Ngày 24/04/2018

Thai trứng xâm lấn

    Ths. Bs. Nguyễn Hoàng Lam

    Khoa Ung Bướu Phụ Khoa

     

    Thai trứng là gì?

    Thai nhi bình thường sẽ do 1 noãn bình thường kết hợp với 1 tinh trùng bình thường tạo nên. Thai trứng được tạo ra từ:

    -  1 noãn bất thường (noãn không có nhân hoặc nhân không hoạt động) thụ tinh với 1 hoặc 2 tinh trùng cùng lúc (thai trứng toàn phần).

    - 1 noãn bình thường thụ tinh với 2 tinh trùng cùng lúc hoặc 1 tinh trùng tự nhân đôi (thai trứng bán phần).

    Trong thai trứng các tế bào nhau thai sẽ phù nề, thoái hóa thành những bọc nước, kích thước từ 1mm đến vài chục mm (1-30mm).

    Thai trứng xâm lấn là gì?

    Thông thường, mô thai trứng sẽ nằm trong lòng tử cung và được xem là lành tính. Tuy nhiên, có khoảng 5-10% trường hợp mô thai trứng sẽ ăn lấn vào trong cơ tử cung gọi là thai trứng xâm lấn và được xem là bệnh ác tính. Biến chứng của bệnh này là thai trứng sẽ ăn thủng tử cung gây chảy máu trong ổ bụng hoặc sẽ di căn xa tạo thành những khối u ác tính. Những nơi mô thai trứng thường di căn đến là âm đạo, phổi,...

    Điều trị thai trứng xâm lấn như thế nào?

    Nguyên tắc chung là lấy tối đa mô trứng ra khỏi cơ thể, sau đó kết hợp với điều trị hóa chất để diệt trừ mô thai trứng có tính chất ác tính.

    Việc lấy mô trứng ra khỏi cơ thể có thể dùng thủ thuật hút lòng tử cung hoặc phẫu thuật xẻ cơ tử cung để lấy khối mô trứng đối với các trường hợp còn nhu cầu sinh con, được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm. Phẫu thuật cắt tử cung được chỉ định nếu bệnh nhân đã lớn tuổi (≥ 40 tuổi) và đủ con (có ≥ 2 con); hoặc các biến chứng ăn lấn rộng vào tử cung gây chảy máu nặng; hoặc điều trị hóa chất không hiệu quả.

    Hóa chất sử dụng đầu tiên thông thường là Methotrexate kết hợp Folinic Acid. Nếu hóa chất này bị kháng thuốc trong quá trình trị liệu sẽ chuyển sang kết hợp nhiều loại hóa chất với nhau như các thuốc EMA-CO, EMA-EP,...

    Thai trứng xâm lấn là bệnh ác tính, được điều trị như bệnh lý ung thư, người bệnh cần trở lại bệnh viện nhiều lần để hoàn tất quá trình điều trị. Bệnh nhân sẽ được xuất viện khi xét nghiệm beta hCG trong máu trở về bình thường. Sau xuất viện bệnh nhân cần theo dõi định kỳ beta hCG ít nhất 1 năm sau đó để phát hiện sớm các trường hợp tái phát hoặc di căn xa.

     Bệnh tái phát hoặc di căn xa có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy việc tuân thủ điều trị và theo dõi sau điều trị đối với bệnh nhân thai trứng xâm lấn là hết sức cần thiết. 

    Tài liệu tham khảo:

    1. Gestational trophoblastic disease: Pathology, Rebecca NBaergen, MD, UpToDate , Mar 19, 2017.
    2. Gestational trophoblastic neoplasia: Epidemiology, clinical features, diagnosis, staging, and risk stratification – UpToDate , Ross S
    Berkowitz, MD, Sep 07, 2017

     

    Ths. Bs. Nguyễn Hoàng Lam

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ