Ngày 29/09/2008

Lễ kỷ niệm 20 năm mổ tách rời hai cháu song sinh Việt - Đức

    Phẫu thuật Việt - Đức (04-10-1988)

    >> Bệnh viện Từ Dũ và mốc thời gian đáng nhớ của Việt - Đức

    08g00 sáng ngày 04/10/2008, bệnh viện Từ Dũ, Làng Hòa Bình tổ  chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày mổ  tách rời Việt Đức, tại Dinh Thống Nhất. 

    Mở đầu chương trình là diễn văn khai mạc của BS. CKII Phạm Việt Thanh. Ông điểm lại quá trình bệnh viện Từ Dũ đón nhận hai cháu song  sinh Việt - Đức, chăm sóc, đưa Việt - Đức sang Nhật chữa trị. Trước tình trạng nguy kịch của Việt cũng là mối hiểm nguy cho Đức, trước đề nghị của bệnh viện Từ Dũ, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo thành lập ê kíp mổ tách rời Việt -  Đức và cho phép BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng kết nối với Hội Chữ Thập Đỏ Nhật Bản tổ  chức hai năm trước đã hứa sẽ giúp đỡ ca mổ tách rời hai cháu trong điều kiện tại Việt Nam.  Sau 20 năm, với bệnh viện Từ Dũ, thành tựu to lớn của ca mổ Việt - Đức còn là sự hội tụ của những tấm lòng nhân ái. BS. CKII Phạm Việt Thanh bày tỏ lòng cám ơn sâu sắc đến Hội Chữ Thập Đỏ Nhật Bản, Hội Negaukai, Hội Hữu nghị Nhật - Việt ở Tokyo, Kyoto, Osaka, Hyogo...; các  tổ chức NPO-MOA, PLUS-ONE... không chỉ giúp đỡ trang thiết bị, kỹ thuật, kinh phí cho ca mổ Việt - Đức mà còn hỗ trợ, chia sẻ cuộc sống lâu dài của hai cháu, cũng như đã đến với những số phận trẻ em bất hạnh khác ở Làng Hòa Bình...

    GS. BS AHLĐ Dương Quang Trung phát biểu về thành tựu 20 năm ca mổ: “Sau 20 năm, bài học kinh nghiệm lớn nhất từ cuộc phẫu thuật tách rời Việt - Đức đối với êkip mổ năm xưa chính là bài học về sự hợp tác, hợp đồng của các chuyên khoa. Cuộc sống của Đức hiện nay là phần thưởng của chung cho tất cả những ai đã tham gia vào ca mổ lịch sử ấy. Giờ đây, chỉ còn đợi Đức báo tin có con là niềm vui của “bà nội”, “ông ngoại, những bà mẹ nuôi, những người bạn phương xa được nhân lên gấp nhiều lần…”.

    GS. BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng nói về quá trình quá trình chăm sóc, nuôi nấng hai cháu Việt  - Đức trong nhiều năm qua. Từ những năm 80 của thế  kỷ 20, ở bệnh viện Từ Dũ đã thực hiện công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của các chất độc hóa học trên sức khỏe phụ nữ và trẻ sơ sinh. Đó là cơ duyên để Bộ  Y tế chú ý và tín nhiệm gửi Việt  - Đức vào bệnh viện Từ Dũ nuôi dưỡng. Sau đó là nỗ lực kết nối của bệnh viện Từ Dũ đến các tổ chức Hội Chữ Thập Đỏ, Hội Negaukai (Hội vì sự phát triển Việt Đức),  các cơ quan truyền thông Nhật Bản… nhằm vận động, hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị giúp đỡ ca mổ. Bệnh viện Từ Dũ còn là nơi phục vụ hậu cần cho “ê kíp” mổ trong suốt nhiều tháng liền. Bà bày tỏ nỗi trăn trở: “Thành tựu ca mổ tách rời  Việt - Đức ngày 04/10/1988 không đơn thuần là những thành tựu về kỹ thuật. Đó là ca mổ quy tụ được trí tuệ, tình người. Sau ca mổ, một làn sóng nhân đạo được dấy lên trong và ngoài nước nhằm giúp đỡ những trẻ em khuyết tật. Một trong những thành tựu ca mổ Việt  - Đức là Làng Hòa Bình ở bệnh viện Từ Dũ. Làm thế nào tạo điều em cho các em khuyết tật có  được cuộc sống bình thường, hòa nhập cộng đồng là trách nhiệm, là nỗi trăn trở của tất cả chúng ta”.

    Lễ kỷ niệm 20 năm mổ tách rời 2 cháu song sinh Việt - Đức, có  sự tham dự của ê kíp gồm 70 y bác sĩ mổ tách rời hai cháu ngày 04/10/1988,  đội ngũ bác sĩ, nữ hộ sinh, y tá đã chăm sóc Việt  - Đức từ khi tiếp nhận hai cháu đến nay. Đặc biệt, đoàn khách Nhật Bản gồm  khoảng 60 đại diện các tổ chức, phóng viên báo đài đã đến tham dự. Chương trình  Lễ kỷ niệm 20 năm mổ tách rời Việt - Đức còn có phần chiếu phim tư liệu “Việt  - Đức  tình người & sau 20 năm”. Đặc biệt là cuộc tọa đàm ê kíp mổ Việt Nam và Nhật Bản - cuộc trò chuyện thân mật với các GS bác sĩ, Anh hùng lao động Văn Tần, BS Trần Thành Trai, GS. BS Lê Văn Thành, ThS BS Nguyễn Thị Thanh, TS Y khoa Nguyễn Thị Quý… cùng GS. BS Koneo Tadateru - Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ Nhật Bản,  GS.BS Keiji Iriyama - Bệnh viện Đại học Mie Ken, GS Fujimoto Bunro - Chủ tịch Hội Negaukai Nhật Bản…

    Nhân kỷ niệm 20 năm ca mổ tách rời Việt - Đức, Làng Hòa Bình - Bệnh viện Từ Dũ xuất bản tập sách “Việt  - Đức tình người & sau 20 năm” của  các tác giả Trần Trọng Thức, Minh Thu, Trầm Hương; với sự tham gia của các GS. BS . AHLĐ Dương Quang Trung, GS. BS. Trần Đông A, GS. BS. Văn Tần, BS. Trần Thành Trai, GS. BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng, GS. BS Lê Văn Thành, PgS BS. Trần Văn Bình,  PgS. BS. Vũ Lê Chuyên, PgS. BS. Võ Văn Thành, TS .Y Khoa Ngô Tôn Liên, ThS. BS. Nguyễn Thị Thanh, TS. Y khoa Nguyễn Thị Quý…



    Việt - Đức được bệnh viện Việt  Đức chăm sóc trước khi đưa vào Tp.HCM



    Việt (nằm), Đức (ngồi) cùng mẹ và chị gái
    tại bệnh viện Từ Dũ trước khi được tách rời.



    Việt - Đức được điều trị tại bệnh viện Chữ Thập Đỏ - Nhật Bản
    (Giữa GS. BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng)



    Toàn cảnh quang cảnh phòng mổ.



    Sau ca mổ, Đức được hồi phục.


    GS. BS. Nguyễn Ngọc Phượng cùng Việt - Đức sau khi được tách rời.



    Nguyễn Đức và vợ Nguyễn Thị Thanh Tuyền trong ngày cưới (16/12/2006)



    Đức là nhân viên văn phòng Làng Hoà Bình.


    Bìa sách "Việt Đức tình người & sau 20 năm".



    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ