Góc nhìn y khoa: Trì hoãn mang thai đến sau 35 tuổi: Hãy quyết định chỉ khi đã chuẩn bị cho điều ấy
Một sự chuyển biến lớn lao trong đời sống xã hội là phụ nữ đã trở nên “già tuổi” hơn khi mang thai và sinh đẻ so với các thế hệ trước, điều này đang diễn ra và mạnh mẽ tác động trở lại tình hình kinh tế, an sinh xã hội, sức khỏe, chi phí y tế… Câu chuyện này không mới ở các quốc gia như Mỹ, Anh, Thụy Điển, Nhật nhưng đang là vấn đề nóng của Việt Nam khi các chuyên gia lên tiếng về việc khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con và sinh con trước 35 tuổi.
Tại sao lại mang thai trễ?
![]() Hình minh họa - nguồn internet
|
Ngày càng thấy nhiều hơn các phụ nữ trì hoãn việc làm mẹ. Tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội khiến phụ nữ có nhu cầu tập trung cao độ cho việc hoàn thiện kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp… Sự nghiệp được ưu tiên hơn so với “ngôi nhà và những đứa trẻ”. Một số phụ nữ có nhiều mục tiêu khác để đạt được trước khi quay về làm mẹ: du lịch, trải nghiệm cuộc sống và cơ hội làm việc tại các vùng miền khác nhau, tham gia các dự án dài phục vụ cho cộng đồng… Hơn nữa, một nhu cầu rất chính đáng là phụ nữ mong muốn con mình được sinh ra khi người mẹ tự chủ tài chính. Bên cạnh đó, một lý do y khoa cũng cần được quan tâm đó là những phụ nữ có các vấn đề về sức khỏe sinh sản chưa thể tập trung thời gian và tiền bạc cho việc tìm nguyên nhân, điều trị với tâm lý “đời còn dài” khiến họ không thể mang thai khi còn trẻ tuổi.
Mang thai trễ cũng có mặt lợi!
Những đứa trẻ có điều kiện được chăm sóc tốt hơn khi ba mẹ chúng có thu nhập ổn định. Với các trải nghiệm tích lũy được, những người mẹ “khá tuổi” trưởng thành về cảm xúc và có kinh nghiệm sống phù hợp. Một trong những tác động có lợi rõ rệt là trong nhóm này, tỉ lệ cho con bú mẹ cao hơn và thời gian nuôi con bằng sữa mẹ kéo dài hơn.
Mang thai khi lớn tuổi: Tại sao khó? Tại sao nguy hiểm?
Khi tuổi càng cao, phụ nữ càng khó có con vì số lượng trứng giảm đi theo tuổi đời. Nang noãn không thể nào sinh thêm từ khi bé gái chỉ là 1 bào thai 16 tuần tuổi. Ấy vậy mà cứ mỗi chu kỳ “đèn đỏ”, nửa triệu nang noãn được huy động rồi tiêu đi chỉ để 1 trứng được rụng.
Dưới các thay đổi của nội tiết sinh sản, khả năng thụ thai giảm đáng kể. Trong độ tuổi 20 - 30, tỉ lệ thụ thai trong 1 chu kỳ kinh nguyệt
![]() Hình minh họa - nguồn internet
|
mong chờ có con là 25%, nhưng ở độ tuổi 40, tỉ lệ này giảm chóng mặt, chỉ còn 1/10 phụ nữ.
Nguy cơ sảy thai và thai lưu tăng hơn ở phụ nữ trên 35 tuổi. Phụ nữ lớn tuổi lại dễ mang song thai, tam thai do khi “già đi”, buồng trứng có thể phóng thích hơn 1 trứng trong mỗi chu kỳ.
Theo thời gian, phụ nữ lại hay nảy sinh các vấn đề của bộ máy sinh sản như có u xơ cơ tử cung, lạc nội mạc tử cung vào buồng trứng hay vào cơ tử cung khiến cho cấu trúc lần chức năng của tử cung không còn phù hợp cho việc thụ thai, nuôi thai. Hơn nữa, tỉ lệ mang thai dị tật tăng lên theo hình dốc đứng: chỉ có 1/940 phụ nữ ở 30 tuổi có thai bị hội chứng Down nhưng có 1/353 phụ nữ độ tuổi 35 nguy cơ sinh con bị Down và với tuổi 45, cứ 35 người mang thai lại có 1 trường hợp thai có hội chứng này.
Có hai loại bệnh lý do thai gây ra là đái tháo đường thai kỳ và tiền sản giật. Không may là tỉ lệ này đều tăng trong nhóm bà mẹ mang thai lớn tuổi. Ngoài ra, do cân nặng ở phụ nữ tăng nhiều khi tích tuổi, béo phì cũng là một nguy cơ gây nên hàng loạt các vấn đề sức khỏe ở nhóm này trong thai kỳ.
![]() |
Sinh con ở độ tuổi quá trẻ hay quá lớn tuổi đều đem đến những tác động xấu đến tâm lý và thể chất của bà mẹ. Trên 35 tuổi mới sinh con đầu lòng, các sản phụ được ghi chú là “con so lớn tuổi” để được lưu tâm đến các nguy cơ sinh sản.
Dẫu vậy, với sự tương tác mang tính hỗ trợ của y khoa nói chung và ngành sản khoa nói riêng đối với mỗi con người trong bối cảnh y tế của riêng họ, phụ nữ mang thai khi lớn tuổi nhận được các can thiệp nâng đỡ để họ tự tin làm mẹ. Tuy các khuyến cáo về sức khỏe sinh sản thường khuyến khích phụ nữ sinh con trước 35 tuổi vì các lý do an toàn cho cả mẹ và bé, thì phụ nữ ở tuổi 35 chưa có con cũng không nên bị chỉ trích và chịu áp lực bởi các ý kiến nhiều chiều từ những người xung quanh. Mang thai ở độ tuổi nào là do quyết định của cặp vợ chồng tùy theo tương tác của đời sống cá nhân với các vấn đề kinh tế- xã hội mang tính cá thể, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Khi có con sau tuổi 35, các mẹ bầu cần tham vấn y khoa đễ nhận được lời khuyên và các can thiệp phù hợp nhằm chuẩn bị sức khỏe, tinh thần, thực hiện các xét nghiệm cần thiết, dự phòng các nguy cơ bệnh lý. Dù làm mẹ ở tuổi nào, phụ nữ cũng đáng được trân trọng bởi đang mang đến cho cuộc sống thêm 1 thiên thần.
BS Chuyên khoa 2 Lê Ngọc Diệp
Theo định nghĩa y khoa, tình trạng sẩy thai tái phát hay còn gọi là sẩy thai liên tiếp là khi người mẹ bị sẩy thai tự nhiên từ 2-3 lần trở lên, nghĩa là thai ngừng tiến triển và được tống xuất khỏi buồng tử cung trước 24 tuần hoặc cân nặng của thai dưới 500g.
Thalassemias là một nhóm các bệnh thiếu máu di truyền, đặc trưng bởi sự khiếm khuyết trong tổng hợp huyết sắc tố Hemoglobin (Hb) – một thành phần quan trọng để vận chuyển oxy ở hồng cầu người.
Theo khuyến cáo mới cập nhật của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), người bệnh có thể được tiêm vắc xin Cúm và vắc xin Covid 19 trong cùng một lần khám.
Máu cuống rốn là máu của em bé được lấy ra từ dây rốn và bánh nhau sau sinh. Nó có chứa một số tế bào đặc biệt được gọi là các tế bào gốc tạo máu, được sử dụng để điều trị một số loại bệnh.
Mổ lấy thai (còn gọi là mổ bắt con hoặc sinh mổ) là một phương pháp sinh bằng phẫu thuật, nhằm mục đích đưa thai nhi ra ngoài qua vết rạch trên tử cung và thành bụng.
Mổ lấy thai là một phẫu thuật nhằm mục đích đưa thai nhi ra ngoài qua vết rạch trên tử cung và thành bụng.