Ngày 22 tháng 4 năm 2025, chiếc xe cấp cứu lao nhanh vào cổng cấp cứu Bệnh viện Từ Dũ. Trên băng ca là một sản phụ trẻ – gương mặt nhợt nhạt và nhịp thở gấp gáp.
Chị N.T.H.N ở Tiền Giang là một sản phụ 32 tuổi, mang thai lần ba. Hai lần trước chị đều sinh mổ, và cả hai lần đó đều diễn ra an toàn. Lần này, mọi chuyện ban đầu cũng tưởng như bình thường, cho đến những ngày cuối thai kỳ – khi thai đã
được hơn 36 tuần, chị bắt đầu cảm thấy mệt, ho và khó thở. Triệu chứng xuất hiện âm thầm trong vài ngày, ban đầu không quá nghiêm trọng, nhưng rồi tăng dần khiến chị không thể tiếp tục sinh hoạt bình thường.
Chị đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới để khám. Tại đây, các bác sĩ ghi nhận tình trạng khó thở nặng, chỉ số oxy máu giảm, nghi ngờ viêm phổi cộng đồng. Nhưng điều khiến họ lo ngại hơn cả là tình trạng tim mạch. Chị được chẩn đoán suy tim, bệnh cơ tim chu sinh và suy hô hấp. Sau khi bắt đầu điều trị bằng kháng sinh và lợi tiểu, họ quyết định chuyển chị đến Bệnh viện Từ Dũ để tiếp tục theo dõi và xử trí sản khoa.
Chiều ngày 22 tháng 4 năm 2025, chị nhập viện Từ Dũ trong tình trạng khó thở nhiều, phải nằm đầu cao, hai bên phổi có ran nổ, SpO₂ chỉ còn 91%, sinh hiệu tương đối ổn định nhưng mạch nhanh. Tim thai còn trong giới hạn an toàn, khoảng 125 lần/phút. Tình trạng lúc nhập viện được đánh giá là khá nặng. Qua thăm khám và làm siêu âm tim tại giường, tình trạng trở nên rõ ràng hơn với buồng tim không dày nhưng giãn, toàn bộ thất trái giảm động, phân suất tống máu chỉ còn 25%. Ngoài ra, có nhiều B-line hai bên phổi (cho thấy có dấu hiệu phù phổi), tĩnh mạch chủ dưới giãn nhẹ (22/21mm). Các bác sĩ tim mạch từ Bệnh viện Chợ Rẫy được mời hội chẩn ngay sau đó.
Chị N. được chẩn đoán lúc này là suy tim độ IV (theo phân loại NYHA), bệnh cơ tim chu sinh, thai 36 tuần 4 ngày, con lần ba, vết mổ cũ 2 lần, ngôi đầu, chưa chuyển dạ. Sau khi các Bác sĩ đánh giá toàn diện, cuộc hội chẩn nhanh chóng thống nhất: tình trạng suy tim quá nặng không thể kéo dài thai kỳ thêm. Nếu không can thiệp sớm, cả mẹ và thai nhi đều có nguy cơ tử vong cao. Vì vậy các bác sĩ quyết định mổ lấy thai cấp cứu. Tuy nhiên, với chức năng tim rất yếu, nguy cơ tử vong trong và sau mổ là rất lớn. Dù là một quyết định khó khăn, nhưng đó là cách tốt nhất để đảm bảo an toàn cho hai mẹ con trong hoàn cảnh này.
Một trong những vấn đề then chốt là lựa chọn phương pháp vô cảm. Gây mê toàn thân bị loại bỏ vì nguy cơ ảnh hưởng đến hô hấp và tim mạch quá cao. Gây tê tủy sống cũng không phù hợp do nguy cơ tụt huyết áp đột ngột ở người có chức năng tim yếu. Cuối cùng, đội ngũ gây mê chọn phương pháp gây tê ngoài màng cứng – một kỹ thuật đòi hỏi sự tinh tế và tính toán đến từng giọt thuốc, từng nhịp tim. Kỹ thuật này cho phép giảm đau tốt, kiểm soát mức độ phong bế tốt hơn và có thể điều chỉnh liều tùy theo đáp ứng huyết động; giảm sức cản ngoại biên từ từ, giúp giảm gánh nặng cho tim mà không làm tụt huyết áp đột ngột; và có thể tiếp tục sử dụng catheter để duy trì giảm đau sau mổ.
Tất cả được chuẩn bị cẩn trọng và nhanh chóng. Chị N. được hỗ trợ vận mạch bằng Dobutamin, lợi tiểu được chuẩn bị sẵn, từng ml dịch truyền được cân nhắc kỹ lưỡng. Phòng mổ trang bị đầy đủ phương tiện hồi sức tim mạch – hô hấp. Các bác sĩ gây mê – hồi sức chuẩn bị đầy đủ phương tiện để ứng phó với tình huống xấu nhất.
Lúc 16 giờ 30 ngày 22/4/2025, ca phẫu thuật được tiến hành, mọi thao tác được thực hiện cẩn trọng. Các bác sĩ gây mê theo dõi sát từng chỉ số sinh tồn, kiểm soát dịch truyền nghiêm ngặt để tránh quá tải dịch, đặc biệt là trong khoảnh khắc lấy thai ra – thời điểm này sự hồi lưu máu về tim mẹ tăng vọt, nguy cơ gây phù phổi cấp, sốc tim. Nhưng đội ngũ gây mê – hồi sức đã sẵn sàng. Oxytocin được truyền từ từ để kiểm soát co hồi tử cung mà không làm ảnh hưởng đến huyết áp. Đồng thời, lợi tiểu như Furosemide được dự phòng sử dụng trong hoặc ngay sau mổ nếu có dấu hiệu ứ trệ tuần hoàn.
Khi em bé được lấy ra an toàn, tiếng khóc chào đời vang lên phá tan lớp không khí nặng trĩu, mọi ánh mắt mới dần giãn ra – áp lực trong phòng mổ nhẹ đi từng chút. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 50 phút đã diễn ra thuận lợi mà không có biến cố nguy hiểm nào xảy ra.
Sau mổ, chị được tiếp tục theo dõi tại phòng hồi sức tích cực. Lúc đầu vẫn còn khó thở nhẹ, cần thở oxy qua mask, tuy nhiên tình trạng hô hấp dần cải thiện theo từng giờ. Đến ngày hôm sau, tình trạng hô hấp đã cải thiện rõ rệt, chị đã bớt ho, không còn cảm giác khó thở, các chỉ số sinh hiệu ổn định.
Sau mổ 3 ngày, tình trạng chị N. khỏe nhiều hơn, vết mổ khô và không bị đau hay khó chịu gì, ăn uống được nhiều hơn, các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ có hội chẩn lại với chuyên gia tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy và quyết định ngưng thuốc vận mạch. Sau 7 ngày chị N. được xuất viện và được dặn dò tái khám cẩn thận tại Bệnh viện Chỡ Rẫy để tiếp tục theo dõi và đánh giá chức năng tim sau sinh.
Đây là một trường hợp hiếm gặp – bệnh cơ tim chu sinh biểu hiện rõ rệt vào cuối thai kỳ, không có tiền sử bệnh lý tim mạch trước đó. Không đơn giản là một ca mổ lấy thai thông thường, đó là sự hợp lực giữa các chuyên gia sản khoa, tim mạch, gây mê – hồi sức. Là bản lĩnh của người mẹ, lòng tận tụy của thầy thuốc và sự kỳ diệu của y học hiện đại đã giúp người mẹ và em bé đều an toàn. Và hơn hết, đó là một câu chuyện về sự phối hợp kịp thời và chính xác giữa các chuyên khoa để mang lại an toàn cho cả mẹ và con.
Xin gởi lời chúc mừng mẹ tròn con vuông đến gia đình chị N. Và xin gởi lời cảm ơn sâu sắc đến 2 ekip của 2 bệnh viện tuyến cuối về sự phối hợp nhịp nhàng này. Chúc cho tất cả các mẹ bầu đều có một hành trình mang thai khỏe mạnh và có một kết thúc thai kỳ tuyệt vời – an toàn!