Ngày 10/05/2011

Cộng hưởng từ - MRI

    MRI và Nhũ hoa

    MRI không phải là một phương pháp chẩn đoán thay thế nhũ ảnh và siêu âm vú mà là một phương tiện hỗ trợ để phát hiện và đánh giá giai đoạn ung thư vú cũng như các tổn thương vú lành tính khác.


    MRI được khuyến cáo nên phối hợp với nhũ ảnh để tầm soát ung thư vú giai đoạn sớm ở những phụ nữ có mô tuyến vú đặc hoặc phụ nữ có nguy cơ cao bị ung thư vú.

    MRI là phương pháp tốt nhất giúp đánh giá sự toàn vẹn của túi ngực giả cũng như tầm soát ung thư vú giai đoạn sớm cho đối tượng này.

    MRI giúp phân biệt giữa mô sẹo mổ cũ hay là mô bướu tái phát, đây là ưu điểm vượt trội của MRI so với nhũ ảnh trong đánh giá những bệnh nhân sau phẫu thuật vú.

     MRI và phụ khoa

    MRI có ưu điểm vượt trội so với siêu âm trong các bệnh lý như đánh giá giai đoạn ung thư nội mạc tử cung, ung thư cổ tử cung…

    Chẩn đoán lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung, lạc nội mạc vùng chậu.


    Chẩn đoán chính xác các dị dạng tử cung vì quan sát được bờ ngoài của đáy tử cung.

    Là phương pháp tốt nhất hiện nay để khảo sát động học sàn chậu: đánh giá tình trạng sa tử cung, sa bàng quang, túi sa trực tràng…

    MRI và thai

    MRI thai đã được công nhận là một phương pháp có giá trị trong chẩn đoán bất thường thai.    


    MRI được chỉ định cho những trường hợp gặp khó khăn trong chẩn đoán trên siêu âm như mẹ béo phì, thai thiểu ối, vô ối, cần đánh giá các cử động của thai.

    MRI giúp chẩn đoán chính xác các dị tật thai đặc biệt là dị tật hệ thần kinh trung ương.

    Tôi có nguy hại gì khi chụp MRI không?

    MRI là một phương pháp chẩn đoán hoàn toàn vô hại. Được ứng dụng từ cuối thập niên 1970 đến nay, MRI đã được chứng minh là không có tác hại ngay cả cho thai. Tuy nhiên, vì sự an toàn của thai nên MRI không được khuyến cáo cho 3 tháng đầu thai kỳ.

    Không có chỉ định chụp khi bệnh nhân có dị vật kim loại hoặc đặt dụng cụ cấy ghép như máy tạo nhịp…

    Cân nhắc chụp MRI nếu bệnh nhân bị hội chứng sợ nhốt kín.

    Qui trình chụp MRI như thế nào?

    Bạn sẽ được đặt nằm ngửa hoặc sấp (chụp vú) trên giường khám, giường sẽ tự động trượt đúng vào vị trí trung tâm lồng máy.

    Chụp MRI không gây đau tuy nhiên bạn có thể cảm thấy không  thoải mái do phải nằm yên ở một tư thế từ 30-60 phút.

    Bạn sẽ biết khi nào máy đang chụp vì những âm thanh phát ra khi các cuộn tạo ra tần số vô tuyến được hoạt hóa. Bạn có thể thư giãn hơn giữa các lần chụp tuy nhiên bạn nên cố gắng nằm yên ở một tư thế để hình ảnh rõ nét nhất.

    Nếu bạn cảm thấy ấm ở vùng cơ thể được chụp là điều bình thường.

    Trong một vài kiểu thế chụp bạn có thể được yêu cầu nín thở.

    Bạn sẽ ở trong phòng chụp MRI một mình, tuy nhiên chúng tôi luôn luôn quan sát thấy bạn và có thể đối thoại cùng bạn.

    Trong một vài trường hợp, bạn có thể được yêu cầu chích thuốc cản từ để giúp cho chẩn đoán tốt hơn. Bạn có thể có thấy ớn lạnh hoặc cảm giác đỏ bừng trong vài phút.

    Nguyên lý hoạt động của máy cộng hưởng từ như thế nào?

    MRI là một phương tiện chẩn đoán hiện đại và an toàn đã được ứng dụng rộng rãi khắp trên thế giới trong mọi lãnh vực. Với sản phụ  khoa, MRI ngày càng trở nên là một phương tiện hỗ trợ rất có giá trị cho siêu âm.

    Lợi ích của máy cộng hưởng từ là gì?

    Chẩn đoán không xâm lấn

    Bệnh nhân không bị nhiễm xạ

    Khảo sát được trên nhiều kiểu thế khác nhau với nhiều chuỗi xung khác nhau như T1W, T2W, Diffusion, Flair… giúp cho việc chẩn đoán chính xác hơn.

    Chẩn đoán hình ảnh có độ chính xác cao, đặc biệt đối với các tổn thương mô mềm.

    Tôi cần chuẩn bị gì trước khi chụp MRI?

    Trang sức và các vật dụng có kim loại hoặc từ tính như đồng  hồ, điện thoại, thẻ tín dụng… cần được tháo bỏ trước khi vào phòng chụp.

    Bạn không cần nhịn ăn trước khi chụp.

    Bạn cần đi tiểu trước khi chụp vì thời gian chụp có thể kéo dài đến 1 giờ.

    * Xin vui lòng đặt hẹn trước: Cô Bích – 54 042 829 (bấm 220)

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ