Ngày 13/03/2011

Hỏi và đáp trực tuyến theo chuyên đề "Sức khỏe phụ nữ ", ngày 15/03/2011

    Hiện nay, khoa học ngày càng phát triển cùng với nhu cầu chăm sóc cá nhân cũng đựơc nâng cao. Vì vậy, việc chăm sóc bản thân của những người phụ nữ cũng được quan tâm nhiều hơn. Website bệnh viện Từ Dũ tổ chức buổi Hỏi & đáp trực tuyến với chuyên đề: “Sức khỏe phụ nữ” với sự tham gia của TS. BS. Lê Thị Thu Hà  - Khoa Khám bệnh, vào lúc 08g30 ngày 15/03/2011 tại phòng Thư viện. Chuyên đề sẽ trả lời những thắc mắc, lo lắng về sự thay đổi cơ thể của các chị em phụ nữ với nội dung như: bệnh phụ khoa, sức khỏe khi mang thai, sức khỏe sau sinh, sức khỏe tiền mãn kinh, mãn kinh,…

    Rất mong các chị em có thể gửi những thắc mắc của mình vào chuyên mục

    * Thưa bác sĩ, chúng em sắp lập gia đình và dự định sau khi cưới sẽ có con. Hiện em và anh ấy đều bình thường không có bệnh gì cả, nhưng để đảm bảo sức khỏe cho bé sau này chúng em vẫn muốn đi khám bệnh để nắm rõ tình hình sức khỏe cũng như khả năng sinh sản của cả hai. Nhưng chúng em đang băn khoăn không biết nên khám gì và khám ở đâu. Xin bác sĩ cho em lời khuyên. Em xin chân thành cảm ơn. 

    nhi.vuthanh@.....com

    TS. BS. Lê Thị Thu Hà: Chào bạn,

    Hoan nghênh ý tưởng  của bạn về việc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Hai bạn nên khám sức khỏe tổng quát để đánh giá về tình trạng thiếu máu, tiểu đường, bệnh lý tuyến giáp….Đặc biệt để dự phòng những bệnh lý có thể di truyền cho bé sau này như: bệnh Thalassemia (thiếu máu di truyền), bệnh nhược cơ Duchene. Đây là những bệnh di truyền gen lặn. Với xét nghiệm huyết đồ của hai bạn có thể đánh giá được nguy cơ thiếu máu di truyền của bé sau này. Bước đầu về khả năng sinh sản, đối với nam có thể xét nghiệm tinh dịch đồ; đối với nữ với chu kỳ kinh nguyệt và xét nghiệm nội tiết đánh giá chức năng buồng trứng.

    Thêm nữa để chuẩn bị tốt cho bé về sau bạn cần nên tiêm ngừa 1 số bệnh sau đây: 

    • Sởi, Quai bị,  Rubella (mũi tiêm MMR) 
    • Thủy đậu 
    • Viêm gan siêu vi  B

    * Thưa bác sĩ cháu chưa quan hệ tình dục lần nào . Có bị viêm  âm đạo do nấm . Có đi đặt thuốc 10 ngày. Sau khi đặt thì đau bụng giữ dôi khi hành kinh. Sau khi hành kinh cũng hơi đau. Cháu có đi siêu âm và khám phụ khoa không viêm phần phụ chỉ có tử cung ngã trước. Họ bảo có thể do khi đặt thuốc họ đặt sâu viên thuốc chạm vào cổ tử cung khiến cổ tử cung bị làm sao và tử cung ngã trước. Và lúc đó cháu có đến phòng khám tư nhân để điều trị do một bác sĩ  làm tại bệnh viện tỉnh bảo cháu đến. Nhưng dụng cụ không đảm bảo. Có lần cháu nhìn thấy họ dùng cho người này ngay lập tức dùng cho người khác. Họ chữa trị  cho cháu bằng cách dùng vòi để ở lỗ màng trinh phun nước vào trong, cháu thấy họ cho cái thứ bột màu trắng. Lúc đầu cháu bị nhiễm nấm nhưng do dụng cụ không đảm bảo cháu bị viêm do trực khuẩn và bạch cầu ++. Việc phun nước vào âm đạo có gây viêm ngược dòng không ? Nếu họ phun nước quá đầy âm đạo nước đi vào tử cung có phải sẽ rất nguy hiểm không  Trong thời gian chữa trị ở phòng khám đó cháu  có đau hai bên bẹn gần sát xương chậu đau 6 tháng liền cháu không nghĩ là do phụ khoa vì đã đi khám trước đó bình thường nhưng cháu uống ks trị viêm họng thì k­hông đau nữa. Cháu lo bị viêm vòi trứng rồi. Cháu đi khám xương có chụp cộng hưởng từ ghi tử cung bình thường như vậy hai phần phụ có bình thường không? Chụp cái này có biết được viêm phần phụ ở mức độ nhẹ không ? Và cũng không thấy gì bất thường. Sau này cháu đi TTTON thì tử cung ngã trước có thuận lợi không ? Ngoài ra cháu còn bị buồng trứng có nhiều nang nhỏ

    thaothach89@.....com

    TS. BS. Lê Thị Thu Hà: Chào bạn,
    Với những bạn trẻ chưa từng quan hệ tình dục, việc đặt thuốc trong âm đạo cần cân nhắc. Điều trị viêm âm đạo do nấm đối với người độc thân có thể dùng thuốc kháng nấm dạng uống, dạng thoa và dung dịch vệ sinh phụ nữ.

    Bơm nước trực tiếp vào âm đạo không nên thực hiện vì có thể gây nhiễm khuẩn ngược dòng. Trong môi trường âm đạo bình thường, có trên 200 chủng vi khuẩn thường trú. Nếu những vi khuẩn này vào trong buồng tử cung hoặc trong ổ bụng có thể gây viêm nhiễm và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau. Mặc khác, việc bơm rửa nước như vậy làm mất cân bằng môi trường sinh thái tại âm đạo và dễ gây viêm nhiễm hơn nữa.

    Tuy nhiên, việc đánh giá khả năng sinh sản hiện nay là chưa thực hiện. Sauk hi lập gia đình, 2 vợ chồng sống chung 12 tháng trờ lên mà vẫn chưa mang thai bạn có thể khám hiếm muộn.

    Buồng trứng bình thường có những nang nhỏ, nếu không quá nhiều nang và kinh nguyệt đều đặn thì không đáng lo.

    Thân ái

    * Em chưa lấy chồng, em có kinh nguyệt từ năm 12 tuổi, kinh của em khoảng 7 ngày mới hết đến 20 thì còn 5 ngày. Bắt đầu từ khi có kinh lúc nào em cũng đau bụng và ngửi thấy mùi gì cũng ói. Tập trung đau dữ dội, vào ngày thứ 3,4 của chu kỳ, ngày1,2 không đau hoặc đau rất ít. Ngày thứ 3, 4 ra máu ít nhưng cùng lúc xuất hiện mẫu thịt nhỏ, không phải máu. Khi nào ra mẫu thịt đó thì hết đau. Em đau dữ dội mất 4 tiếng thì uống cataflam đau còn 3 tiếng thôi, chứ không hết đau, uống cao ích mẫu cũng không hết. Xin bác sỹ tư vấn cho em biết em em bị bệnh hay là bình thường ai có kinh cũng vậy. 

    M.T.Q

    TS. BS. Lê Thị Thu Hà: Chào bạn,

    Với các triệu chứng: đau bụng kinh, xuất hiện mẫu thịt nhỏ vào ngày 3-4 của kỳ kinh, sau khi ra mẫu thịt này thì hết đau, buồn nôn như mô tả của bạn, nghĩ nhiều đến nội mạc tử cung dày hoặc tăng sinh nội mạc tử cung. Bạn nên đi khám phụ khoa để xác định tình trạng bất thường này.

    * Chào Bác Sĩ! Bác Sĩ cho em hỏi:

    1)Hiện giờ em đang uống thuốc Marvelon để ngừa thai và dự định uống ngừa 2 năm. Vậy bác sĩ cho em hỏi em uống  liên tục thuốc này trong 2 năm luôn hay là chỉ uống trong 6 tháng xong rồi nghỉ 1 tháng sau đó lại uống tiếp và cứ thế cho đến hết 2 năm? Uống thuốc ngừa thai liên tục vậy có gây vô sinh không Bác Sĩ?

    2)Thuốc Marvelon có làm giảm ham muốn  tình dục không Bác Sĩ?

    3) Em có nghe cô bán thuốc nói là khi đã ngừa thai mà muốn có thai lại sớm thì uống thêm viên Sắt và ngày thứ ba trong tháng hành kinh sẽ uống thêm viên vitamin E và uống 10 viên/ tháng phải không Bác Sĩ?

    4/ Năm 2009 em sinh mổ ở bệnh viện Từ Dũ nhưng giấy ra viện không có ghi ngừa thai trong bao nhiêu năm. Có người thì nói ngừa trong 2 năm là được còn có người thì nói ngừa trong 5 năm. Vậy ngừa khoảng bao nhiêu năm là có thai lại được thưa Bác Sĩ? Và Bác sĩ cho em hỏi thêm là siêu âm có thể biết tử cung mình đã lành chưa để có thể mang thai lại không bác sĩ? 

    C.K

    TS. BS. Lê Thị Thu Hà: Chào bạn,

    Với thuốc ngừa thai  Marvelon bạn có thể uống liên tục 2 năm, không cần thiết gián đoạn. Đây là loại thuốc ngừa thai kết hợp estrogen và progesterone do đó không giảm ham muốn tình  dục.

    Thuốc viên ngừa thai là 1 trong những biện pháp tránh thai tạm thời được sử dụng rộng rãi hiện nay. Khi ngưng thuốc là khả năng mang thai được phục hồi. Việc uống sắt và acid folic từ 3 tháng trước khi mang thai và kéo dài suốt thai kỳ nhằm tránh thiếu máu thiếu sắt ở thai phụ và có thể phòng ngừa dị tật ống thần kinh cho thai nhi.

    Sau khi sinh mổ từ 2  năm trở lên là có thể mang thai được. Trên thực tế, có khá nhiều trường hợp các bà mẹ mang thai sớm trước 1 năm sau mổ. Những trường hợp mang thai sớm trước 18 tháng được gọi là vết mổ cũ mới, có chỉ định mổ lấy thai khi thai đủ trưởng thành (>=38 tuần).

    Sẹo mổ lấy thai thường lành khoảng từ 7 đến 10 ngày sau mổ. Sáu tuần sau mổ hoặc sanh ngã âm đạo thì tử cung trở lại bình thường. Tuy nhiên, sẹo mổ giai đoạn sớm còn mới nên tính đàn hồi không cao do vậy các chuyên gia y tế thường khuyên các bà mẹ nên mang thai lại từ 2 năm trở về sau. Siêu âm không có vai trò trong việc đánh giá vết mổ có lành hay không trước khi mang thai lại.

    * Kính chào bác sĩ, Em đang mang thai tuần thứ 28. Em thấy âm  đạo tiết ra 1 chất màu vàng nhạt, không có mùi hôi, không ngứa. Hiện tượng này  co từ rất lâu ngay cả trước lúc có thai, nhưng khi co thai,  thấy nó nhiều hơn.Và ngày càng nhiều hơn khi  tuồi thai càng lớn. Giặt bằng xà phòng không thể sạch hết màu vàng này được. Thưa  bac sĩ, chất dich đó la gì? có phải khí hư, hay rỉ ối hoặc là cái gì  khác? 

    N.T.T

    TS. BS. Lê Thị Thu Hà: Chào em,

    Thay đổi nội tiết trong quá trình mang thai làm tăng tiết dịch âm đạo. Nếu dịch không có mùi hôi là không ngứa thì không cần thiết phải điều trị, chỉ cần giữ vùng kín luôn sạch sẽ, khô thoáng là được. Em có thể thay quần lót 3 – 4 lần trong ngày, rửa vùng kín bằng nước sạch và lau khô sau mỗi lần tiêu tiểu. Đây không phải là nước ối. Nước ối thường loãng, cómàu trắng trong với thai non tháng, mùi tanh nồng, chảy thường xuyên và không kiểm soát được.

    * Em xin chào chương trình. Trước tiên cho em xin hỏi là em có chích ngừa viêm gan siêu vi B mũi 2 vào ngày 22/12/2010 và em đang để bầu kỳ kinh cuối của em vào ngày 21/02/2011 vậy bác sĩ cho em hỏi là có ảnh hưởng gì đến thai nhi không. Em còn một câu hỏi nữa là để bổ sung axit folic thì em đang uống thuốc " ferrovit" được mốt tháng rồi vậy có nên tiếp tục uống nữa hay không. Em xin cám ơn Bác Hà rất nhiều 

    N.Đ

    TS. BS. Lê Thị Thu Hà: Chào em,

    Vắc xin ngừa viêm gan  siêu vi B được sản xuất từ một thành phần của vi rút gây viêm gan B chứ không phải từ vi rút giảm độc lực như vắc xin ngừa Rubella. Vì vậy, tiêm ngừa viêm gan siêu vi B được chứng minh là không gây hại cho thai nhi.

    Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới: nên bổ sung sắt và acid folic từ 3 tháng trước khi mang thai và kéo dài trong suốt thai kỳ nhằm ngừa thiếu máu thiếu sắt và dị tật ống  thần kinh cho thai nhi. Bạn có thể sử dụng tiếp tục. Thân ái.

    Thân ái.

    * Chào bác sĩ, con năm nay 23 tuổi, ngày xưa vì dại dột nên con đã đánh mất đời con gái của mình với tình yêu đầu tiên. Sau này khi con quen người thứ hai được hơn 1 năm thì anh ngỏ lời tính chuyện cưới hỏi, nhưng khi biết con không còn trinh nguyên anh đã nhẫn tâm bỏ mặc cho con đau khổ, suy sụp. Bây giờ con đang quen một người tốt bụng hiền lành nhưng anh rất đề cao vấn đề trinh trắng của phụ nữ, con sợ lắm, con sợ mình lại bị lỗi lầm trong quá khứ giày xéo một lần nữa. Con nghe nói màng trinh có thể được may lại nên con xin hỏi bác sĩ là con phải đến đâu để được làm phẩu thuật? Con không muốn lại bị đau đớn thêm lần nào nữa. Xin cảm ơn bác sĩ. 

    T.T

    TS. BS. Lê Thị Thu Hà: Chào con,

    Trước hết cần xem xét lại về quan niệm trinh tiết của phụ nữ. Theo quan niệm các nước phương tây việc quan hệ tình dục trước hôn nhân là hoàn toàn bình thường. Điều quan trọng là biết tránh thai và biết phòng ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ngược lại đối với những nước Á đông như Việt Nam thì việc giữ trinh tiết của người con gái là quan trọng. Tuy nhiên, màng trinh  bình thường là một màng cơ mỏng có nhiều hình dạng khác nhau. Có những dạng màng trinh dãn bẩm sinh, quan hệ lần đầu tiên không rách và không gây chảy máu. Đối với những phụ nữ này khó đánh giá đã từng quan hệ tình dục hay chưa. Bạn cũng không nên tự ti vì 1 lần lầm lỡ.  Việc vá màng trinh có thể thực hiện được tuy nhiên không nên xem việc này là chính trong hạnh phúc lứa đôi về sau. Thân ái.

    * Nhờ bác sỹ tư vấn giúp em kết quả xét nghiệm sau : - vào ngày 16/11/2009 em đã bị sảy thai (thai 6 tuần) và đã tiến hành làm xét nghiệm, kết quả xét nghiệm Rubella IgG dương tính >500, Rubella IgM âm tính  0.3 - Vào ngày 19/02/2011 kết quả xét nghiệm CMV IgG dương tính 151.2, Rubella-IgG dương tính 500. Vậy bác sỹ cho hỏi kết quả xét nghiệm này có ảnh  hưởng gì đến lần mang thai tiếp theo của em không? Theo em được biết thì ai đã bị nhiễm Rubella thì sẽ được miễn dịch và không cần chích ngừa nữa, nhưng sao kết quả lần 2 xét nghiệm vẫn còn dương tính? Lần đầu bị sảy thai có phải do bị ảnh hưởng của việc nhiễm Rubella không bác sỹ? Kết quả CMV IgG dương tính 151.2 như vậy có được miễn dịch như rubella không bác sỹ? Nhờ bác sỹ tư vấn giúp em. Chân thành cảm ơn 

    N.T.M

    * TS. BS. Lê Thị Thu Hà:

    Bạn May thân mến,

    Bạn đã từng nhiễm rubella và đã sẩy thai từ 2009, như vậy bạn đã có kháng thể IgG bảo vệ bạn, kháng thể này tồn tại rất lâu  trong cơ thể bạn, gần như suốt đời, tương tự như tiêm ngừa. Bạn có thể mang  thai mà không lo sợ bệnh rubella ảnh hưởng đến thai nhi. Với CMV IgG dương tính  là bạn đã từng bị nhiễm CMV (Cytomegalo virus), như vậy bạn  mang thai sau này ít lo với nguy cơ dị tật bẩm sinh do mẹ nhiễm CMV nguyên phát (nhiễm lần đầu).

    Ngay cả với mẹ nhiễm CMV nguyên phát trong 3 tháng đầu thai kỳ, nguy cơ trẻ có vấn đền liên quan đến mẹ nhiễm CMV là 9%. Những bất thường ở trẻ có thể gặp do mẹ bị nhiễm CMV gồm: triệu chứng lúc sanh (#10%) như gan to – lách to, giảm  tiểu cầu, chấm xuất huyết dưới da, vàng da, não nhỏ, vôi hóa trong não, viêm màng mạch võng mạc. Ảnh hưởng về sau: nhẹ như chậm phát triển tâm thần vận động, các vấn đề về hành vi ứng xử, nặng nề hơn trẻ sẽ bị chậm phát triển trí tuệ mức độ nặng hoặc điếc.

    Tóm lại, hiện tại bạn có thể mang thai lại được.    

    * Chào bác sĩ, em mang thai được 24 tuần, kết quả siêu âm cho biết: nhau trưởng thành độ 2, vậy bác sĩ cho em hỏi em bé của em có gì bất thường không ạ, vì em nghe nói độ trưởng thành của nhau tương ứng với việc nhau bị canxi hóa, như vậy độ trưởng thành càng cao thì việc hấp thu chất dinh dưỡng của em bé càng giảm, em đang rất lo lắng, mong bác sĩ giải đáp giúp em để em có hướng điều trị kịp thời, chân thành cảm ơn bác sĩ! 

    H.T.A.T
       

    TS. BS. Lê Thị Thu Hà: Bạn Thư thân mến,

    Bánh nhau là cơ quan trao đổi giữa mẹ và thai nhi, đảm bảo sự hô hấp nuôi dưỡng bào thai. Bánh nhau còn có những hoạt động biến dưỡng và nội tiết, thực hiện vai trò nội tiết trong thai kỳ. Ngoài ra, bánh nhau còn có nhiệm vụ che chở bào thai, ngăn cản sự xấm lấn của vi khuẩn, các độc tố và điểu chỉnh sự qua nhau các loại thuốc mà người mẹ sử dụng. 

    Vôi hóa nhau liên quan đến sự tích tụ canxi ở bánh nhau. Sự tích tụ canxi nhiều có thể gây ra một số ảnh hưởng sau: tích tụ canxi vùng nào sẽ gây xơ hóa nhau vùng đó; gây tắc nghẽn một vài mạch máu trong bánh nhau. Trong hầu hết trường hợp, sự tích tụ canxi này không ảnh hưởng đến chức năng của nhau và thai nhi không bị ảnh hưởng. Thông thường sự tích tụ canxi sẽ tăng dần theo tuổi thai, với thai 30 –  36 tuần nhau vôi hóa độ II  và khi thai  trưởng thành (≥38 tuần) thì nhau vôi hóa độ III.

    Như vậy, thai 24 tuần  bánh nhau vôi hóa độ II là vôi hóa sớm. Khi nhau vôi hóa nhiều có thể ảnh hưởng  phần nào đến tuần hòan nhau thai, có thể làm lưu lượng máu đến thai giảm và thai  chậm tăng trưởng. Theo dõi và đánh giá sức khỏe thai nhi thường xuyên (theo dõi thai máy, siêu âm Doppler màu, đo tim thai cơn gò bằng máy) giúp phát hiện sớm thai chậm phát triển. Những sản phụ có bệnh lý về mạch máu, về thận hoặc tiểu đường thường có hiện tượng vôi hóa sớm nhau. Một vài nghiên cứu nhận thấy mẹ hút thuốc lá làm nhau vôi hóa sớm. Vài nghiên cứu khác thấy rằng mẹ ăn những thức ăn chứa chất chống oxy hóa (giàu vitamin C, vitamin E) giúp tuần hoàn nhau thai tốt hơn. Tâm trạng lo lắng, mất ngủ ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của thai nhi và sức khỏe mẹ, do vậy bạn cũng đừng nên quá lo lắng, chỉ cần dinh dưỡng tốt, nghỉ ngơi đầy đủ và theo dõi sự phát triển của bé yêu.

    * Cháu có bầu được 5 tháng nhưng từ tháng thứ 2 cháu đã bị đau ở phần mông, đến giờ mức  độ đau tăng lên, nằm ngủ có hôm không dậy ngay được. Cháu muốn hỏi bác sỹ, nhờ bác sỹ tư vấn giúp cho. 

    V.T.H

    TS. BS. Lê Thị Thu Hà:

    Bạn Hiền thân mến,

    Khi mang thai, nội tiết thai kỳ làm dãn nở khung xương chậu, do đó dễ gây đau lưng, đau vùng mông, xương mu, khớp háng, đặc biệt là đau tăng lên khi thay đổi tư thế. Bạn cần mang giày (dép) đế thấp, đứng hoặc ngồi tư thế thẳng người, tránh thay đổi tư thế đột ngột, dùng thêm canxi, massage giúp máu lưu thông tốt và giảm đau. Nếu đau nhiều, bạn có thể đến bác sĩ khám để tìm nguyên nhân và điều trị thích hợp.

    * Chào Bác sĩ. Tôi năm nay 29 tuổi, đã lập gi đình, chu kỳ  kinh nguyệt không đều khi đi siêu âm bác sĩ kết luận 2 buồng trứng có nhiều nang nhỏ, cho thử nội tiết bác sĩ kết luận là rối loạn phóng noãn, vậy có phải là tôi bị buồng trứng đa nang không, tôi đang mong có con, vậy phải làm sao ? 

    A.T

    TS. BS. Lê Thị Thu Hà: Bạn Thư thân mến,

    Với kinh nguyệt không đều, siêu âm 2 buồng trứng có nhiều nang nhỏ, xét nghiệm nội tiết có rối loạn phóng noãn như bạn đã mô tả thì nghĩ nhiều đến tình trạng buồng trứng đa nang. Nếu bạn đã lập gia đình trên 12 tháng, hai vợ chồng sống chung mà vẫn chưa mang thai thì nên khám chuyên khoa hiếm muộn để được tư vấn và điều trị thích hợp.

    *Chào bác sĩ, hôm 12/03/2011, em có đi khám thai ở BVTD, chuẩn đoán là thai sớm, siêu âm đầu dò: nội mạc tử cung dầy, vậy cho em hỏi là  em có thai chưa? Vì em có thử que ở nhà, kết quả vẫn chưa ạ, em rất băn khoăn, mong bác sĩ giải đáp. 

    K.T.N
       

    TS. BS. Lê Thị Thu Hà:Bạn Nghi thân mến,

    Nội mạc tử cung dày có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tùy vào tuổi tác, có trễ kinh hay không, xét nghiệm nước tiểu… sẽ xác định là có thai chưa. Trưởng hợp của bạn có lẽ trong lứa tuổi sinh sản, nội mạc tử cung dày và que thử thai âm tính nên chưa kết luận được là có thai, cần theo dõi thêm 5 – 7 ngày sau để khám, siêu âm và xét nghiệm nước tiểu hoặc thử beta hCG trong máu để xác định về tình trạng thai.>

    * Cháu muốn hỏi việc đau hai bên bẹn có phải là viêm phần phụ  không ? Và chụp cộng hưởng tử có phát hiện được không ? Kinh nguyệt cháu có đêu  hưng máu kinh thì khoảng 2 ngày 

    N.T.T

    TS. BS. Lê Thị Thu Hà: Bạn Thạch thân mến,

    Đau hai bên bẹn đơn thuần chưa thể chẩn đoán là viêm phần phụ. Với viêm phần phụ thường kèm theo đau vùng bụng dưới, ra nhiều huyết trắng, sốt, ăn kém, giao hợp đau. Chụp cộng hưởng từ giúp ích khi có áp xe vùng chậu, với viêm nhiễm đơn thuần thì khó phát hiện. Kinh nguyệt đều và kéo dài 2 ngày là trong giới hạn bình thường của chu kỳ kinh.  

     * Chào bác sĩ. một tháng nay em hay ra chất màu xanh rất nhiều, chất đó có mùi rất khó chịu và con gây ngứa nữa em đã thử dùng nước rửa vệ sinh nhưng vẫn không hết ngứa. Em phải thường xuyên dùng băng hằng ngày. Lúc trước em có ra huyết trắng nhưng giờ thì lại chuyển ra màu xanh như vậy. Xin bác sĩ tư vấn cho em nên dùng loại thuốc nào và có nên đi khám không vì em chưa có gia đình. Em xin cảm ơn bác sĩ nhiều 

    N.T.H

    TS. BS. Lê Thị Thu Hà: Bạn Hiền thân mến,

    Với tính chất huyết trắng nhiều, có màu xanh, mùi khó chịu và gây ngứa là huyết trắng bệnh lý. Nếu bạn chỉ dùng nước rửa vệ sinh đơn thuần  thì không thể giải quyết được. Dù bạn chưa lập gia đình vẫn phải đi khám để được điều trị. Mong bạn sớm đi khám nhé. Thân ái.

    * Xin kính chào bác sĩ, em có 1 câu hỏi rất mong bác sĩ tư vấn giúp. Em đi khám phụ khoa được các bác sĩ cho đơn thuốc như sau: thuốc uống 10 ngày: selazin, Itraxcop. Thuốc đặt 10  ngày: Vag-Larazol(thành phần clotrimazole-metromidazole). Em đã uống và đặt 01 ngày. Sau đó em thấy mình trễ kinh nên không uống và đặt nữa. Hiện nay em thử  thấy mình đã có thai. Vậy, bác sĩ cho em hỏi việc uống các thuốc đã nêu ở trên (uống 01 ngày)thì có ảnh hưởng đến thai nhi không, có gây dị tật cho thai nhi không ạ! Xin chân thành cảm ơn bác sĩ đã tư vấn. 

    P.T.B

    TS. BS. Lê Thị Thu Hà:
    Bạn Bửu thân mến,
    Việc dùng thuốc khi mang thai cần hết sức thận trọng. Người bác sĩ cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ trong việc sử dụng thuốc. Các loại thuốc được Hiệp hội Dược phẩm và thực phẩm Hoa kỳ (FDA) phân loại từ A,B,C,D,X. Nếu thuốc thuộc nhóm A, B thì tương đối an toàn khi mang thai. Thuốc thuộc nhóm C có thể gây nguy hại cho thai, mặc dù chưa có bằng chứng rõ ràng nguy hại trên người, tuy nhiên việc dùng thuộc cần thảo luận với bác sĩ. Thuốc thuộc nhóm D gây hại cho thai. Thuốc thuộc nhóm X gây độc hại cho thai, gây dị tật bẩm sinh. Ngoài nhóm thuốc, thời gian sử dụng và liều dùng cũng ảnh hưởng đến thai kỳ. Thuốc bạn sử dụng thuộc  nhóm B, C và thời gian là 1 ngày nên hầu như không ảnh hưởng đáng kể đến thai nhi.

    Chăm sóc thai kỳ tốt (bao gồm dinh dưỡng, nghỉ ngơi, ..khám thai và theo dõi thai kỳ đầy đủ) là điều cần thiết để cho ra đời 1 bé khỏe mạnh thông minh.

    * Chào bác sĩ! tôi đã lập gia đình cách đây 8 năm, có 1 cháu trai 7 tuổi. Cách đây hơn 1 năm tôi có uống thuốc ngừa Drosperin, và ngưng sử dụng từ tháng 1/2011. Sau đó, tôi có quan hệ nhưng không có sử dụng bao cao su Tôi bị trễ kinh, đã thử que thì có 1 vạch và cuối tháng vừa rồi tôi có đi bệnh viện khám thì bác sĩ nói tôi không có thai. Từ đó đến nay, tôi không có quan hệ với ông xã và đến giờ vẫn chưa thấy kinh (tính đến nay đã trễ kinh 1 tháng rồi). Vậy bác sĩ tư vấn giúp tôi là tôi có nên uống thuốc để có kinh trở lại hay không hay là cứ  chờ đợi và sử dụng biện pháp tránh thai khi quan hệ? Xin chân thành cảm ơn bác sĩ. 

    N.N.C

    TS. BS. Lê Thị Thu Hà:
    Bạn Châu thân mến,
    Bạn đã  ngưng thuốc từ 1/2011 và hiện tại bạn vẫn chưa có kinh. Nếu bạn không quan hệ 1  tháng liên tục thì bạn có thể khám lại 1 lần nữa để xác định tình trạng thai nghén, khám lâm sàng, siêu âm và định lượng beta hCG. Nếu kết quả vẫn không có thai bạn nên dùng thuốc để có kinh (test progesterone) trước khi dùng thuốc tránh thai lại. Thân ái.

    * Thưa bác Sĩ. Tôi có kinh lần cuối ngày 20/1/2011. Đến nay tôi có thai 6,5 tuần. Trước đó tôi đau răng, em không biết nên đã chụp XQuang răng hàm trên (5/3/2011). Siêu âm thì em bé đang phát triển bình thường. Nhiều Bác Sĩ khuyên em nên bỏ em bé vì chụp X  Quang không có lợi cho thai nhi. Mà em chỉ mới có bé đầu. Nên em muốn giữ lại. Mong Bác Sĩ cho em lời khuyên. Cảm ơn| 

    Đ.T.K.H

    TS. BS. Lê Thị Thu Hà:
    Bạn Hương  thân mến,
    Tia X có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, tia X dùng trong chẩn đoán thường có nồng độ bức xạ thấp nhiều lần so với liều gây thại cho thai (thấp từ 50 – 100  lần). Chụp X quang vùng hàm mặt lại xa vị trí thai (bụng dưới) nên sự ảnh hưởng  càng thấp hơn nữa. Do vậy, bạn có thể tiếp tục thai kỳ.

    * Xin chào bác sĩ! Cho em hỏi, cách đây 3 tháng em bị sảy thai lưu, giờ em muốn có thai lại em có cần khám sức khỏe lại không? Cần khám những gì và khám ở đâu ? Xin bác sĩ trả lời dùm em em cám ơn Nguyễn Thị Thuận- Dĩ An- BìnhDương 


      N.T.T

    TS. BS. Lê Thị Thu Hà:
    Bạn Thuận  thân mến,
    Việc chuẩn bị sức khỏe trước khi mang thai là cần thiết. Bạn nên khám sức khỏe tổng  quát xem có bệnh thiếu máu, tiểu đường, bệnh lý tuyến giáp… tại các phòng khám  đa khoa. Khám phụ khoa để kiểm tra tình trạng viêm nhiễm, u xơ, u nang buồng trứng, … tại các phòng khám chuyên khoa sản. Ngoài ra, bạn cần tiêm ngừa các  bệnh sau: sởi- quai bị- rubella, thủy đậu, viêm gan B.

    * Năm nay cháu 22 tuổi, kinh nguyệt của cháu không đều, đến khoảng ngày 30 của bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo, lúc đó cháu chưa có kinh cháu có lỡ quan hệ tình dục không an toàn với bạn trai sau đó 1 tuần cháu vẫn chưa có kinh, cháu sợ quá mua que thử nhưng không có thai, tính đến bây giờ là 2 tuần rồi cháu vẩn chưa có kinh nguyệt lại, cháu rất lo lắng mong cô giải đáp sớm? Cảm ơn cô nhiều. 

    N.T.M

    TS. BS. Lê Thị Thu Hà:
    Bạn Trà My thân mến,
    Quan hệ tình dục không được bảo vệ và không dùng bất kỳ biện pháp tránh thai nào là có khả năng mang thai và mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, để kiểm tra xem có thai hay không bạn có thể thử que sau 2 tuần, để chính xác hơn bạn cần xét nghiệm beta hCG.

     

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ