Ngày 10/05/2011

Phụ nữ nên chích ngừa vắc-xin phòng bệnh Viêm gan siêu vi B trước khi mang thai và xét nghiệm tầm soát HBV trong lúc mang thai

    Viêm gan siêu vi B (VGSVB) là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến do vi-rut HBV gây nên. Tổ chức Sức khỏe Thế giới ước tính toàn cầu hiện có khoảng 2 tỷ người bị nhiễm vi-rút HBV, mỗi năm có khoảng 1 triệu người tử vong vì các bệnh có liên quan đến nhiễm vi-rút viêm gan B. Việt Nam là một quốc gia nằm trong vùng dịch bệnh VGSVB lưu hành cao. Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ nhiễm HBV tại nước ta từ 10-20%, ước tính khoảng 12 triệu người; tỷ lệ thai phụ nhiễm HBV là 10-15%.

     Viêm gan siêu vi B lây truyền như thế nào?

    Tại các nước đang phát triển như nước ta, VGSVB được lây truyền chủ yếu qua các đường: từ mẹ truyền sang con, truyền máu, thực hành tiêm truyền không an toàn, quan hệ tình dục; Còn ở các nước phát triển, sự lây nhiễm VGSVB diễn ra trong suốt giai đoạn trưởng thành qua hoạt động tình dục và tiêm chích ma túy. 

    Viêm gan siêu vi B lây truyền từ mẹ sang con, nghĩa là nếu mẹ mang thai bị nhiễm vi-rút HBV thì sẽ lây bệnh cho thai nhi?

    VGSVB không gây ảnh hưởng xấu cho quá trình mang thai cũng như cho bào thai, nghĩa là nếu mẹ mang thai bị VGSVB thì quá trình mang thai vẫn tiến triển bình thường, thai nhi vẫn phát triển tốt và không có nguy cơ bị dị dạng thai nhi. (trừ  trường hợp mẹ bị viêm gan siêu vi B nặng vào ba tháng cuối của thai kỳ thì thai nhi mới có nguy cơ bị sinh non). Sự lây truyền VGSVB từ mẹ sang con chỉ xảy ra trong và sau khi sinh.

    Tại sao phụ nữ được khuyên nên chích ngừa vắc-xin phòng VGSVB trước khi mang thai?

    Phụ nữ có thể bị nhiễm VGSVB trước hoặc bất kỳ lúc nào trong thời gian mang thai.Thống kê cho thấy nếu mẹ mang thai bị VGSVB trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì tỉ lệ lây truyền bệnh cho trẻ sơ sinh không đáng kể (1%), nhưng nếu mẹ bị VGSVB trong 3 tháng giữa, nguy cơ lây truyền cho trẻ là 10-20%, nguy cơ này tăng lên đến 90% nếu mẹ bị nhiễm bệnh trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Vì thế phụ nữ nên tiêm chủng vắc-xin phòng VGSVB trước khi mang thai để ngăn chận lây truyền VGSVB cho trẻ sơ sinh.

    Nếu tôi chưa chích ngừa vắc-xin phòng VGSVB trước khi mang thai thì lúc có thai tôi có thể chích ngừa được không? Nếu không thì tôi nên làm gì?

    Viêm gan siêu vi B không gây ảnh hưởng xấu cho quá trình mang thai cũng như cho bào thai nên hiện không có khuyến cáo chích ngừa vắc-xin phòng VGSVB trong khi  đang mang thai. Điều quan trọng bạn nên làm lúc mang thai là đi khám và xét nghiệm tầm soát HBV kiểm tra xem bạn có bị VGSVB hay không để có biện pháp phòng bệnh cho em bé ngay sau khi sinh.

    Tại sao xét nghiệm tầm soát VGSVB lại quan trọng đối với phụ nữ mang thai?

    Viêm gan siêu vi B lây truyền từ mẹ sang con trong lúc chuyển dạ sinh và sau sinh (dù sinh qua đường tự nhiên hay mổ lấy thai). Thông kê cho thấy 80-90% các bà mẹ bị VGSVB trong lúc đang mang thai không có biểu hiện triệu chứng, 90% các trẻ sơ sinh bị lây nhiễm bệnh từ mẹ có nguy cơ phát triển thành viêm gan mạn tính và có khả năng  bị ung thư gan trước 10 tuổi. Nếu bà mẹ VGSVB được xét nghiệm tầm soát phát hiện bệnh sớm trong quá trình theo dõi thai kỳ thì em bé sinh ra sẽ được chủ động phòng tránh lây nhiễm bệnh bằng các các biện pháp chích ngừa thích hợp  ngay trong những giờ đầu sau sinh và trong thời gian tiếp theo. Biện pháp này mang lại hiệu quả phòng tránh lây nhiễm VGSVB cho 80% trẻ sơ sinh.

    BS. Nguyễn Ngọc Lan Hương
    BS Vĩnh Thu Trang
    Theo Medinet

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ