Bệnh lý lạc nội mạc tử cung
ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
Phòng Công Tác xã hội
Lạc nội mạc tử cung là gì?
Hình minh họa - nguồn internet |
Đây là một bệnh lý phụ khoa xảy ra khi mô nội mạc tử cung phát triển ở những vị trí bất thường bên ngoài lòng tử cung như ở cơ tử cung, vòi trứng, buồng trứng, phúc mạc chậu, bàng quang, trực tràng, niệu quản …
Nội mạc tử cung bình thường là lớp tế bào lót trong lòng tử cung. Chúng chịu sự chi phối của nội tiết tố nữ là Estrogen và Progesterone. Dưới sự tác động của các nội tiết này, sẽ xảy ra hiện tượng tăng sinh và bong tróc những tế bào nội mạc tử cung và gây ra hành kinh mỗi tháng ở người phụ nữ.
Những mô nội mạc tử cung lạc chỗ cũng chịu sự chi phối của nội tiết tố nữ tương tự như nội mạc tử cung ở vị trí bình thường. Hiện tượng này gây nên các tổn thương viêm, xơ hóa, tạo sẹo hoặc tích tụ dịch tạo thành các u nang.
Các dạng lạc nội mạc tử cung:
Có 3 dạng chính của bệnh lý lạc nội mạc tử cung:
- Sang thương ở bề mặt phúc mạc: Đây là dạng thường gặp nhất. Người bệnh có các sang thương lạc nội mạc tử cung nằm nông ở bề mặt lớp phúc mạc hoặc thanh mạc các tạng, là một lớp tế bào mỏng bao phủ bên trong khoang bụng và bên ngoài các tạng. Tổn thương thường khu trú ở vùng chậu nhưng đôi khi cũng bắt gặp ở phúc mạc các vị trí xa hơn.
- Nang lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng: Vị trí thường gặp nhất của lạc nội mạc tử cung là ở buồng trứng. Để tìm hiểu chi tiết, mời bạn tham khảo thêm ở bài viết Nang lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng là gì? (https://tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/suc-khoe-phu-nu/benh-phu-khoa/nang-lac-noi-mac-tu-cung-o-buong-trung-la-gi/)
- Lạc nội mạc tử cung xâm nhiễm sâu: Với dạng bệnh lý này, các sang thương lạc nội mạc tử cung đã xâm nhập sâu vào bên dưới lớp phúc mạc hoặc thanh mạc tạng và ảnh hưởng đến đến các tạng khác gần tử cung như ruột hoặc bàng quang. Dạng này chiếm khoảng 1-5% phụ nữ có lạc nội mạc tử cung.
Ngoài ra còn có một dạng lạc nội mạc trong cơ tử cung hay còn gọi là lạc tuyến trong cơ tử cung (Adenomyosis)
Triệu chứng của bệnh lý lạc nội mạc tử cung:
Đôi khi lạc nội mạc tử cung tiến triển âm thầm không có triệu chứng cho đến khi nó ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan vùng chậu như cơ quan sinh dục, ruột hay bàng quang. Các triệu chứng có thể gặp ở phụ nữ có lạc nội mạc tử cung bao gồm:
- Đau bụng hoặc đau lưng theo chu kỳ kinh.
- Đau khi đi tiêu hoặc tiểu hoặc khi quan hệ tình dục.
- Đau vùng chậu mạn tính.
- Ra máu kinh nhiều hoặc hành kinh bất thường.
- Có máu lẫn trong phân hoặc nước tiểu, đặc biệt là trong chu kỳ kinh.
- Tiêu chảy hoặc táo bón.
- Hiếm muộn hoặc khó thụ thai.
Nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung:
Nguyên nhân gây nên lạc nội mạc tử cung vẫn chưa được biết chính xác. Một số chuyên gia cho rằng khi máu kinh chứa các tế bào nội mạc tử cung trào ngược từ lòng tử cung qua ống dẫn trứng vào khoang phúc mạc chậu sẽ tạo cơ hội cho các tế bào này cấy vào và phát triển ở các vị trí lạc chỗ tại bề mặc phúc mạc chậu và thanh mạc tạng của một số cơ quan gần đó như buồng trứng, tử cung, vòi trứng.
Bộ gen của bạn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần hình thành các sang thương nội mạc tử cung lạc chỗ. Nếu mẹ hoặc chị gái của bạn có lạc nội mạc tử cung, bạn cũng có khả năng mắc phải bệnh lý này. Nghiên cứu cho thấy tình trạng bệnh có xu hướng nặng dần qua các thế hệ.
Biến chứng gây nên bởi bệnh lý lạc nội mạc tử cung:
Đau do lạc nội mạc tử cung có thể rất nặng và ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Một số người bệnh rơi vào trạng thái lo âu hoặc trầm cảm bởi vì bệnh lý tồn tại kéo dài. Điều trị bằng thuốc có thể giúp giảm đau và chăm sóc về sức khỏe tâm thần là rất cần thiết.
Lạc nội mạc tử cung có thể làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng và các ung thư tuyến dạng nội mạc tử cung.
Hiếm muộn có liên quan với lạc nội mạc tử cung:
Đây là nguyên nhân hàng đầu gây nên vô sinh ở người phụ nữ. Ảnh hưởng đến nhiều phụ nữ trong độ tuổi 30 và 40. Gần 2/5 phụ nữ có lạc nội mạc tử cung không thể có thai tự nhiên.
Khi nội mạc tử cung lạc chỗ ở cơ quan sinh sản, bạn có thể gặp phải các vấn đề trong khả năng thụ thai như:
- Khi mô nội mạc tử cung bao bọc xung quanh buồng trứng của bạn, nó có thể ngăn không cho trứng rụng.
- Mô nội mạc tử cung lạc chỗ ở vòi trứng có thể khiến vòi trứng tắc nghẽn, biến dạng dẫn đến tinh trùng không thể thông qua đó để thụ tinh với trứng hoặc nó có thể ngăn cản trứng đã thụ tinh di chuyển đến được lòng tử cung để làm tổ.
- Lạc tuyến trong cơ tử cung có thể khiến phôi thai khó làm tổ hoặc dễ bị sảy thai.
- Ngoài ra, bệnh lý lạc nội mạc tử cung còn ảnh hưởng đến hoạt động nội tiết, miễn dịch của cơ thể và gây tác động bất lợi lên phôi thai.
Chẩn đoán lạc nội mạc tử cung bằng cách nào?
- Khám vùng chậu: Có thể phát hiện được các nang ở buồng trứng hoặc tổn thương sẹo ở mặt sau tử cung và vách trực tràng.
Hình minh họa - nguồn internet |
- Xét nghiệm hình ảnh: Một xét nghiệm siêu âm, CT-scan hoặc MRI vùng chậu có thể giúp phát hiện các tổn thương của lạc nội mạc tử cung.
- Nội soi ổ bụng chẩn đoán: Với một vết rạch nhỏ khoảng 10mm trên bụng và một dụng cụ quan sát bên trong ổ bụng, bác sĩ có thể nhận diện được các tổn thương lạc nội mạc tử cung trên bề
mặt phúc mạc và các cơ quan vùng chậu. Sinh thiết thường được thực hiện thông qua nội soi ổ bụng chẩn đoán bằng cách thu thập mẫu mô có tổn thương và gửi xét nghiệm mô học. Vì đây là một phẫu thuật xâm lấn nên người bệnh thường không được chỉ định với mục tiêu chẩn đoán bệnh ban đầu mà thường được áp dụng khi người bệnh đã có chỉ định phẫu thuật nội soi điều trị bệnh lý lạc nội mạc tử cung hoặc điều trị tình trạng phụ khoa khác.
Theo Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ, bệnh lý lạc nội mạc tử cung được chia làm 4 giai đoạn:
- Giai đoạn I (tối thiểu): Có một vài sang thương nhỏ nhưng không tạo sẹo.
- Giai đoạn II (nhẹ): nhiều sang thương hơn nhưng không lớn hơn 5cm và không tạo sẹo.
- Giai đoạn III (trung bình): Sang thương có thể xâm lấn sâu hơn tạo sẹo ở vùng xung quanh buồng trứng hoặc vòi trứng hoặc hình thành các nang lạc nội mạc tử cung.
- Giai đoạn IV (nặng): Có nhiều sang thương và các nang lớn ở buồng trứng. Có thể có các tổn thương tạo sẹo sâu ở mô quanh buồng trứng, vòi trứng hoặc giữa mặt sau tử cung và phần thấp của trực tràng.
Phân loại này không bao gồm mức độ biểu hiện triệu chứng. Ví dụ, đôi khi lạc NMTC giai đoạn I có thể gây đau dữ dội, nhưng một phụ nữ có lạc NMTC giai đoạn IV có thể không có triệu chứng gì.
Các phương pháp điều trị:
Không có biện pháp chữa khỏi hoàn toàn lạc nội mạc tử cung. Mục tiêu của việc điều trị là giải quyết các triệu chứng và các vấn đề sức khỏe gây ra bởi lạc nội mạc tử cung như đau, vô sinh, khối u … Cần xác định các mục tiêu điều trị ngắn hạn và dài hạn cho từng cá nhân người bệnh.
- Thuốc giảm đau: Một số loại thuốc không cần kê toa như NSAIDs (ibuprofen, naproxen) có thể giúp ích cho bạn trong việc giảm đau tạm thời trong chu kỳ kinh. Nếu những thuốc này không giúp giảm đau, bạn có các lựa chọn khác sau đây.
- Liệu pháp hormone: Với mục tiêu là giảm lượng Estrogen được tạo ra bởi cơ thể và làm ngưng chu kỳ của bạn, từ đó giúp các sang thương giảm chảy máu, giảm viêm và giảm tạo sẹo dính. Liệu pháp hormone có thể lựa chọn gồm:
- Thuốc viên tránh thai hàng ngày, miếng dán nội tiết hoặc vòng âm đạo.
- Các thuốc đồng vận hoặc đối vận Gn-RH.
- Thuốc nội tiết Progestin.
- Phẫu thuật: Bác sĩ có thể gợi ý phẫu thuật nếu các tổn thương không thể điều trị được bằng thuốc như các nang lớn ở buồng trứng gây chèn ép cấu trúc vùng chậu. Đôi khi phẫu thuật cũng được chỉ định cho những trường hợp hiếm muộn để chẩn đoán hoặc sửa chữa ống dẫn trứng. Với những trường hợp nặng, người bệnh có thể cần phẫu thuật cắt bỏ tử cung và/hoặc buồng trứng.
- Điều trị hiếm muộn: Khi bắt đầu phát hiện lạc nội mạc tử cung, người phụ nữ nên lên kế hoạch mang thai sớm nhằm tránh tình trạng bệnh diễn tiến lâu ngày dẫn dến khó có thai. Nếu người bệnh đã được xác định tình trạng vô sinh, các biện pháp hỗ trợ sinh sản nên được áp dụng để tăng khả năng mang thai. Phẫu thuật phục hồi hoặc sửa chữa ống dẫn trứng có thể giúp ích trong một số trường hợp. Tuy nhiên khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nặng, có thể bạn cần được hỗ trợ sinh sản bằng các phương pháp như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Thay đổi lối sống có thể giúp ích cho người bệnh lạc nội mạc tử cung:
- Ăn uống lành mạnh: Nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa bệnh lý lạc nội mạc tử cung với một chế độ ăn ít rau quả và nhiều thịt đỏ. Một số chuyên gia cho rằng hấp thu lượng mỡ động vật cao khiến cơ thể tăng tổng hợp một chất gọi là Prostaglandins, một chất trung gian dẫn đến tăng sản xuất Estrogen.
Người bệnh lạc nội mạc tử cung được khuyến cáo ăn chế độ nhiều rau củ quả và trái cây. Nghiên cứu cũng cho thấy thực phẩm giàu acid béo omega-3, như cá hồi và các loại hạt, cũng có ích cho người bệnh. Ngược lại, ăn nhiều chất béo no (trans fat) làm tăng gấp đôi nguy cơ phát triển lạc nội mạc tử cung. Người bệnh cũng cần tránh thức uống chứa cồn và caffeine.
- Tập thể dục đều đặn: Có rất nhiều lý do khiến tập thể dục là một cách tuyệt vời để kiểm soát bệnh lạc nội mạc tử cung của bạn. Tập thể dục khuyến khích tim của bạn bơm máu đến tất cả các cơ quan, cải thiện tuần hoàn, giúp các chất dinh dưỡng và oxy lưu thông đến tất cả các hệ thống của bạn.
Những phụ nữ tập thể dục cũng có thể có ít Estrogen hơn và có lượng kinh nguyệt ít hơn, điều này có thể giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh lạc nội mạc tử cung theo thời gian. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng càng dành nhiều thời gian cho các bài tập cường độ cao như chạy bộ hoặc đi xe đạp, bạn càng ít có khả năng bị lạc nội mạc tử cung.
Tập thể dục giúp giảm căng thẳng và giải phóng các chất hóa học trong não, trong đó có Endorphin, có thể giúp bạn giảm đau. Thậm chí chỉ một vài phút hoạt động thể chất, khiến bạn thở mạnh hoặc đổ mồ hôi, cũng có thể tạo ra hiệu ứng đó.
Chảy máu tử cung bất thường tuổi dậy thì là tên mà các bác sĩ sử dụng để mô tả khi có điều gì đó không ổn xảy ra với chu kỳ kinh nguyệt của một cô gái trong độ tuổi dậy thì (từ 10 đến 19 tuổi – theo WHO). Các bác sĩ đôi khi còn gọi là "chảy máu tử cung do rối loạn chức năng". Trong phần lớn trường hợp, chảy máu tử cung bất thường tuổi dậy thì không phải là điều đáng lo ngại.
Hội chứng buồng trứng đa nang là một rối loạn nội tiết và chuyển hóa toàn thân, đặc trưng bởi một vài hoặc nhiều triệu chứng như rậm lông, mụn trứng cá, hói đầu ở phụ nữ trưởng thành, rối loạn kinh nguyệt và buồng trứng đa nang. Hội chứng này ảnh hưởng đến khoảng 5-18% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng, có thể là do kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường sống. Sinh lý bệnh khá phức tạp, đến nay vẫn chưa được hiểu rõ. Hội chứng này gây nên nhiều vấn đề sức khỏe lâu dài cho người phụ nữ, đáng lưu ý là vô sinh và tăng nguy cơ bệnh tim mạch, đái tháo đường.
Teo âm đạo là khi thành âm đạo trở nên mỏng, khô và dễ bị viêm. Điều này xảy ra khi cơ thể bạn tạo ra ít estrogen hơn, chẳng hạn như thời kỳ trong và sau mãn kinh.
Xuất huyết giữa chu kỳ là hiện tượng chảy máu âm đạo giữa chu kỳ kinh nguyệt, thậm chí khi đang mang thai.
Vách ngăn âm đạo là một bất thường ở âm đạo: có một màng ngăn phân chia bên trong âm đạo. Phụ nữ có vách ngăn âm đạo có thể mắc các dị tật khác bên trong cơ thể bao gồm như dị tật về tử cung và buồng trứng, thận, hậu môn trực tràng…
Trước đây, thai bám sẹo mổ lấy thai là một bệnh hiếm gặp nhưng gây nên những hậu quả rất nặng nề cho người phụ nữ, thậm chí là mất khả năng sinh sản trong tương lai. Những năm gần đây, cùng với sự gia tăng tỉ lệ mổ lấy thai, số trường hợp bị thai bám sẹo mổ cũng tăng lên đáng kể. Áp dụng rộng rãi siêu âm ngả âm đạo để đánh giá các thai kỳ sớm đã góp phần giúp chẩn đoán sớm bệnh lý này, nhờ vậy giảm các rủi ro khi điều trị.