Cứu sống bệnh nhân ngưng tim ngưng thở do vỡ tử cung / nhau cài răng lược
BS. CK2. Bùi Thị Hồng Nhu
P. Công tác xã hội
Chiều ngày 26/6/2023 chị Q. đã có thể cười thật tươi khi biết mình vừa thoát cửa tử trở về với cuộc sống màu nhiệm này. Chị cảm thấy biết ơn tất cả nhân viên y tế, gia đình đã hỗ trợ, cứu giúp chị có cơ hội sống lần thứ hai này. Giúp cho chị càng biết trân quí hơn nữa những giá trị cuộc sống mà mình có được ngày hôm nay, ngay giây phút hiện tại này.
Chị T.T.Q, 39 tuổi nhà ở Bình Dương mang thai lần thứ 3, có khám thai định kỳ tại phòng khám tư nhân và tại bệnh viện Từ Dũ. Lúc thai 25 tuần phát hiện nhau cài răng lược thể increta. Đến 31 tuần tình trạng xâm lấn bánh nhau tiến triển nặng hơn nên siêu âm nghi ngờ nhau cài răng lược thể Percreta (gai nhau xâm lấn xuyên qua phúc mạc tử cung và có thể xâm lấn đến cơ quan lân cận).
Chị Q. có tiền căn sinh thường 2 lần, hiện tại có 1 bé 12 tuổi và 1 bé 8 tuổi. Năm 2021 chị Q. phát hiện có nhân xơ tử cung to gây rong cường kinh nên chị được Bác sĩ phẫu thuật mổ mở bóc nhân xơ. Hậu phẫu 5 ngày ổn định không ghi nhận bất thường. Sau mổ chị ngừa thai bằng vòng thấy không hợp nên chị tháo vòng ra và đặt que cấy tránh thai. Sau một thời gian cấy que chị bị rong kinh rong huyết nên lại tháo ra chuẩn bị uống thuốc ngừa thai mỗi ngày. Chưa kịp uống thuốc ngừa thai thì chị lại bị trễ kinh và thử que biết mình có thai.

Sáng ngày 23/6/2023 lúc hơn 7 giờ, chị Q. đang mang thai được 33 tuần 5 ngày thì thấy đột ngột đau bụng dữ dội, đau liên tục càng lúc càng tăng, cơn đau làm bệnh nhân không thở được, cảm giác vùng bụng như muốn vỡ tung ra. Chi Q. nói cơn đau này cường độ mạnh gấp 10 lần cơn đau đẻ của 2 lần sanh trước. Sau 15 phút, người nhà gọi xe đưa bênh nhân chạy thẳng đến bệnh viện Từ Dũ. Trên đường đi bệnh nhân ngất xỉu không còn khả năng nhận biết xung quanh nữa.
Lúc 8 giờ 20 phút ngày 23/6, tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Từ Dũ bệnh nhân được đưa đến trong tình trạng hôn mê, ngưng tim ngưng thở, mạch huyết áp không đo được (M=0, HA = 0), bụng chướng căng khó xác định thai nhi. Bác sĩ trưởng khoa cấp cứu nhanh chóng xác định đây là một trường hợp vỡ tử cung, sốc mất máu nguy kịch đến tính mạng, khoa cấp cứu lập tức kích hoạt qui trình báo động đỏ nội viện huy động toàn bộ lực lượng nhân viên y tế có trình độ chuyên môn hỗ trợ.
Tại cấp cứu, bệnh nhân lập tức được tiến hành hồi sức tích cực bằng nhấn tim ngoài lồng ngực, tiêm adrenalin, đặt nội khí quản, lập đường truyền tĩnh mạch và chuyển lên phòng mổ. Tại phòng mổ, Bác sĩ gây mê hồi sức nhanh chóng tiến hành đặt catheter tĩnh mạch cảnh trong dưới hướng dẫn siêu âm theo phương pháp Seldiger và đặt catheter động mạch quay theo dõi huyết áp liên tục trong những trường hợp bệnh nặng, nguy kịch.
Tiến hành song song vừa tiếp tục hồi sức nhấn tim, các bác sĩ Sản khoa vừa nhanh chóng phẫu thuật mở bụng cấp cứu lúc 8 giờ 30 phút. Vào bụng thấy có khoảng 3000ml máu loãng và máu cục. Bác sĩ tiến hành rạch cơ tử cung bắt ra 1 em bé trai non tháng, không phản xạ, tím tái. Bác sĩ sơ sinh sẵn sàng hồi sức tích cực đặt nội khí quản, bóp bóng và nhanh chóng đưa bé về khoa sơ sinh để cho vào máy thở nhằm tạo cơ hội sống mong manh cho bé.
Sau khi lấy em bé ra bác sĩ kiểm tra thấy nhau xâm lấn ăn thủng tử cung góc trái mặt sau khoảng 3-4cm và có mạch máu đang chảy. Bác sĩ tiến hành gỡ dính, cắt tử cung chừa 2 buồng trứng. Trong quá trình mổ, hồi sức tích cực, bơm máu liên tục thì bệnh nhân có tim trở lại. Cuộc mổ kết thúc sau 2 giờ với tổng cộng lượng máu truyền là 3340ml bao gồm 6 túi hồng cầu lắng 350ml, 4 túi huyết tương tươi đông lạnh 200ml, 4 túi kết tủa lạnh 50ml, 6 túi tiểu cầu gạn tách 40ml.
Trong các cuộc mổ bệnh nhân bị hôn mê, ngưng tim ngưng thở, mất máu khối lượng lớn đối diện nguy cơ tổn thương não không hồi phục, suy đa cơ quan, rối loạn đông cầm máu, tổn thương phổi, quá tải tuần hoàn, rối loạn điện giải, rối loạn kiềm toan, sốt tán huyết, nhiễm khuẩn…..

Tuy nhiên, sau khi trải qua cuộc đại phẫu cơ thể chị Q. đã có sự hồi phục ngoạn mục ngoài sức tưởng tượng của nhân viên y tế chúng tôi cũng như gia đình chị Q. Sau 3 ngày, chị Q. đã có thể tự đi lại vệ sinh cá nhân, ăn uống được nhiều loại thức ăn và có cảm giác ngon miệng. Vết mổ dọc giữa bụng đã khô hoàn toàn không có dấu hiệu rỉ dịch hay sưng đỏ gì cả. Các kết quả siêu âm và xét nghiệm máu sau mổ cho thấy tình trạng sức khỏe chị Q. đang rất ổn định hy vọng chị sẽ sớm xuất viện.
Sáng ngày 27/6 e kíp phẫu thuật và Bác sĩ Phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, bác sĩ Trưởng phòng công tác xã hội có đến thăm và kể lại hành trình chị Q. vừa mới trải qua để chị Q. có thể cảm nhận được có thể nói cười được như trong buổi sáng hôm nay là một kỳ tích mà không phải ai cũng có được. Những giọt nước mắt lăn dài đầy xúc động xen lẫn nụ cười của chị Q. làm cho chúng tôi cũng vừa tự hào và cũng bùi ngùi xúc động theo và ngẫm nghĩ đến câu nói của ông bà xưa mà đến bây giờ vẫn luôn đúng “cửa sinh là cửa tử”!

Chúc cho tất cả các mẹ bầu đều có thật nhiều may mắn để vượt cạn thành công được “mẹ tròn – con vuông” để đón nhận niềm hạnh phúc thiêng liêng và cũng đầy trách nhiệm của những người mẹ, người cha vĩ đại!
Trong không khí trang trọng của phiên khai mạc Hội nghị Sản Phụ khoa Việt – Pháp lần thứ 25, Bệnh viện Từ Dũ đã chính thức đón nhận Chứng nhận trở thành Trung tâm Can thiệp bào thai chuẩn châu Âu đầu tiên tại Việt Nam – một dấu mốc mang tính lịch sử, khẳng định vị thế của y học bào thai Việt Nam trên bản đồ y học thế giới.
Tối ngày 07/5/2025, Hội nghị Sản Phụ khoa Việt – Pháp lần thứ 25 đã chính thức khai mạc tại TP.HCM trong không khí trang trọng, ấm áp và đầy cảm hứng. Đây là sự kiện y khoa quốc tế quan trọng, đánh dấu cột mốc 25 năm hợp tác bền vững giữa các chuyên gia sản phụ khoa Việt Nam và Pháp, đồng thời mở rộng kết nối đến nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM vừa thông tin 50 sự kiện, hoạt động tiêu biểu của TP.HCM giai đoạn 30/4/1975 – 30/4/2025. Sau thời gian bình chọn trực tuyến tại địa chỉ https://binhchon50sukien.hochiminhcity.gov.vn/ . Đây là một trong những hoạt động hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng hay còn gọi là "Thực hành lâm sàng tốt" (Good Clinical Practice - GCP) là một tài liệu hướng dẫn mang tính chuẩn mực quốc tế nhằm hướng dẫn về thiết kế, tiến hành, thực hiện, theo dõi, giám sát, kiểm định, ghi chép, phân tích, báo cáo và đánh giá nghiệm thu các nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng cho chủ nhiệm đề tài, nghiên cứu viên, nhà tài trợ, các cơ quan quản lý, các hội đồng xét duyệt về đạo đức và khoa học.
Chiều ngày 21/4/2025, Bệnh viện Từ Dũ lần đầu tiên vinh dự tiếp đón Hội đồng Bộ Y tế xác định danh mục kỹ thuật mới về can thiệp bào thai đầu tiên áp dụng tại Việt Nam.
Sau một hành trình nỗ lực không ngừng của Bệnh viện Từ Dũ, trung tâm Can thiệp bào thai chính thức ra đời và khai trương vào năm 2023 và hoạt động hiệu quả giúp triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu về can thiệp bào thai thành công vượt ngoài mong đợi.