Ngày 29/06/2010

Phòng ngừa và xử trí bệnh tay - chân - miệng


    Thường xuyên rửa sạch bàn tay của trẻ, người giữ trẻ, vật dụng, đồ chơi của trẻ

    Lau chùi sạch khu vực sinh họat của trẻ bằng dung dịch khử khuẩn



    Phát hiện sớm các dấu hiệu trở nặng: sốt cao, giật mình, đi đứng loạng choạng, thở mệt để đưa trẻ đến ngay BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2 hoặc BV Nhiệt đới




    Bệnh tay – chân – miệng là gì? 

    - Bệnh tay – chân – miệng là một bệnh lây do một nhóm vi rút đường ruột gây nên, có thể phát triển thành dịch. Bệnh xảy ra quanh năm với hai mùa cao điểm từ tháng 3 – 5 và tháng 9 -12.
    - Bệnh thường lây lan nhanh giữa các trẻ nhỏ sống cùng một nhà và sinh hoạt cùng nhà trẻ, mẫu giáo.

    Bệnh tay – chân – miệng nguy hiểm như thế nào?

    Hiện nay tình hình dịch tay – chân – miệng đang có nguy cơ bùng phát mạnh. Đây là dịch bệnh nguy hiểm xảy ra ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ nhỏ  dưới 2 tuổi. Bệnh có thể gây biến chứng nặng dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, việc phòng bệnh cũng như phát hiện và xử trí bệnh kịp thời là rất cần thiết.

    Bệnh tay – chân – miệng lây lan như thế nào?


    Bệnh tay – chân – miệng lây qua tiếp xúc: 

    Trẻ bị lây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với các bóng nước trên người bệnh nhân hoặc tiếp xúc gián tiếp qua dùng chung đồ chơi, vật dụng, ở chung trên sàn nhà với người bệnh.

    Người tiếp xúc với trẻ bệnh, nếu không rửa tay sạch sau khi tiếp xúc có thể là trung gian truyền bệnh một cách cơ học cho những trẻ khác.

    Phát hiện và xử trí bệnh như thế nào?
    Cần đưa đi khám ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu: 


    • Sốt
    • Bóng nước hoặc vết loét trong miệng. 
    • Bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng mông, đầu gối.

    Đưa ngay vào bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh viện Nhi đồng 2 hoặc bệnh viện Nhiệt Đới khi có các dấu hiệu trở nặng: 

    • Sốt cao. 
    • Giật mình 
    • Đi đứng loạng choạng. 
    • Thở mệt.

    Khi chăm sóc người bệnh, cần chú ý: 

    • Vệ sinh răng miệng và thân thể.
    • Không cạy vỡ bóng nước để tránh nhiễm trùng.
    • Giảm đau, hạ sốt bằng thuốc Paracetamol.
    • Tăng cường dinh dưỡng, cho ăn các thức ăn lỏng, mềm.

    Phòng bệnh tay – chân – miệng như thế nào?

    Hiện nay, bệnh tay-chân-miệng chưa có vắc xin phòng ngừa, vì thế cần thực hiện tốt những biện pháp phòng bệnh tay – chân – miệng sau đây:
    - Thường  xuyên rửa sạch bàn tay của trẻ bằng xà bông.


    - Người giữ trẻ rửa tay sạch bằng xà bông trước khi chuẩn bị thức ăn, cho trẻ ăn, sau khi chăm sóc trẻ (nhất là sau khi thay tã, dọn vệ sinh cho trẻ).

    - Rửa sạch vật dụng, đồ chơi của trẻ bằng xà bông. Định kỳ khử trùng các đồ chơi, vật dụng của trẻ 1 -2 lần/tuần bằng dung dịch Chloramin B 20% (20g trong 1 lít nước) hoặc nước Javel 0,5% (pha 1 phần  Javel với 9 phần nước). Trường hợp có trẻ bệnh, phải tiến hành khử trùng vật dụng, đồ chơi ngay sau khi trẻ vừa chơi hoặc sử dụng xong.

    - Định kỳ 1-2 lần/ tuần, lau rửa sàn nhà và các khu vực sinh hoạt của trẻ với các dung dịch khử trùng trên. Trường hợp có trẻ bệnh, phải lau khử trùng sàn nhàn và các khu vực sinh hoạt của trẻ mỗi ngày.


    - Cách ly trẻ bệnh tại nhà trong 10 ngày đầu của bệnh hoặc cho đến khi hết loét miệng và các bóng nước để tránh lây cho trẻ khác tại nhà trẻ, mẫu giáo.
    Địa chỉ cần biết

    BV Nhi đồng 1:
    2 Sư Vạn Hạnh, Q10 – ĐT: 39 271 119

    BV Nhi đồng 2
    14 Lý Tự Trọng, Q1 – ĐT: 38 298 723

    BV Bệnh Nhiệt Đới
    190 Hàm Tử, Q5 – ĐT: 39 238 704

    Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố
    699 Trần Hưng Đạo, Q5 – ĐT: 39 234 939

    Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe Tp. HCM
    59B Nguyễn Thị Minh Khai, Q1 – ĐT: 39 309 878

    Theo 

    Tờ rơi Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe  Tp.HCM (05/2010)

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ