Ngày 15/10/2018

Những điều cần biết khi mắc bệnh thai trứng

    height: 100px; width: 100px;
    Ths. Bs. Nguyễn Hoàng Lam
    Khoa Ung Bướu Phụ Khoa

     

     

    Chẩn đoán

    Thai trứng là tình trạng thụ tinh bất thường, trong đó các tế bào của nhau thai sẽ thoái hóa thành những bọc nước. Sự thoái hóa có thể chỉ một phần gọi là thai trứng bán phần, hoặc thoái hóa tất cả các tế bào của nhau thai gọi là thai trứng toàn phần.

    Khi bác sĩ chẩn đoán bệnh thai trứng sẽ phân loại nguy cơ thấp hay nguy cơ cao. Nguy cơ ở đây có nghĩa là khả năng có thể phát triển thành ung thư nguyên bào nuôi (tức là ung thư các tế bào nhau thai). Nguy cơ diễn tiến thành ung thư nguyên bào nuôi sau thai trứng có thể từ 5 - 20%.

    Điều trị

    Sau khi được chẩn đoán và phân loại thai trứng, người bệnh sẽ được làm thủ thuật hút lòng tử cung để lấy mô thai ra khỏi tử cung. Mô thai này được gửi xét nghiệm mô học để chẩn đoán xác định có đúng là bệnh thai trứng hay không.

    Đối với thai trứng nguy cơ cao, tùy trường hợp người bệnh có thể được hóa dự phòng Methotrexate để giảm tỉ lệ diễn tiến thành ung thư.

    Người bệnh trên 40 tuổi, đủ con hoặc không muốn sanh con nữa, có thể cắt tử cung để hạn chế và phòng ngừa bệnh diễn tiến thành ung thư.

     

     

    Theo dõi

    Khi đã được xác định là thai trứng, người bệnh sẽ được theo dõi mỗi 1-2 tuần bằng cách khám lâm sàng, kiểm tra Beta-hCG trong máu, có thể siêu âm bụng nếu cần thiết. Người bệnh đã cắt tử cung cũng theo dõi như trên. Sự theo dõi này giúp phát hiện sớm những trường hợp chuyển biến thành ung thư để đưa vào điều trị kịp thời. Nếu không theo dõi và không phát hiện kịp thời, tế bào ung thư có thể di căn xuống âm đạo, lên phổi, gan, não,... và có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Trong quá trình theo dõi, người bệnh mà còn tử cung thì phải ngừa thai cẩn thận, có thể dùng bao cao su hoặc thuốc tránh thai kết hợp. Nếu có thai lại sẽ rất khó khăn cho quá trình theo dõi vì không thể phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm.

    Người bệnh sẽ được xuất viện khi Beta hCG trong máu trở về bình thường (< 5 mUI/l) 3 lần liên tiếp cách nhau mỗi tuần hoặc 2 lần liên tiếp cách nhau 2 tuần. Sau khi xuất viện, người bệnh sẽ tiếp tục được theo dõi định kỳ trong 6 tháng (đối với thai trứng nguy cơ thấp) và trong 12 tháng (đối với thai trứng nguy cơ cao). Sau thời gian theo dõi này thì có thể mang thai lại. Khi có thai trở lại, việc khám thai sớm để xem xét có bị thai trứng lặp lại hay không là điều hết sức cần thiết.

    ThS. BS. Nguyễn Hoàng Lam

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ