Thai nhi đầu tiên từng được sửa tim chào đời khỏe mạnh
Sau 4 tuần được can thiệp tim trong bào thai đầu tiên tại Việt Nam, bé trai nặng 2,9 kg khóc to chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ, không phải hỗ trợ hô hấp như dự liệu.
Sáng 30/1, BS.CK2 Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, trực tiếp mổ sinh, cho biết sản phụ vượt cạn lúc thai hơn 37 tuần, không phải truyền máu.
"Tiếng khóc to của bé khiến cả ê kíp vỡ òa, ngoạn mục vượt ngoài mong đợi", bác sĩ nói.
Em bé được da kề da trên ngực mẹ tại phòng mổ sinh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, ê kíp hồi sức sơ sinh của hai bệnh viện phối hợp đón em bé, đánh giá tình trạng sức khỏe ngay sau chào đời. Ban đầu, ê kíp nghĩ đến khả năng bé phải thở oxy ngay sau sinh, song trẻ khóc to khi lọt lòng mẹ, hồng hào, tự thở khí trời.
Siêu âm tim em bé trực tiếp tại phòng mổ ghi nhận dòng máu chảy qua vị trí hẹp tốt. Bình thường, những thai nhi hẹp van động mạch phổi nặng như trường hợp này, nếu không can thiệp nong van tim trong bào thai, có thể chào đời tím tái, khó thở.
"Nhìn sản phụ giàn giụa nước mắt ôm con trong lòng thực hiện da kề da, chúng tôi càng thêm động lực tiếp tục thực hiện các ca can thiệp bào thai", bác sĩ Hương nói.
Sau sinh, bé sẽ được đưa về Bệnh viện Nhi đồng 1 để các bác sĩ đánh giá, kiểm tra tình trạng của tim, có kế hoạch điều trị tim bẩm sinh.
Em bé chào đời hồng hào, khỏe mạnh, không tím tái khó thở như lo ngại. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Đây là một trong hai ca can thiệp tim bào thai đầu tiên Việt Nam, do bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 và Từ Dũ phối hợp thực hiện. Người còn lại đang mang thai hơn 31 tuần, thai nhi phát triển tốt, tình trạng tim mạch cải thiện, không diễn tiến xấu hơn. Thai phụ này đã xuất viện về nhà theo dõi, tái khám định kỳ.
Can thiệp bào thai mang đến kết quả cải thiện rất ngoạn mục, nhưng cũng đối diện nhiều nguy cơ trong và sau phẫu thuật như tràn máu màng ngoài tim, nhịp tim chậm dẫn đến ngưng tim, chuyển dạ sinh non, ối vỡ non... Dù vậy, kỹ thuật này giúp ngăn diễn tiến nặng của tim, thêm vào bào thai có tế bào gốc có thể tự sửa chữa, giúp em bé có cơ hội chào đời khỏe mạnh.
Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng đánh giá thông tim bào thai nằm trong bụng mẹ là điều "ít ai dám nghĩ tới", bởi tim em bé như trái dâu tây, đòi hỏi "trải nghiệm tay nghề ở mức chính xác tuyệt đối", sự phối hợp mà ít tỉnh thành nào có được giữa các bệnh viện. Kỹ thuật này vừa được đề cử Giải thưởng Thành tựu y khoa Việt Nam năm 2023.
Mới đây, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan gửi thư đến nhân viên y tế hai bệnh viện, bày tỏ vui mừng trước thành công hai ca can thiệp tim bào thai đầu tiên ở Việt Nam. Bà Lan đánh giá đây là kỹ thuật rất phức tạp, đòi hỏi trình độ chuyên môn và sự phối hợp cao, mới chỉ được thực hiện thành công ở một số ít quốc gia có hệ thống y tế chuyên sâu phát triển. Bộ trưởng mong muốn các y bác sĩ tiếp tục phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ tin cậy trên bản đồ triển khai can thiệp tim bẩm sinh bào thai của thế giới.
Khi những tiếng chuông vang lên báo hiệu sự khởi đầu của năm mới, tại Bệnh viện Từ Dũ, tiếng khóc chào đời đầu tiên của những công dân nhí như hòa cùng niềm vui của đất trời. Đó là khoảnh khắc thiêng liêng khi sự sống mới bắt đầu, mang theo biết bao kỳ vọng và yêu thương của gia đình và xã hội.
Đó là nhận định của bệnh viện Từ Dũ sau khi thực hiện thành công các ca thông tim can thiệp bào thai, cứu sống được 4 em bé bị dị tật tim bẩm sinh nặng kể từ đầu năm 2024 đến nay.
Ngày 15/7, Bệnh viện Từ Dũ (TP. HCM) cho biết đã thực hiện thành công thêm một ca thông tim can thiệp bào thai bị dị tật tim bẩm sinh nặng, đến nay em bé đã ra đời khoẻ mạnh.
Ngày 15-7, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) thông tin nơi đây vừa phối hợp Bệnh viện Nhi đồng 1 mổ lấy thai cho ca thông van tim bào thai cứu thai nhi bị dị tật tim bẩm sinh nặng.
Theo thống kê từ các địa phương, trong những tuần gần đây số mắc sốt xuất huyết trên cả nước đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam với số mắc và tử vong liên tục tăng cao. Dự báo thời gian tới sẽ bước vào những tháng cao điểm mùa dịch do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh phát triển.