Nên ăn gì sau mổ phụ khoa – có thể bạn chưa biết
Bs Lê Đàm Vân
Khoa Hậu Phẫu
Để vượt qua được cuộc phẫu thuật mất rất nhiều máu , dịch thể, stress..., người bệnh rất cần một chế độ dinh dưỡng thật tốt, thật hợp lý để cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng cho vết mổ nhanh liền, chống nhiễm khuẩn và nhanh hồi sức.
Các giai đoạn chuyển hóa sau phẫu thuật
Giai đoạn đầu: từ ngày 1 – 2 Sau mổ
Ở giai đoạn này, do vẫn còn ảnh hưởng của thuốc mê nên nhiệt độ cơ thể tăng, quá trình chuyển hóa cần nhiều nitơ, kali, làm cân bằng nitơ, kali âm tính dẫn đến liệt ruột, bệnh nhân cảm thấy rất mệt mỏi và bị trướng hơi.
Giai đoạn giữa: từ ngày 3 – 5 sau mổ.
Thông thường đến thời điểm này nhu động ruột đã hoạt động bình thường trở lại, bệnh nhân đã có thể trung tiện. Bệnh nhân tỉnh táo hơn, có cảm giác đói nhưng vẫn chưa muốn ăn.
Giai đoạn hồi phục: từ ngày 6 sau mổ
Đến giai đoạn này bệnh nhân đã có thể đại, tiểu tiện bình thường, hàm lượng kali máu dần trở lại bình thường. Vết mổ đã khô và liền. Bệnh nhân có cảm giác đói, người nhà có thể cho họ ăn tăng lượng để phục hồi dinh dưỡng nhanh.
Người nhà bệnh nhân cần được chỉ dẫn để biết cách chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật cho đúng và đảm bảo dinh dưỡng
Để bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý và hiệu quả, cần phải cho bệnh nhân ăn theo đúng sinh lý chuyển hóa sau phẫu thuật.
Chế độ dinh dưỡng sau mổ
Trừ một số trường hợp có tổn thương hệ tiêu hóa (phẫu thuật viên sẽ có chỉ định chế độ dinh dưỡng đặc biệt ), các bệnh nhân sau mổ phụ khoa có chế độ ăn như sau:
Giai đoạn đầu
Trước đây, ở giai đoạn đầu sau khi phẫu thuật, bệnh nhân phải trung tiện được thì mới bắt đầu cho ăn qua đường tiêu hóa. Hiện nay, các chuyên gia đã chứng minh rằng việc cho bệnh nhân ăn muộn là không có lợi. Đời sống của tế bào ruột khá ngắn, khoảng hơn 24 giờ, vì thế, nếu đường ruột không được ăn sớm thì các tế bào này sẽ có thể bị hoại tử và hệ vi khuẩn đường ruột sẽ thẩm lậu qua ruột vào máu. Các nhà khoa học đã tiến hành việc nuôi dưỡng sớm bằng đường tiêu hoá ngay từ ngày đầu tiên, thậm chí giờ thứ 8 sau phẫu thuật và kết quả mang lại rất tốt. Tuy nhiên ở giai đoạn này bạn nên cho ăn cháo loãng, có thể uống thêm nước luộc rau, nước quả, khi bệnh nhân có trung tiện trở lại có thể cho ăn đặc dần.
Sau mổ 8 tiếng có thể cho bệnh nhân ăn cháo loãng
Giai đoạn giữa
Cho bệnh nhân ăn tăng dần và giảm dần truyền tĩnh mạch. Khẩu phần ăn tăng dần lượng protein và năng lượng, thức ăn cũng cần được chế biến mềm và đặc dần. Bắt đầu từ 500 kcal và 30g protein, sau đó cứ 1-2 ngày tăng thêm 250-500Kcal cho đến khi đạt 2.000Kcal/ngày. Cho người bệnh ăn làm nhiều bữa nhỏ (4 – 6 bữa) vì họ còn đang chán ăn, cùng với đó cũng cần động viên bệnh nhân ăn. Có thể dùng nước thịt ép khi bệnh nhân không dùng được sữa. Dùng các loại thức ăn có nhiều vitamin B, C, PP như nước cam, chanh…
Giai đoạn hồi phục
Thịt bò xào đậu Hà Lan là một món ăn nhiều dinh dưỡng cho bệnh nhân trong giai đoạn hồi phục sau phẫu thuật.
Giai đoạn này vết mổ đã liền, bệnh nhân đã đỡ đau và vận động được nhẹ nhàng, do đó, chế độ ăn cần cung cấp đầy đủ năng lượng và protein để bồi bổ thể trọng và vết thương được mau lành. Protein có thể tới 120-150g/ngày và năng lượng có thể tới 2.500-3.000 kcal/ngày. Lượng dưỡng chất này phải được chia thành nhiều bữa trong ngày (5 – 6 bữa hoặc hơn). Thức ăn cần được chế biến mềm, dễ tiêu.
Tăng cường cho bệnh nhân ăn các món chứa nhiều đạm như sữa, trứng, thịt, cá, sữa chua, phô mai,... các món chứa nhiều vitamin và khoáng chất như trái cây (cam, bưởi, chanh, dâu tây, kiwi...) rau xanh, đậu đỗ, cà rốt, đu đủ, bí đỏ, khoai lang… để tránh táo bón, giúp nhanh lành vết mổ, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ.
Bên cạnh đó cũng nên uống 2-3 lít nước mỗi ngày để bù lại lượng nước đã mất và giúp bài trừ hết độc tố của thuốc men ra khỏi cơ thể.
Một số người quan niệm, sau mổ nếu ăn thịt chim, thịt gà thì vết mổ mưng mủ, ngứa, nhức; ăn hải sản, rau muống sẽ bị sẹo lồi; ăn thịt bò sẹo sẽ bị thâm; ăn trứng vết sẹo bị loang màu… Đây là quan điểm sai lầm. Cho đến nay chưa có một công trình khoa học nào chứng minh rằng, các loại thực phẩm như thịt bò, thịt gà, hải sản… là nguyên nhân gây sẹo lồi, ngứa, vết mổ thâm , loang màu,..Tùy theo cơ địa của mỗi người mà quá trình liền sẹo sẽ khác nhau, tuy nhiên nếu kiêng khem quá mức sẽ làm cơ thể suy kiệt không đủ sức đề kháng để lành vết thương, hồi phục sức khỏe, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng hậu phẫu.
Nên ăn thực phẩm thô vì chúng chưa mất các khoáng chất, vitamin cũng như chất xơ.
Ngoài cung cấp chế độ dinh dưỡng phong phú, đủ chất thì việc giữ gìn vệ sinh cá nhân cũng như giữ cho vết thương luôn khô, sạch sẽ sẽ giúp quá trình hồi phục sức khỏe và sự lành vết thương diễn ra nhanh chóng hơn.
Dinh dưỡng trong thời kỳ hậu phẫu là vô cùng quan trọng và cần thiết. Cần phải cho bệnh nhân ăn sớm, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, thức ăn mềm dễ tiêu, bù đủ nước để giúp người bệnh hồi phục sức khỏe nhanh chóng. Hy vọng với bài viết trên bạn sẽ có những thông tin cần thiết để xây dựng chế độ ăn uống thích hợp cho mình.
Tài liệu tham khảo :
- WHO EMRO | Dietary management of surgical patients: effects on ...
- http://www.espen.org/files/ESPEN-guideline_Clinical-nutrition-in-surgery.pdf
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4922283/
- Postoperative nutrition practices in abdominal surgery patients in a tertiary referral hospital Intensive Care Unit: A prospective analysis
- http://viendinhduong.vn/vi/dinh-duong-tiet-che/dinh-duong-trong-cac-benh-ngoai-khoa.html
- http://bsdinhduong.vn/che-do-dinh-duong-trong-thoi-ky-hau-phau.html
Chảy máu tử cung bất thường tuổi dậy thì là tên mà các bác sĩ sử dụng để mô tả khi có điều gì đó không ổn xảy ra với chu kỳ kinh nguyệt của một cô gái trong độ tuổi dậy thì (từ 10 đến 19 tuổi – theo WHO). Các bác sĩ đôi khi còn gọi là "chảy máu tử cung do rối loạn chức năng". Trong phần lớn trường hợp, chảy máu tử cung bất thường tuổi dậy thì không phải là điều đáng lo ngại.
Hội chứng buồng trứng đa nang là một rối loạn nội tiết và chuyển hóa toàn thân, đặc trưng bởi một vài hoặc nhiều triệu chứng như rậm lông, mụn trứng cá, hói đầu ở phụ nữ trưởng thành, rối loạn kinh nguyệt và buồng trứng đa nang. Hội chứng này ảnh hưởng đến khoảng 5-18% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng, có thể là do kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường sống. Sinh lý bệnh khá phức tạp, đến nay vẫn chưa được hiểu rõ. Hội chứng này gây nên nhiều vấn đề sức khỏe lâu dài cho người phụ nữ, đáng lưu ý là vô sinh và tăng nguy cơ bệnh tim mạch, đái tháo đường.
Teo âm đạo là khi thành âm đạo trở nên mỏng, khô và dễ bị viêm. Điều này xảy ra khi cơ thể bạn tạo ra ít estrogen hơn, chẳng hạn như thời kỳ trong và sau mãn kinh.
Xuất huyết giữa chu kỳ là hiện tượng chảy máu âm đạo giữa chu kỳ kinh nguyệt, thậm chí khi đang mang thai.
Vách ngăn âm đạo là một bất thường ở âm đạo: có một màng ngăn phân chia bên trong âm đạo. Phụ nữ có vách ngăn âm đạo có thể mắc các dị tật khác bên trong cơ thể bao gồm như dị tật về tử cung và buồng trứng, thận, hậu môn trực tràng…
Trước đây, thai bám sẹo mổ lấy thai là một bệnh hiếm gặp nhưng gây nên những hậu quả rất nặng nề cho người phụ nữ, thậm chí là mất khả năng sinh sản trong tương lai. Những năm gần đây, cùng với sự gia tăng tỉ lệ mổ lấy thai, số trường hợp bị thai bám sẹo mổ cũng tăng lên đáng kể. Áp dụng rộng rãi siêu âm ngả âm đạo để đánh giá các thai kỳ sớm đã góp phần giúp chẩn đoán sớm bệnh lý này, nhờ vậy giảm các rủi ro khi điều trị.