Ngày 15/05/2009

Cúm lợn - Cúm A (H1N1)

       Bs. Trần Huy Dũng
          Khoa Hiếm Muộn – BV Từ Dũ

    Bài viết này dựa vào các hướng dẫn và những thông tin được cung cấp từ Trung Tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh của Hoa Kỳ (CDC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

    Bản tin cập nhật số 49 của Tổ Chức Y tế Thế giới  ngày 15 tháng 6 năm 2009: đã có 76 quốc gia chính thức công bố 35, 928 trường hợp nhiễm virus cúm A(H1N1). Số bệnh nhân được chẩn đoán xác định tại Mexico 6.241 (tử  vong 108), Mỹ 17,855 (tử vong 45), Canada 2.978 (tử vong 4), Anh 1.226, Hà Lan 61, Úc 1.823, Nhật 605, Trung Quốc 318, Hàn  Quốc 65, Thái Lan 29, Việt Nam 25.

    Mức báo động:  6/6 (đại dịch toàn cầu)

    I. Bệnh cúm A(H1N1) 

    Cúm lợn, hiện Tổ Chức Y tế Thế giới (WHO) đã thống nhất gọi là Cúm A(H1N1), là một bệnh hô hấp cấp tính ở lợn có tính  lây truyền cao do một loại vi rút cúm A gây ra.


    II. Tác nhân gây bệnh 

    Dịch cúm lợn 2009 là dịch cúm do một loại virus thuộc chủng H1N1 (mang protein Hemagglutinin H1và Neuraminidase N1) lần đầu tiên được các cơ quan y tế phát hiện vào tháng 3 năm 2009. Sự bùng phát căn bệnh giống như bệnh cúm đã được phát hiện lần đầu ở 3 khu vực khác nhau trên nước Mexico. Tuy nhiên, chủng virus mới này chỉ được xác định lâm sàng một  tháng sau đó trên các trường hợp bệnh tại bang Texas và California, Hoa Kỳ.

    Những đặc tính quan trọng:
    - Tỷ lệ mắc thường cao, dễ  lây lan và có thể mau chóng gây đại dịch.
    - Tỷ lệ tử vong thấp (1 – 4%).
    - Những người mắc Cúm A(H1N1) có thể lây lan bệnh 01 ngày trước khi khởi bệnh và kéo dài 07 ngày sau khi khởi bệnh.
    - Virus bị tiêu diệt ở nhiệt độ trên 70oC

    Ở lợn :
    - Vi rút lan truyền từ lợn bệnh sang lợn lành qua các giọt lơ lửng, qua tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp, ngoài ra có cả lợn  mang vi rút không có triệu chứng. Các vụ dịch trên lợn xảy ra quanh năm, với tỷ lệ mắc tăng vào mùa thu và mùa đông tại các vùng khí hậu ôn đới.

    - Các vi rút cúm lợn hầu hết thuộc thứ nhóm H1N1, nhưng cũng có những thứ nhóm khác lưu hành ở lợn (như H1N2, H3N1, H3N2). Vi rút cúm lợn H3N2 được coi là bắt nguồn từ người.

    - Mặc dù bình thường các vi rút cúm lợn là những chủng chỉ gây bệnh đặc hiệu cho lợn, nhưng đôi khi chúng có thể vượt qua hàng rào về chủng loại và gây bệnh cho người.

    Ở người :

    - Trong quá khứ, nhiễm trùng ở người là do tiếp xúc trực tiếp với động vật bị bệnh. Virus cúm A (H1N1) trước đây không thấy ở người hay lợn. Điều quan trọng hơn nữa là chủng virus này dường như lây truyền từ người sang người.

    - Rất có thể là tất cả mọi người, đặc biệt là những người không có tiếp xúc thường xuyên với lợn, đều không có miễn dịch chống lại các virus Cúm A-H1N1. Như vậy, một điều đáng quan ngại là khi sự lây truyền từ người sang người đã được thiết lập thì một đại dịch có thể xảy ra.

    III. Mức độ nặng của bệnh: có thể trong các mức sau đây

    - Nhiễm nhưng không có triệu chứng
    - Triệu chứng cúm nhẹ
    - Viêm phổi, suy hô hấp
    - Hội chứng nguy kịch hô hấp cấp (ARDS)

    IV. Chẩn đoán bệnh


    - Những người ở hoặc từ vùng dịch

    - Những người nhiễm Cúm A(H1N1) có những biểu hiện  như cúm thông thường với các triệu chứng của một bệnh lý hô hấp cấp. Các triệu chứng bao gồm ít nhất hai trong số sau:
    • Chảy mũi nước hoặc nghẹt mũi
    • Đau họng
    • Ho
    • Sốt

    Ngoài ra, những người mắc Cúm A-H1N1 có thể có những triệu chứng điển hình khác của cúm như:

    • Đau nhức mình, nhức đầu
    • Ớn lạnh, mệt mỏi
    • Có thể tiêu chảy và nôn mửa

    Xét nghiệm:
    - Các xét nghiệm nhanh (rapid test): độ nhạy thay đổi từ 50-70% (nếu âm tính không thể kết luận là không nhiễm cúm).
    - Miễn dịch huỳnh quang (DFA hoặc IFA): phân biệt cúm A và B.
    - Phương pháp real time RT-PCR: CDC khuyến cáo để phát hiện cúm A, B, H1, H3.
    - Cấy virus

    Ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn có bị nhiễm không? 

    - Chưa ghi nhận khả năng cúm lợn lây sang người do ăn thịt lợn hoặc các sản phẩm từ lợn đã được chế biến đúng qui cách.

    - Vi rút cúm lợn bị tiêu diệt khi nấu ở nhiệt độ 70oC.

    V. Phòng bệnh : Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh

    - Che miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khẩu trang, khăn tay hoặc tay áo.
    - Giữ gìn vệ sinh cá nhân.
    - Rửa tay thường xuyên với xà phòng và tránh chạm tay vào mặt.
    - Tránh xa những người bị bệnh.
    - Ở trong nhà nếu bạn không khỏe.
    - Đi khám nếu bạn sốt, ho, đau họng, đau người, đau đầu, ớn lạnh và mệt mỏi.
    - Nếu bạn đã tới vùng dịch trong vòng 7 ngày vừa qua cần theo dõi sức khỏe bản thân.
    - Nếu bạn có triệu chứng, cần phải đi khám. Thông báo cho cơ sở y tế biết gần đây bạn đã tới khu vực được báo cáo có cúm lợn.

    VI. Thuốc kháng virus 

    Theo CDC, Cúm A-H1N1 A (H1N1) nhạy cảm với các thuốc kháng virus ức chế Enzyme neuraminidase như Zanamivir và Oseltamivir. Cúm A-H1N1 A (H1N1) đề kháng với Amantadine và Rimantadine

     - Tiếp xúc với đối tượng đã được chẩn đoán xác định bệnh cúm A(H1N1): thuốc kháng virus dự phòng  trong vòng 7 ngày sau lần tiếp xúc gần nhất (1/2 liều điều trị – uống 1 lần  trong ngày)

    - Trong trường hợp nghi ngờ: Zanamivir ± Oseltamivir và với Amantadine hoặc Rimantadine ngay sau khi có triệu chứng (5 ngày).

    - Trong trường hợp chẩn đoán xác định: Zanamivir / Oseltamivir (5 ngày).

    - Phụ nữ có thai: các thuốc chống virus được xếp vào phân loại C do vậy chúng chỉ được dùng một khi lợi ích của điều trị lớn hơn nguy cơ có thể xảy ra cho phôi hoặc thai.

    - Trẻ em nhỏ hơn 1 tuổi: vì nhũ nhi có nguy cơ tử vong cao do cúm nên trẻ trong lứa tuổi này mắc Cúm A (H1N1) cần được điều trị bằng Oseltamivir.

     Xin tham khảo thêm tại:
      http://www.cdc.gov/swineflu/index.htm (Thông tin mới nhất về các vùng có người mắc bệnh đã được xác định)
      http://www.cdc.gov/swineflu/recommendations.htm (Danh sách người có nguy cơ cao)
      http://www.cdc.gov/flu/professionals/diagnosis/rapidlab.htm (Xét nghiệm chẩn đoán nhanh)
      http://www.cdc.gov/swineflu/specimencollection.htm (Các xét nghiệm được khuyến cáo)
      http://www.cdc.gov/swineflu/recommendations.htm (Hướng dẫn điều trị)
      http://www.cdc.gov/swineflu/recommendations.htm (Kháng thuốc)
      http://www.cdc.gov/flu/professionals/antivirals/dosagetable.htm#table (Thông tin về liều lượng)
      http://www.cdc.gov/swineflu/recommendations.htm (Khuyến cáo cho nhân viên y tế)
      http://www.cdc.gov/swineflu/guidelines_infection_control.htm (Qui định về xử lý chất thải đường hô hấp)

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ