Ngày 09/12/2009

16 ngày hành động chống bạo hành nữ giới trên toàn thế giới

     (ngày 25 tháng 11 đến ngày 10 tháng 12 hàng năm)

    Ths. Bs Ngô Thị Yên
      Khoa KHGĐ - BV Từ Dũ

    Vấn đề bạo hành giới ở các xã hội khác nhau biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể chỉ là những lời nói  nhục mạ hay hành vi làm tổn thương cơ thể của những người trong gia đình đến việc gả ép hôn nhân hay các hành động gây tổn hại khác.

    Theo báo cáo của Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, tất cả các dạng bạo hành phụ nữ đều là những xâm phạm nhân quyền không chấp nhận được và những kiểu bạo hành này góp phần cản trở việc thực hiện công bằng giới.

    Vì vậy, tổ chức Liên Hiệp Quốc chọn ngày 25/11 là ngày Quốc tế Chống Bạo hành Phụ nữ (vì ngày 25/11/1960, ba  nhà hoạt động nữ giới bị sát hại theo lệnh của nhà độc tài Rafuel Trujillo của Cộng hòa Dominica). Năm 1999, Tổ chức Liên  Hiệp Quốc đã bắt đầu kỷ niệm ngày 25/11 và tính đến nay đã tròn 10 năm.

    Và ngày 10 tháng 12 là ngày Quốc  tế về Quyền Con người. Kết nối hai ngày này với ý nghĩa là bạo hành phụ nữ cũng là một hành động xâm phạm quyền con người.

    Đây là một chiến dịch quốc tế kêu gọi nỗ lực của các quốc gia trong việc chấm dứt mọi hình thức bạo hành phụ nữ  và trẻ em gái.

    Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) phối hợp với các tổ chức nhân quyền khác trên thế giới kêu gọi mọi người quan tâm đến vấn đề bạo hành phụ nữ, một hành động xâm phạm nhân quyền sâu sắc và phổ biến nhiều nơi.

    Chiến dịch năm nay kêu gọi hành động vượt qua các thách thức và trở ngại nhằm đạt được những kết quả lâu dài trong cuộc chiến chống bạo hành phụ nữ.

    Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc đóng vai trò điều hành vấn đề quan trọng này với các chính phủ và giúp họ đề ra các chiến lược hành động quốc gia.

    Chiến dịch 16 ngày được các quốc gia, hội đoàn tổ chức thực hiện theo cách riêng của họ nhằm chấm dứt mọi hình thức bạo hành phụ nữ, thông qua việc: 

    - Nâng cao nhận thức về bạo hành giới, là vấn đề nhân quyền ở các cấp độ địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế.

    - Tăng cường các hoạt động chống bạo hành phụ nữ.

    - Thiết lập mối liên hệ rõ ràng giữa các hoạt động địa phương và quốc tế để chấm dứt bạo hành phụ nữ.

    - Tạo diễn đàn chia sẻ các chính sách mới và hiệu quả.

    - Thể hiện sự đoàn kết của phụ nữ trên toàn thế giới chống bạo hành giới. 

    - Yêu cầu chính phủ cam kết việc hành động chống bạo hành phụ nữ.

    Từ năm 1991 đến nay, khoảng 1.700 tổ chức ở 130 quốc gia đã tham gia Chiến dịch hàng năm - 16 ngày Chống bạo hành phụ nữ này!

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ