răng lược càng tăng khi số lần mang thai càng nhiều.
Biến chứng của nhau cài răng lược:
- Biến chứng nguy hiểm nhất là xuất huyết âm đạo ồ ạt sau sinh do nhau không bong hoàn toàn. Xuất huyết âm đạo lượng nhiều trước sinh ít gặp hơn. Tình trạng xuất huyết có thể đe doạ tính mạng người bệnh, gây suy thận, suy đa cơ quan. Truyền máu là cần thiết nếu xuất huyết nặng xảy ra.
- Sinh non. Nhau cài răng lược có thể khiến chuyển dạ xảy ra sớm. Chuyển dạ có thể gây xuất huyết âm đạo trước sinh. Do đó, sản phụ thường được lên kế hoạch mổ lấy thai chủ động khi thai nhi đã có khả năng sống.
Lời khuyên cho bạn
- Khi trễ kinh hoặc nghi ngờ có thai, hãy đến cơ sở khám thai uy tín càng sớm càng tốt để đánh giá vị trí thai và các tình trạng khác.
- Nếu bạn có nguy cơ nhau cài răng lược, đừng quá lo lắng, hãy khám và theo dõi thai kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Sử dụng biện pháp ngừa thai hiệu quả để tránh tình trạng có thai ngoài ý muốn, đặc biệt đối với những phụ nữ đã mổ lấy thai từ 2 lần trở lên.
Tham khảo:
1. Placenta Accreta Spectrum. ACOG - Obstetric Care Consensus, Number 7.
2. Jauniaux, Eric et al. “Epidemiology of placenta previa accreta: a systematic review and meta-analysis”. BMJ. 2019
Sáng ngày 31/5/2023 bệnh viện từ Dũ phối hợp với bệnh viện Nhi đồng Thành phố phẫu thuật thành công một ca Exit giúp ổn định đường thở cho bé và sau đó chuyển viện bé về bệnh viện Nhi Đồng Thành phố một cách an toàn.
Trước đây tuổi của bệnh nhân là một trong nhiều yếu tố cần được xem xét trước khi quyết định tiến phẫu thuật nội soi vì nó liên quan đến an toàn cho cuộc mổ
Trưa ngày 2/6/2022, cuộc mổ được tiến hành với 2 ekip của bệnh viện Từ Dũ và bệnh viện Nhi Đồng 2. Trải qua 4 giờ làm việc liên tục của ekip, ca mổ đã kết thúc thành công.
Chị TTLN 26 tuổi, ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh được xe cứu thương bệnh viện Sản Nhi Trà Vinh chuyển đến trong tình trạng chỉ có 1 người nhà đi cùng.