Ngày 08/11/2021

Mẹ và con gái cùng phòng tránh ung thư cổ tử cung

CNHS. Phạm Thu Hằng (tổng hợp)
P. Công tác xã hội

Bệnh lý ung thư cổ tử cung cũng như rất nhiều bệnh ung thư khác đã trở thành gánh nặng đối với tâm lý và kinh tế của rất nhiều gia đình. Là những người phụ nữ chắc hẳn chúng ta không khỏi những trăn trở và lo lắng là làm sao để bảo vệ bản thân cũng như gia đình mình trước những nguy cơ của bệnh lý ung thư cổ tử cung. Cuộc trò chuyện ngày hôm nay cùng với BS.CK2 Trần Thị Nhật Thiên Trang sẽ dành tặng riêng cho những người phụ nữ có con gái để chúng ta cùng hiểu rằng chúng ta sẽ bảo vệ bản thân cũng như bảo vệ đứa con gái thân yêu của chúng ta như thế nào trước bệnh nguy hiểm này.

Bác sĩ có thể giải thích tầm soát ung thư cổ tử cung chúng ta đã được thực hiện như thế nào và nó có gây đau đớn hay không? Và có mất nhiều thời gian không?

Ung thư cổ tử cung là ung thư đứng hàng thứ hai ở Việt Nam mình về ung thư phụ khoa và đã từ rất lâu rồi Bệnh viện Từ Dũ đã triển khai tư vấn cho tất cả chị em tới khám phụ khoa ý thức được tầm quan trọng của việc thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung này. Phương pháp này được thực hiện rất đơn giản. Khi khám phụ khoa, một trong những bước khám đó là quan sát cổ tử cung, như vậy nhân tiện khi quan sát thì bác sĩ sẽ thực hiện lấy mẫu một cách nhẹ nhàng. Thậm chí nhiều khi bác sĩ thực hiện lấy mẫu mà chị em mình không hay biết vì không có cảm giác gì khác biệt. Sau đó từ 1 đến 2 tuần sẽ có kết quả và chúng ta sẽ biết được là có vấn đề gì bất thường ở cổ tử cung hay không.

 

Thưa bác sĩ như vậy dựa trên nguyên lý nào mà bác sĩ có thể biết được rằng là phụ nữ này có bệnh lý tiền ung thư hay là có nhiễm HPV?

Trước đây tầm soát ung thư tử cung bằng phát hiện tế bào bất thường thôi, có nghĩa là sau khi mình quét lấy tế bào ở vùng cổ tử cung thì bác sĩ sẽ phết lên lam kính rồi chuyển về khoa giải phẫu bệnh. Trải qua nhiều khâu nhuộm, rồi đọc qua kính hiển vi thì sẽ xuất hiện được tế bào bất thường đã xuất hiện ở trên cổ tử cung. Những năm gần đây y học ngày càng tiến bộ thì người ta phát hiện sớm hơn ở mức độ thay đổi tế bào nữa, tức là bằng cách phát hiện những chủng vi rút HPV nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung. Đó là chủng 16, 18 và 12 chủng khác, nhờ vậy khả năng phát hiện vi rút HPV lên tới 92%. Khi phát hiện sớm được vi rút HPV rồi thì mình sẽ được soi cổ tử cung và khi soi bằng những kỹ thuật đặc biệt sẽ phát hiện có tế bào bất thường hay không.

Như vậy người phụ nữ khi đi khám thì có cần phải nói bác sĩ là tôi muốn làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung hay không hay là bác sĩ sẽ chỉ định người nào cần thực hiện?

Khi đi khám phụ khoa nếu chị em nào đã có tìm hiểu trước về tầm soát ung thư cổ tử cung thì sẽ đăng ký làm tầm soát ngay từ đầu. Ngoài ra Bệnh viện Từ Dũ có tổ chức tư vấn nhóm, hằng ngày sẽ mời chị em đến khám phụ khoa vào để tư vấn tầm quan trọng và cách thực hiện tầm soát. Sau khi lắng nghe và đã hiểu, nếu đồng ý thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung thì khi vào khám phụ khoa bác sĩ sẽ đồng thời thực hiện lấy mẫu.

 

Khi đến khám phụ khoa, nếu chị em phụ nữ muốn được tầm soát ung thư cổ tử cung thì cụ thể họ được làm những xét nghiệm gì?

Theo phác đồ của thế giới và Bộ Y tế Việt Nam đã cập nhật, triển khai và áp dụng trên toàn quốc:

Tùy theo lứa tuổi sẽ được lựa chọn các phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung.

         · Nhóm lứa tuổi từ 21 đến 24lựa chọn tầm soát ung thư cổ tử cung sẽ dùng xét nghiệm tế bào học tìm tế bào bất thường.

         ·  Nhóm tuổi 25 đến 29: có hai cái phương án, có thể tầm soát bằng xét nghiệm tế bào học hoặc làm xét nghiệm tìm vi rút HPV nguy cơ cao. Có thể lựa chọn một trong hai phương án.

         · Nhóm tuổi từ 30 trở lên: có thể tầm soát bằng xét nghiệm tế bào học hoặc làm xét nghiệm tìm vi rút HPV nguy cơ cao. Có thể lựa chọn một trong hai phương án hoặc làm cả hai. Với lứa tuổi này khi đi khám thì bác sĩ hay khuyên là nên làm luôn cả hai phương án.

Tùy theo mình lựa chọn các phương án tầm soát:

         · Nếu kết quả tầm soát bằng tế bào học âm tính: 2 năm làm lại

         · Nếu xét nghiệm tầm soát HPV nguy cơ cao âm tính: 3 năm làm lại

         · Đối với nhóm từ 30 tuổi trở lên mà lựa chọn làm cả hai phương án và đề cho kết quả âm tính: 5 năm làm lại.

 

Bác sĩ có thể cho lời khuyên nào cho những người phụ nữ mà có con gái để các em, các cháu rồi tương lai sẽ làm mẹ, làm vợ cũng sẽ biết tự bảo vệ mình trước nguy cơ này?

1. Chích ngừa HPV. Đây là bước dự phòng còn sớm nhất.

Hiện tại trên thị trường Việt Nam có hai loại thuốc ngừa HPV: loại ngừa 4 hiệu giá và loại ngừa 2 hiệu giá. Cả hai đều có ngừa chủng HPV 16, 18 (là hai chủng gây nguy cơ ung thư cao nhất trong các nhóm HPV).

Bộ Y tế hiện cho phép chích ngừa cho bé gái từ 9 tuổi cho đến phụ nữ trưởng thành 26 tuổi. Hiệu quả cao nhất là chích trước lần quan hệ tình dục đầu tiên. Tuy nhiên nếu mình đã có gia đình rồi vẫn chích được và mình mình vẫn phòng ngừa được.

2. Song song với việc chích ngừa HPV, chúng ta vẫn phối hợp thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung. Thuốc chích ngừa phòng ngừa chính là chủng 16, 18 nhưng ngoài ra còn 12 chủng khác nữa mặc dù 12 chủng này có tỷ lệ thấp hơn nhưng vẫn có khả năng xảy ra.

Như vậy, nếu vừa được tiêm ngừa và vừa được thực hiện tầm soát ung đúng thì mình có thể bảo vệ được trước có nguy cơ ung thư cổ tử cung.

Phụ nữ ngoài chuyện chăm sóc gia đình, sự nghiệp thì vẫn phải quan tâm tới sức khỏe của bản thân và thế hệ con cái mình nữa nhất là các bé gái. Nếu có những kiến thức đầy đủ về bệnh lý ung thư cổ tử cung thì các mẹ nên cho con gái mình chích ngừa khi đến tuổi và khám phụ khoa để thực hiện tầm soát phù hợp để có thể bảo vệ bản thân mình và bảo vệ con mình gần như là hoàn toàn đối với bệnh lý ung thư cổ tử cung.

Video clip: MẸ VÀ CON GÁI CÙNG PHÒNG TRÁNH UNG THƯ CỔ TỬ CUNG - Bệnh viện Từ Dũ

CN. Phạm Thu Hằng

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ