Ngày 09/09/2010

Các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tại bệnh viện Từ Dũ

    BS.Dương Khuê Tú
    Khoa Hiếm muộn - BV Từ

    Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (Assisted  Reproductive Technologies – ART) bao gồm những kỹ thuật điều trị vô sinh trong đó có chọc hút trứng và đem trứng ra ngoài cơ thể. Theo phân loại của nhiều trung tâm trên thế giới, thụ tinh nhân tạo – bơm tinh trùng vào buồng tử cung không được xếp vào các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. 

    Thụ tinh trong ống nghiệm – IVF (In-vitro Fertilization)
    Phương pháp này thường được chỉ định khi:

    • Tắc vòi trứng
    • Tinh trùng ít, yếu, dị dạng (không đủ để bơm tinh trùng vào buồng tử cung)
    • Không tinh trùng, phải lấy tinh trùng từ mào tinh, tinh hoàn
    • Vợ lớn tuổi
    • Bơm tinh trùng nhiều lần thất bại.

    Tóm tắt kỹ thuật:

    - Kích thích buồng trứng cho vợ.
    - Chọc hút trứng.
    - Chuẩn bị tinh trùng chồng.
    - Cấy tinh trùng và trứng trong môi trường nhân tạo để hình thành phôi.
    - Chuyển phôi vào buồng tử cung cho vợ. 


    Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng - ICSI (Intracytoplasmic Sperm Injection)

    ICSI có nghĩa là tiêm tinh trùng trực tiếp vào trứng để tạo phôi. Với kỹ thuật TTTON bình thường, một số trường  hợp tinh trùng không thể tự thụ tinh do bất thường về thụ tinh, dẫn đến không có phôi để chuyển vào buồng tử cung. Với kỹ thuật ICSI, có thể tránh gần như hoàn toàn các trường hợp trên.

    Chỉ định của ICSI:

    • Vô sinh nam (tinh trùng ít, yếu, dị dạng nhiều, không tinh trùng trong tinh dịch phải lấy tinh trùng bằng phẫu thuật)
    • Bất thường thụ tinh
    • Vô sinh không rõ nguyên nhân
    • Thất bại với thụ tinh ống nghiệm bình thường

    Tóm tắt kỹ thuật:

    - Kích thích buồng trứng.
    - Chọc hút trứng.
    - Chuẩn bị tinh trùng.
    - Dùng hệ thống vi thao tác, tiêm trực tiếp 1 tinh trùng vào trứng.
    - Chuyển phôi vào buồng tử cung. 

    Trưởng thành trứng trong ống nghiệm – IVM (Invitro Maturation of Oocytes)

    Trong IVM, trứng chưa trưởng thành được lấy ra từ buồng trứng chưa được kích thích, bệnh nhân không cần chích thuốc kích thích buồng trứng nhiều như trong thụ tinh ống nghiệm bình thường. Thực hiện phương pháp này sẽ giảm được nhiều chi phí và tránh được hội chứng quá kích buồng trứng. Tuy nhiên thường chỉ phụ nữ có buồng trứng đa nang mới là đối tượng thích hợp để thực hiện IVM.

    Tóm tắt kỹ thuật:

    - Tiêm thuốc hỗ trợ buồng trứng trong 3 ngày
    - Chọc hút trứng non.
    - Nuôi trứng non trong lab.
    - Chuẩn bị tinh trùng
    - Trứng và tinh trùng được cho thụ tinh (thường bằng kỹ thuật ICSI – Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng).
    - Kiểm tra chất lượng phôi, hỗ trợ phôi thoát màng nếu có chỉ định.
    - Chuyển phôi vào buồng tử cung.
     
    Thụ tinh ống nghiệm xin trứng – Oocyte donation

    Chỉ định khi nguyên nhân vô sinh là do buồng trứng người vợ (vợ lớn tuổi, suy buồng trứng sớm)

    Tóm tắt kỹ thuật:

    - Kích thích buồng trứng người cho trứng
    - Chuẩn bị tử cung cho người nhận
    - Chọc hút trứng của người cho
    - Chuẩn bị tinh trùng (của chồng người nhận)
    - Cho trứng và tinh trùng thụ tinh (bằng kỹ thuật IVF hoặc ICSI)
    - Chuyển phôi vào buồng tử cung người nhận

    Chuyển phôi trữ - Frozen Embryo Transfer (FET)

    Trong chu kỳ thụ tinh ống nghiệm đầu tiên, nếu vì lý do nhất định không thể chuyển phôi ngay hoặc đã chuyển phôi mà còn phôi dư, các phôi đạt tiêu chuẩn sẽ được trữ lại để sử dụng cho những lần sau.

    Trong chu kỳ chuyển phôi trữ:

    - Chuẩn bị nội mạc tử cung người vợ bằng nội tiết
    - Rã đông phôi
    - Chuyển phôi sau rã đông vào buồng tử cung

    Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng sau rã đông

    Trong chu kỳ thụ tinh ống nghiệm đầu tiên, vì lý do nhất định phải trữ lạnh trứng (chồng không lấy được tinh  trùng…), trứng được rã đông để sử dụng cho lần sau

    Tóm tắt kỹ thuật:

    - Chuẩn bị nội mạc tử cung cho người vợ
    - Rã đông trứng
    - Tiêm trực tiếp tinh trùng vào trứng
    - Chuyển phôi vào buồng tử cung

    Các kỹ thuật hỗ trợ khác


    Trữ tinh trùng

    Tinh trùng được trữ lạnh trong các trường hợp: 

    - Lưu trữ tinh trùng của người cho
    - Người chồng không thể tới bệnh viện lấy tinh trùng vào ngày chọc hút trứng
    - Trước khi điều trị một số bệnh lý của người chồng như: mổ u tinh hoàn, hoá trị, xạ trị ung thư…

    Phẫu thuật lấy tinh trùng

    Đây là phương pháp điều trị vô sinh không tinh trùng do tắc nghẽn (không tìm thấy tinh trùng trong tinh dịch do  tinh trùng không thể ra bên ngoài). Nguyên nhân tắc nghẽn thường gặp là do bẩm sinh, nhiễm trùng đường sinh dục hoặc do thắt ống dẫn tinh.

     Phẫu thuật lấy tinh trùng bao gồm nhiều phương pháp:

    - Lấy tinh trùng từ mào tinh bằng vi phẫu thuật (Microsurgical Epididymal Sperm Aspiration-MESA): Đây là phương pháp thu tinh trùng bằng phẫu thuật ở mào tinh. Tỷ lệ thành công trong việc thu được tinh trùng bằng MESA thường từ 90% trở lên.

    - Lấy tinh trùng từ mào tinh bằng xuyên kim qua da (Percutaneous Epididymal Sperm Aspiration-PESA): Lợi điểm của PESA là ít xâm lấn hơn MESA, có thể thực hiện được nhiều lần, đơn giản hơn và mẫu tinh trùng thu được thường ít lẫn máu và xác tế bào. Do đó, PESA là một trong những phương pháp nên chọn lựa đầu tiên ở những trường hợp không tinh trùng do tắc nghẽn, với tỷ lệ thành công  khoảng 65%.

    - Lấy tinh trùng từ tinh hoàn bằng chọc hút (Testicular Sperm Aspiration-TESA):

    Dùng kim đâm xuyên qua da vào mô tinh hoàn và hút tinh trùng ra. Ở những người sinh tinh bình thường, tỷ lệ thu  được tinh trùng trên 80%.

    - Lấy tinh trùng từ tinh hoàn bằng phẫu thuật xẻ tinh hoàn (Testicular Sperm Extraction-TESE): Ở những bệnh nhân có rối loạn quá trình sinh tinh, tỷ lệ thu được tinh trùng vào khoảng 50%. Những đối tượng này, nên sử dụng kỹ thuật TESE hơn là TESA do thu được tinh trùng nhiều hơn. 

    Kỹ thuật Hỗ trợ phôi thoát màng

    Sau khi trứng và tinh trùng thụ tinh với kỹ thuật IVF hoặc ICSI, phôi được chuyển vào buồng tử cung để làm tổ và phát triển thành thai. Bao bên ngoài phôi là màng trong suốt. Trong một số trường hợp, lớp màng này bị cứng chắc bất thường hoặc không mỏng đi trong quá trình phôi phát triển. Điều này làm cho phôi không thể thoát ra ngoài và bám vào nội mạc tử cung để làm tổ. Dựa trên giả thuyết đó, kỹ thuật làm mỏng hoặc làm thủng màng trong suốt bên ngoài phôi  đã ra đời, giúp phôi dễ thoát ra ngoài và làm tổ vào tử cung hơn. Nhờ đó giúp cải thiện tỉ lệ thành công khi làm thụ tinh trong ống nghiệm.

    Phương pháp này đặc biệt hiệu quả trong các trường hợp:
    • Bệnh nhân thất bại nhiều lần mặc dù chất lượng phôi tốt
    • Bệnh nhân chuyển phôi trữ lạnh
    • Bệnh nhân ít phôi, lớn tuổi
    • Bệnh nhân có phôi có màng trong suốt dày bất thường
    • Bệnh nhân thực hiện kỹ thuật trưởng thành trứng trong ống nghiệm (IVM)

    Tóm tắt kỹ thuật:

    • Kích thích buồng trứng.
    • Chọc hút trứng.
    • Chuẩn bị tinh trùng.
    • Dùng hệ thống vi thao tác, tiêm trực tiếp một tinh trùng vào trứng.
    • Thực hiện hỗ trợ phôi thoát màng và chuyển phôi vào buồng tử cung trong  cùng ngày.
     

    Theo IVF Tu Du

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ