Sốt xuất huyết Dengue
Bệnh Sốt xuất huyết (SXH) là gì?
Bệnh SXH do vi-rút Dengue gây nên. Vi-rút Dengue có 4 týp được gọi là D1, D2, D3, D4. Cơ thể con người phản ứng khác nhau với các týp này cũng khác nhau và không có miễn dịch chéo (nghĩa là sau khi bị nhiễm một trong bốn týp huyết thanh vẫn có thể bị nhiễm các týp huyết thanh còn lại), vì thế một người có thể mắc bệnh SXH 4 lần. Thông thường những lần sau sẽ nặng hơn lần đầu.
Trung gian truyền bệnh SXH là muỗi vằn có tên khoa học là Aedes agypti. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi từ sơ sinh đến người cao tuổi nhưng nhiều nhất vẫn là ở trẻ em. Bệnh hiện nay đã xảy ra quanh năm và đợt dịch cao điểm thường vào mùa mưa. SXH có thể gây tử vong nếu phát hiện trễ, điều trị không kịp thời.
Bệnh SXH diễn tiến như thế nào?
Thời gian ủ bệnh của bệnh là 3 -7 ngày. Sau giai đoạn ủ bệnh, bệnh nhân sẽ trải qua ba giai đoạn của bệnh. 3 ngày đầu là giai đoạn sốt vì đặc trưng của nó là sốt. Ngày 3 – 6 được gọi là giai đoạn nguy hiểm vì bệnh nhân có tình trạng cô đặc máu, xuất huyết, sốc. Đây là giai đoạn bệnh nhân cần được theo dõi và chăm sóc kỹ. Nếu có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm thì cần đưa bệnh nhân nhập viện ngay. Sau ngày thứ 6 sẽ là giai đoạn hồi phục.
Bệnh SXH có những biểu hiện gì?
Bệnh nhân SXH thường có những biểu hiện:
- Sốt trên 3 ngày. Sốt cao là dấu hiệu luôn xuất hiện của SXH. Sốt cao đột ngột từ 39-40ºC, ở trẻ lớn kéo dài 2-7 ngày, ở trẻ nhũ nhi (trẻ còn bú) có thể kéo dài 2-13 ngày, uống thuốc hạ sốt thì giảm nhưng sau đó sốt lại.
- Đau đầu, đau cơ, đau hai hốc mắt, ói, đau bụng.
- Xuất huyết: Xuất hiện các chấm xuất huyết dưới da giống như nốt muỗi đốt (khi làm căng da xung quanh thì chấm xuất huyết không biến mất), chảy máu ở mũi, chân răng, ói máu, tiêu phân đen, tiểu ra máu, ra kinh bất thường.
- Sốc: li bì, bứt rứt, lạnh tay chân, rịn mồ hôi, mạch khó bắt, huyết áp kẹp hoặc tụt, tiểu ít.
Chăm sóc bệnh nhân SXH tại nhà bằng cách nào?
Bệnh nhân bị SXH có thể được chăm sóc tại nhà nếu không có các dấu hiệu cảnh báo. Nếu bị sốt cao thì hạ sốt bằng cách lau mát bằng đắp, lau mát với nước ấm. Cho bệnh nhân uống Paracetamol với liều lượng 10-15 mg/kg cân nặng cơ thể/một lần, mỗi ngày uống 3-4 lần. KHÔNG nên dùng Aspirin hoặc Ibuprofen để hạ sốt trong trường hợp này.
Cho bệnh nhân uống nhiều nước (nước nấu sôi để nguội, nước trái cây, dung dịch Oresol), ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như: súp, cháo, sữa… KHÔNG nên dùng nước có màu đỏ, đen như nước ngọt... Và nên nhớ đưa bệnh nhân đi tái khám theo hẹn của bác sĩ, đưa đi khám lại tại các cơ sở y tế mỗi ngày theo lịch hẹn. Việc tái khám nên thực hiện đúng theo lịch hẹn cho đến hết ngày thứ bảy kể từ khi bắt đầu sốt và cho đến khi hết sốt liên tục trong 48 giờ.
Những điều nào nên tránh?
Tuyệt đối tránh những việc làm không đúng sau đây:
- Không nên cạo gió, chích lể (vì có thể gây vỡ mạch máu) làm tình trạng chảy máu khi bị bệnh SXH nặng hơn
- Truyền dịch không đúng ở phòng khám tư, vì nếu truyền không đúng có thể làm dư dịch trong cơ thể
- Không quấn kín, mặc quần áo nhiều
- Không nhịn ăn uống tránh suy dinh dưỡng khiến tình trạng bệnh nặng thêm.
Những dấu hiệu cảnh báo là gì?
Đưa ngay người bệnh đến bệnh viện khi có những dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng sau:
- Lừ đừ, li bì, bứt rứt
- Ói nhiều, đau bụng nhiều
- Chảy máu mũi nhiều, chảy máu chân răng hoặc xuất huyết tiêu hóa
- Tay chân lạnh, rịn mồ hôi.
Phòng bệnh bằng cách nào?
SXH hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng. Bệnh cũng chưa có vắc-xin phòng ngừa. Do đó, phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường, không để nước tồn đọng tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, ngủ mùng… Thực hiện 3 không: không cho muỗi chích, không cho muỗi ở và không cho muỗi đẻ.
Tóm lại, bệnh SXH có thể điều trị tại nhà và chỉ cần nhập viện khi có các dấu hiệu cảnh báo. Hiện nay dù đã được điều trị rất tốt nhưng bệnh vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân và sẽ trở nên nguy hiểm nếu mắc bệnh nhiều lần. Do đó việc phòng bệnh cần phải được chú ý nhiều hơn nữa. Các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng có vai trò rất cần thiết trong phòng chống bệnh SXH.
BS. Trần Thị Thúy
BV Nhi Đồng 2
Theo T4G
Đó là nhận định của bệnh viện Từ Dũ sau khi thực hiện thành công các ca thông tim can thiệp bào thai, cứu sống được 4 em bé bị dị tật tim bẩm sinh nặng kể từ đầu năm 2024 đến nay.
Ngày 15/7, Bệnh viện Từ Dũ (TP. HCM) cho biết đã thực hiện thành công thêm một ca thông tim can thiệp bào thai bị dị tật tim bẩm sinh nặng, đến nay em bé đã ra đời khoẻ mạnh.
Ngày 15-7, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) thông tin nơi đây vừa phối hợp Bệnh viện Nhi đồng 1 mổ lấy thai cho ca thông van tim bào thai cứu thai nhi bị dị tật tim bẩm sinh nặng.
Theo thống kê từ các địa phương, trong những tuần gần đây số mắc sốt xuất huyết trên cả nước đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam với số mắc và tử vong liên tục tăng cao. Dự báo thời gian tới sẽ bước vào những tháng cao điểm mùa dịch do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh phát triển.
Ngày 28/3/2024 Cục Y tế dự phòng đã có Công văn số 249/DP-KLN ban hành khuyến nghị hàm lượng muối natri tối đa cho một số thực phẩm chế biến bao gói sẵn tại Việt Nam, trong đó nhấn mạnh natri rất cần thiết đối với cơ thể con người nhưng rất ít khi bị thiếu mà nguy cơ thường bị tiêu thụ quá nhiều so với nhu cầu cơ thể và gây tác hại đối với sức khỏe.