Ngày 02/08/2021

Rong kinh - cường kinh

    ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

    Phòng Công tác xã hội

    Rong kinh-cường kinh là tình trạng khi người phụ nữ bị ra huyết quá nhiều và/hoặc kéo dài ở mỗi chu kỳ kinh. Đây là lý do thường gặp khiến người bệnh đi khám phụ khoa. Rong-cường kinh là một bất thường gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người phụ nữ. Bên cạnh đó, nó cũng có thể là một dấu hiện cho thấy bạn đang có một vấn đề bệnh lý phụ khoa nghiêm trọng. Nếu bạn lo ngại rằng mình đang có chu kỳ kinh ra máu quá nhiều, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra.

    Dấu hiệu nào cho thấy bạn có triệu chứng rong-cường kinh?

    Rong-cường kinh có thể có biểu hiện sau:

    • Ra huyết kéo dài trên 7 ngày.
    • Ra huyết thấm hết 1 băng vệ sinh hoặc nhiều hơn trong vòng 1 giờ trong vài giờ liên tiếp.
    • Cần thay băng vệ sinh trong đêm.
    • Ra huyết có cục máu đông lớn hơn ¼ kích thước băng vệ sinh.

    Cường kinh gây ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

    Hình minh họa - nguồn internet

    Cường kinh có thể là dấu hiện của một bệnh lý cần được điều trị. Bên cạnh đó, cường kinh sẽ khiến bạn mất nhiều máu dẫn đến tình trạng thiếu máu thiếu sắt. Thiếu máu nặng có thể gây khó thở và tăng nguy cơ bệnh tim mạch.

    Các nguyên nhân gây rong-cường kinh:

    - U xơ tử cung hoặc Polyp lòng tử cung.

    - Lạc nội mạc trong cơ tử cung.

    - Rối loạn rụng trứng: thường gặp ở tuổi dậy thì, tiền mãn kinh hoặc ở bệnh nhân có hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hoặc nhược giáp.

    - Ung thư: cường kinh có thể gặp ở những bệnh nhân ung thư nội mạc tử cung.

    - Rối loạn chức năng đông cầm máu

    - Do thuốc: các loại thuốc chống đông máu hoặc aspirin có thể khiến máu khó cầm dẫn đến tình trạng cường kinh.

    - Các nguyên nhân khác ít gặp hơn như viêm nội mạc tử cung, viêm vùng chậu. Sảy thai hoặc thai ngoài tử cung cũng có thể gây ra huyết bất thường giống rong kinh. Đôi khi không tìm được nguyên nhân.

    Các yếu tố cần được đánh giá ở bệnh nhân cường kinh:

    • Các bệnh lý nền của người bệnh
    • Tiền căn thủ thuật, phẫu thuật trước đây
    • Tiền căn sinh sản
    • Các loại thuốc đang sử dụng
    • Phương pháp ngừa thai đang áp dụng
    • Tính chất chu kỳ kinh

    Xét nghiệm cần làm để đánh giá bệnh nhân cường kinh:

    Tùy tính chất bệnh lý của từng người bệnh, có thể cần làm các xét nghiệm sau:

    - Thử thai (định lượng HCG): ra huyết nhiều hoặc kéo dài có thể là một dấu hiệu của sảy thai hoặc thai ngoài tử cung. Do đó cần loại trừ có thai trước khi nghĩ đến nguyên nhân phụ khoa khác.

    - Siêu âm phụ khoa: giúp đánh giá cấu trúc vùng chậu. Các bất thường như nội mạc tử cung dày, polyp, u xơ tử cung, lạc nội mạc trong cơ cử cung, hình ảnh buồng trứng đa nang … có thể phát hiện được thông qua siêu âm.

    - Siêu âm bơm dịch lòng tử cung: Siêu âm kết hợp với bơm dịch vào lòng tử cung sẽ giúp đánh giá kỹ hơn các bất thường bên trong lòng tử cung.

    - Nội soi buồng tử cung: Một ống soi nhỏ đưa qua cổ tử cung giúp đánh giá cấu trúc bên trong lòng tử cung.

    - Sinh thiết nội mạc tử cung: Mẫu tế bào nội mạc tử cung được lấy và quan sát dưới kính hiển vi nhằm phát hiện ra các tế bào lạ như ung thư.

    - MRI: đánh giá các cấu trúc vùng chậu.

    - Các xét nghiệm máu như tổng phân tích tế bào máu, xét nghiệm đông máu, định lượng nội tiết được cân nhắc thực hiện nhằm đánh giá mức độ thiếu máu, rối loạn đông máu hoặc rối loạn rụng trứng.

    Các loại thuốc điều trị cường kinh

    - Hormone: Thuốc ngừa thai chứa nội tiết có thể giúp giảm lượng máu kinh ở những trường hợp cường kinh do rối loạn phóng noãn, PCOS, lạc nội mạc trong cơ tử cung hoặc u xơ tử cung. Liệu pháp hormone thường được áp dụng cho những bệnh nhân tiền mãn kinh. Dụng cụ tử cung chứa nội tiết cũng là một lựa chọn để điều trị cường kinh.

    - Đồng vận GnRH: Loại thuốc này có tác dụng làm ngưng ra kinh và giảm kích thước khối u xơ tử cung. Tuy nhiên tác dụng này là tạm thời. Khi bạn ngừng thuốc, triệu chứng ra huyết và kích thước khối u sẽ sẽ quay trở lại như cũ. Do các tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc, thuốc chỉ được khuyến cáo dùng ngắn hạn (ít hơn 6 tháng)

    - Tranexamic acid: thuốc có tác dụng cầm máu.

    - NSAIDs: có tác dụng kiểm soát chảy máu và giảm đau bụng kinh.

    Các phương pháp phẫu thuật điều trị cường kinh:

    - Bóc u xơ tử cung hoặc nội soi buồng tử cung cắt bỏ khối u xơ hoặc polyp: được áp dụng để điều trị cường kinh do polyp hoặc u xơ tử cung.

    - Thuyên tắc động mạch tử cung: sử dụng để điều trị u xơ tử cung và cường kinh do u xơ tử cung.

    - Đốt nội mạc tử cung: Phẫu thuật này sẽ phá hủy lớp nội mạc tử cung dẫn đến dừng hành kinh hoặc giảm lượng máu kinh. Phương pháp này giúp bảo tồn tử cung tuy nhiên không bảo tồn chức năng sinh sản. Rất khó để thụ thai sau khi thực hiện phẫu thuật này.

    - Cắt tử cung: Khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả và bệnh nhân không muốn duy trì chức năng sinh sản, có thể xem xét đến phẫu thuật cắt tử cung.

     

    Tham khảo:

    https://www.acog.org/womens-health/faqs/heavy-menstrual-bleeding

    ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ