Làm gì để dự phòng sa sinh dục
ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
P. Công tác xã hội
Hình minh họa - nguồn internet
|
Sa sinh dục (sa các cơ quan vùng chậu) là một bệnh lành tính thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh. Theo thống kê ở Mỹ, nguy cơ một người phụ nữ bị sa sinh dục là 13%, và với tốc độ già hóa dân số như hiện nay, ước tính đến năm 2050 nguy cơ sa sinh dục của phụ nữ lên đến 50%.
Cơ quan vùng chậu của người phụ nữ bao gồm âm đạo, tử cung, bàng quang, niệu đạo và trực tràng. Bình thường, các cơ quan này được nâng đỡ bởi nhóm cơ sàn chậu để không bị đẩy xuống. Sa sinh dục xảy ra khi sự nâng đỡ này kém đi, dẫn đến các cơ quan vùng chậu bị sa xuống dưới. Tình trạng này gây ra các triệu chứng về đau (khó chịu) vùng chậu, rối loạn tiêu tiểu, rối loạn chức năng tình dục, thẩm mỹ cũng như làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của người phụ nữ.
Yếu tố nguy cơ chính của bệnh lý này là mang thai và sinh nở. Bên cạnh đó, khi người phụ nữ càng lớn tuổi hoặc mãn kinh, chức năng cơ sàn chậu càng yếu đi dẫn đến các cơ quan vùng chậu dễ bị sa hơn. Tần xuất cao nhất của sa sinh dục gặp ở độ tuổi từ 70-79 tuổi. Tuy nhiên hiện nay, xu hướng bệnh nhân sa sinh dục ngày càng trẻ do các ảnh hưởng tiêu cực từ lối sống tĩnh tại ít vận động cũng như thừa cân béo phì ở người trẻ.
Sa tạng vùng chậu có biểu hiện gì?
Triệu chứng của sa sinh dục thường diễn tiến từ từ và nặng dần theo thời gian. Sa sinh dục được chia thành nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng (độ 0 đến độ IV)
Ban đầu, khi chức năng sàn chậu bị rối loạn mức độ nhẹ, hầu hết phụ nữ không cảm thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Phần lớn trong số họ không biết mình bị sa sinh dục cho đến khi bác sĩ phát hiện thông qua khám phụ khoa định kỳ hoặc khám vì nguyên nhân khác.
Khi sa sinh dục diễn tiến nặng hơn, người bệnh có thể cảm thấy các triệu chứng như:
- Cảm giác căng hoặc nặng vùng chậu, đôi khi đau lưng hoặc đau bụng dưới.
- Thấy tử cung hoặc các thành âm đạo sa ra ngoài.
- Són tiểu (tiểu không kiểm soát), tiểu không hết.
- Táo bón, khó đi tiêu.
- Suy giảm chức năng tình dục.
Tùy thuộc vào vùng cơ quan bị sa, có thể phân loại sa sinh dục thành các dạng sau:
- Sa thành trước âm đạo (hay còn gọi là sa bàng quang)
- Sa thành sau âm đạo (hay còn gọi là sa trực tràng)
- Sa tử cung
- Sa vòm âm đạo
Người bệnh có thể bị sa cùng lúc nhiều thành phần.
Sa tạng vùng chậu được chẩn đoán bằng cách nào?
Khi đến khám, bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng đang gặp phải, có thể gợi ý đến các rối loạn chức năng sàn chậu. Bạn cần được khám âm đạo, trực tràng và có thể cần xét nghiệm kiểm tra hoạt động của bàng quang.
Một chẩn đoán phù hợp là chìa khóa của việc điều trị. Các quyết định điều trị sẽ được thảo luận với từng cá nhân người bệnh dựa vào: độ tuổi, mong muốn có con trong tương lai, hoạt động tình dục, mức độ sa, độ nặng của triệu chứng và các vấn đề sức khỏe khác.
Các phương pháp điều trị có thể lựa chọn hiện nay bao gồm: thay đổi lối sống, tập luyện, đặt vòng nâng âm đạo (pessary) hoặc phẫu thuật.
Tôi nên làm gì để dự phòng hoặc giảm các triệu chứng khó chịu?
Tập luyện cơ sàn chậu có tác dụng tăng cường sức mạnh của nhóm cơ này, giúp giảm nguy cơ sa sinh dục, làm chậm quá trình sa hoặc giảm độ nặng của các triệu chứng gây ra do rối loạn chức năng sàn chậu. Cách tập luyện như sau:
- Co thắt các cơ mà bạn dùng để ngăn dòng nước tiểu. Sự co thắt này sẽ kéo âm đạo và trực tràng lên trên và hướng ra sau.
- Co cơ giữ trong 3 giây sau đó thư giãn 3 giây.
- Thực hiện 10 co thắt mỗi lần và lặp lại 3 lần mỗi ngày.
- Sau mỗi tuần tập luyện, bạn tăng thời gian co cơ giữ lên 1 giây cho đến khi đạt được sự co cơ liên tục 10 giây.
Đảm bảo rằng bạn không co cơ bụng, đùi hoặc cơ mông và không nín thở trong lúc co cơ. Hãy duy trì nhịp thở ổn định trong quá trình tập.
Bên cạnh đó, một lối sống lành mạnh và chế độ ăn hợp lý rất có lợi với bệnh nhân sa tạng chậu. Chế độ ăn nhiều chất xơ giúp ngăn ngừa táo bón và cải thiện nhu động ruột. Bạn cũng nên tránh sử dụng rượu bia và các thức uống chứa caffein. Luyện tập bàng quang bằng cách lên kế hoạch đi tiểu vào các thời gian định trước cũng có ích với những phụ nữ có triệu chứng tiểu không kiểm soát. Với phụ nữ thừa cân hoặc béo phì, giảm cân giúp cải thiện các vấn đề sức khỏe cũng như các triệu chứng của sa tạng chậu.
Tham khảo: https://www.acog.org/womens-health/faqs/pelvic-support-problems
Chảy máu tử cung bất thường tuổi dậy thì là tên mà các bác sĩ sử dụng để mô tả khi có điều gì đó không ổn xảy ra với chu kỳ kinh nguyệt của một cô gái trong độ tuổi dậy thì (từ 10 đến 19 tuổi – theo WHO). Các bác sĩ đôi khi còn gọi là "chảy máu tử cung do rối loạn chức năng". Trong phần lớn trường hợp, chảy máu tử cung bất thường tuổi dậy thì không phải là điều đáng lo ngại.
Hội chứng buồng trứng đa nang là một rối loạn nội tiết và chuyển hóa toàn thân, đặc trưng bởi một vài hoặc nhiều triệu chứng như rậm lông, mụn trứng cá, hói đầu ở phụ nữ trưởng thành, rối loạn kinh nguyệt và buồng trứng đa nang. Hội chứng này ảnh hưởng đến khoảng 5-18% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng, có thể là do kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường sống. Sinh lý bệnh khá phức tạp, đến nay vẫn chưa được hiểu rõ. Hội chứng này gây nên nhiều vấn đề sức khỏe lâu dài cho người phụ nữ, đáng lưu ý là vô sinh và tăng nguy cơ bệnh tim mạch, đái tháo đường.
Teo âm đạo là khi thành âm đạo trở nên mỏng, khô và dễ bị viêm. Điều này xảy ra khi cơ thể bạn tạo ra ít estrogen hơn, chẳng hạn như thời kỳ trong và sau mãn kinh.
Xuất huyết giữa chu kỳ là hiện tượng chảy máu âm đạo giữa chu kỳ kinh nguyệt, thậm chí khi đang mang thai.
Vách ngăn âm đạo là một bất thường ở âm đạo: có một màng ngăn phân chia bên trong âm đạo. Phụ nữ có vách ngăn âm đạo có thể mắc các dị tật khác bên trong cơ thể bao gồm như dị tật về tử cung và buồng trứng, thận, hậu môn trực tràng…
Trước đây, thai bám sẹo mổ lấy thai là một bệnh hiếm gặp nhưng gây nên những hậu quả rất nặng nề cho người phụ nữ, thậm chí là mất khả năng sinh sản trong tương lai. Những năm gần đây, cùng với sự gia tăng tỉ lệ mổ lấy thai, số trường hợp bị thai bám sẹo mổ cũng tăng lên đáng kể. Áp dụng rộng rãi siêu âm ngả âm đạo để đánh giá các thai kỳ sớm đã góp phần giúp chẩn đoán sớm bệnh lý này, nhờ vậy giảm các rủi ro khi điều trị.