Ngày 09/05/2018

Ai có nguy cơ bị thuyên tắc ối?

    Thuyên tắc ối là tình trạng có xâm nhập của nước ối vào trong mạch máu người mẹ, gây ra hàng loạt các biến đổi nguy hại có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong cho sản phụ. 

    Bác sĩ (BS) Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Từ Dũ TP.HCM, cho biết thuyên tắc ối (TTO) là tình trạng có xâm nhập của nước ối vào trong mạch máu người mẹ, gây ra hàng loạt các biến đổi nguy hại có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong cho sản phụ. 

    Theo các chứng cứ y học hiện nay, hội chứng TTO (Amniotic Fluid Embolism Syndrome) là một dạng của hội chứng phản vệ thai ky (Anaphylactoid syndrome of pregnancy), biểu hiện là sản phụ có các triệu chứng của sốc phản vệ xảy ra lien quan đền có thai.
    Thuật ngữ TTO đã có từ rất lâu, cụm từ này nêu lên tính chất tối khẩn, các bác sĩ sản khoa phải có các can thiệp tức thì và phải gọi hỗ trợ nhanh nhất có thể của các chuyên khoa khác. Vì vậy đến nay thuật ngữ TTO vẫn còn được sử dụng, dù các triệu chứng của hội chứng phản vệ thai kỳ có thể xảy ra không do nước ối, mà có thể do cục máu đông. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ sản phụ nào, tại bất kỳ cơ sở y tế nào, cho dù ngay tại cơ sở y tế tốt nhất.

    Theo các BS Nhi, quan trọng nhất là làm sao để nhận biết được sớm nhất để cấp cứu, xử lý tốt để cứu sống người bệnh; kịp thời thông báo cho thân nhân bệnh nhân biết thông tin sản phụ đang nguy kịch vì TTO cũng như cần than nhân phối hợp với các BS trong một số các quyết định điều trị

    Dấu hiệu nhận biết thuyên tắc ối

    BS CK.II Hồng Công Danh, Trưởng Khoa Gây mê hồi sức BV Từ Dũ, cho biết khi một sản phụ đột ngột tím tái, phản xạ đầu tiên của các BS trong chẩn đoán là có thể sản phụ bị TTO. Thường ngay sau tím tái sản phụ sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng trụy tim mạch, ngừng tim, ngừng thở, rối loạn máu chảy không cầm máu, và thai nhi thì có nguy cơ bị ngạt cấp tính… khi đó các BS bắt buộc phải ấn tim, xoa bóp tim ngoài lồng ngực giúp tim đẩy máu đi để cung cấp ô xy nuôi các cơ quan quí như não tim thận, phổi, gan… đồng thời cho thuốc duy trì và nâng đở tình trạng tim mạch, truyền máu, rồi bằng cách nào đó đem thai nhi ra khỏi cơ thể mẹ nhanh nhát có thể… thì mới có hy vọng cứu sống được bệnh nhân.
    Có ba nguy cơ diễn tiến rất xấu mà sản phụ bị TTO gặp phải nếu nhận định không đúng thời điểm và cấp cứu không kịp:

    Thứ nhất, khi TTO xảy ra sẽ dẫn đến ngưng hoạt động tim phổi, kèm theo rối loạn đông máu, mất máu ồ ạt… dẫn đến thiếu oxy toàn thân, nếu não thiếu ô xy trên 5 phút, thì dù sau đó có được cứu sống sản phụ sẽ có đời sống thực vật.

    Thứ 2, do rối loạn đông máu, máu mất quá nhiều , nếu không truyền bù máu kịp thì sẽ xảy ra sốc giảm thể tích tuần hoàn (sốc do mất máu) đưa đến suy gan, thận... và sẽ phải lọc thận, lọc máu, hoặc chạy tuần hoàn hoàn ngoài cơ thể (ECMO).

    Thứ 3, truyền bù máu và dịch với khối lượng lớn để duy trì thể tích tuần hoàn, để bảo vệ các cơ quan quí trong cơ thể cho các sản phụ bị trụy tim mạch… nhưng có thể dẫn đến tình trạng phù phổi cấp.

    “TTO trong sản khoa, luôn diễn tiến rất bất ngờ, 50% từ vong do suy hô hấp, trụy tuần hoàn, rối loạn đông máu, dẫn đến chảy máu không cầm được. Do vậy, để cứu người bệnh thì phải cố gắng nhận diện ra TTO sớm nhất có thể , để kịp thời hồi sức cấp cứu tích cực, và phát lệnh kích hoạt hệ thống báo động đỏ nội - liên viện, để huy động các nguồn lực từ các chuyên khoa khác nhau, để cứu sống người bệnh”, BS Danh cho biết.

    Tử vong xảy ra đột ngột khi mọi thứ đều đúng quy trình

    Bác sĩ Nhi tâm sự, TTO gây cho bệnh nhân tử vong trong tích tắc, bác sĩ rất sợ và ám ảnh. Bởi khi mà mọi thứ đều đang rất bình thường, đúng phát đồ và quy trình theo dõi, đột ngột xảy ra sự cố tử vong thì người ta chỉ còn nghĩ là TTO. Vì chẩn đoán chính xác nhất của TTO là tử thiết có chất gây, lông măng trong nước ối tại các cơ quan xa tử cung. Nhưng thường ít gia đình nào chịu cho làm tử thiết nên chì còn kết luận là TTO”, BS Nhi nói.

    Theo BSCKI Phạm Thanh Hải, Trưởng Phòng kế hoạch tổng hợp, BV Từ Dũ, TTO là bệnh lý xảy ra đột ngột, là bệnh hiếm nên rất khó để có được bằng chứng chính xác yếu tố nguy cơ TTO cho từng sản phụ. Tuy nhiên, có một số yếu tố được xem là nguy cơ của TTO: sản phụ lớn tuổi, sinh nhiều con, đột ngột vỡ ối, có chấn thương trong quá trình mang thai, thai phụ có nhau tiền đạo, đa ối, con to cũng có nguy cơ TTO, và cả thai phụ có thai kỳ bình thường, không bị bệnh tim mạch trước đó, nhưng khi sinh vẫn có nguy cơ TTO…

    Cũng cần lưu ý thêm, ngoài TTP thì còn có thuyên tắc mạch, bệnh lý cũng có thể xảy ra trên thai phụ gần sinh, ít vận động, hay nằm hoặc ngồi nhiều, do lo sợ sinh non, vỡ ối...

    “Nguyên tắc chung là cần quản lý thai kỳ tốt, để tìm ra các thai kỳ nguy cơ, và phải quản lý thai kỳ nguy cơ đó tốt, nhằm khuyến cáo các thai phụ sinh ở những cơ sở y tế phù hợp tình trạng thai kỳ của mình”, BS Hải nói.

    Còn với các nhân viên y tế đang làm trong chuyên ngành sản khoa, cần phát hiện sớm những bất thường trên phụ nữ có thai: triệu chứng đột ngột tím tái, ngưng tim, ngưng thở và chảy máu bất thường. 
    Ban hành quy trình cấp cứu thuyên tắc ối

    Tháng 2.2018, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành quy trình cấp TTO. Quy trình này do các chuyên gia từ BV Từ Dũ, Hùng Vương và Nhân dân Gia Định góp ý và thống nhất.
    Theo đó, quy trình cấp cứu TTO như sau:
    Khi thấy sản phụ có ít nhất 3 dấu hiệu đột ngột thì nghi TTO, gồm: tím tái, khó thở, ngưng thở Sp02 (ô xy máu) nhỏ hơn hoặc bằng 90%; ngưng tim, mạch nhanh, nhẹ, huyết áp tụt; chảy máu không có cục máu đông.
    Khi nhận thấy các dấu hiệu này, ê kíp tại chỗ tiến hành hồi sức khẩn cấp, gọi người hỗ trợ và thông báo cho người nhà, báo động đỏ nội viện và liên viện để huy động nhân lực, chuyên gia sản khoa, gây mê hồi sức, hồi sức sơ sinh, ngân hàng máu hồi sức tích cực và chống độc… Trong từng khâu, Sở Y tế TP.HCM đưa ra cụ thể các bước thực hiện để cứu sản phụ.
    Sở Y tế giao BV Từ Dũ, Hùng Vương và Nhân dân Gia Định phối hợp tổ chức tập huấn quy trình này cho các BV và các cơ sở y tế có chuyên khoa Sản. Sở Y tế yêu cầu tất cả BV và cơ sở y tế có chuyên khoa sản triển khai áp dụng quy trình cấp cứu này trong xử trí cấp cứu những trường hợp nghi thuyên tắc ối.
    Các BV tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm sau mỗi trường hợp áp dụng quy trình này và báo cáo về Sở Y tế.

    Nguồn

    https://thanhnien.vn/suc-khoe/ai-co-nguy-co-bi-thuyen-tac-oi-955003.html

    BS. Lê Ngọc Diệp

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ