Ngày 01/07/2019

Hội thảo khoa hoc ngày 27/6/2019: tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn trong thủ thuật – phẫu thuật

    Chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện không phải là vấn đề của riêng bệnh viện hay của một quốc gia, mà là vấn đề toàn cầu. Nguy cơ của nhiễm khuẩn bệnh viện dễ làm cho bệnh viện - nơi chống nhiễm khuẩn trở thành nơi lây truyền bệnh nhiễm khuẩn. Bệnh viện với môi trường lây nhiễm cao sẽ là “căn cứ địa” của vi khuẩn, là nơi có thể tiếp tay cho sự phát triển của vi khuẩn tạo ra những nhiễm khuẩn bệnh viện nếu người đứng đầu cơ sở Khám chữa bệnh  và các thầy thuốc chưa thật sự hiểu hết vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn .

    Theo đánh giá của Bộ Y tế, nhiễm khuẩn bệnh viện đã và đang là gánh nặng cho người bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh và, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những thách thức lớn đối với hệ thống y tế tại Việt Nam, kể cà các nước chậm và đang phát triển do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn và tăng chi phí điều trị.

    Trong buổi sinh hoạt khoa học  ngày 27/6/2019 , qua chuyên đề  Tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn trong thủ thuật, phẫu thuật, BS.CK1 Nguyễn Đắc Minh Châu đã trình bày về những đổi mới trong Thông tư số 16/2018/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 20/7/2018,  quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh, có hiệu lực từ ngày 1/10/2018 thay thế Thông tư số 18/2009/TT-BYT. Theo đó, bệnh viện có quy mô từ 150 giường bệnh trở lên phải có hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn. Hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn bao gồm: (1) Hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn, (2) Khoa/bộ phận kiểm soát nhiễm khuẩn, (3) Mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn. Chủ tịch Hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn phải là Giám đốc bệnh viện.

    Một trong những điểm mới của Thông tư cần được quan tâm là quy định về đào tạo chuyên ngành kiểm soát nhiễm khuẩn cho các đối tượng phụ trách công tác kiểm 

    soát nhiễm khuẩn từ Sở Y tế, đến lãnh đạo, nhân viên Hội đồng và mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn, đến nhân viên chuyên trách. Theo đó, lãnh đạo khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, người phụ trách kiểm soát nhiễm khuẩn của các bệnh viện dưới 150 giường bệnh phải được đào tạo tối thiểu 3 tháng về kiểm soát nhiễm khuẩn. Nhân viên Hội đồng, mạng lưới và người phụ trách kiểm soát nhiễm khuẩn của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có giường bệnh nội trú phải được đào tạo tối thiểu 5 ngày về kiểm soát nhiễm khuẩn. Cán bộ phụ trách kiểm soát nhiễm khuẩn tại Sở Y tế phải được đào tạo tối thiểu 1 tháng.

    Đồng thời với việc giới thiêu  các nội dung của Thông tư số 16/2018/TT-BYT, BS CKI Nguyễn Đắc Minh Châu cũng báo cáo trong buổi sinh họat về hoạt động  của mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn của Bệnh viện Từ Dũ các kết quả giám sát việc tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh, vô khuẩn người bệnh và môi trường trong quá trình  trước và sau khi thực hiện các phẫu thuật và thủ thuật đối với bác sĩ, phẫu thuật viện và nhân viên y tế  tại phòng mổ, buồng thủ thuật  cũng như công tác và chăm sóc vết mổ cho người bệnh tại phòng sanh và các khoa hậu phẫu, hậu sản…

                                          (Minh Tâm)

    CN. Nguyễn Thị Minh Tâm

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ