Cắt ống dẫn trứng: biện pháp triệt sản đầu tay
ThS. BS. Trần Thị Liên Hương (Dịch)
P. Kế hoạch tổng hợp - BV Từ Dũ
Theo một bài báo được đăng online ngày 5 tháng 8 năm 2014 trên tạp chí Obstetrics & Gynecology, cắt ống dẫn trứng nên được xem như biện pháp triệt sản đầu tay vì nó mang lại hiệu quả vĩnh viễn và có thể giúp phòng ngừa một số type ung thư buồng trứng bắt nguồn từ ống dẫn trứng.
Theo BS. Mitchell D. Creinin – Trưởng Bộ môn Sản Phụ khoa Đại học California, Davis và PGS. Nikki Zite – Bộ môn Sản Phụ khoa Đại học Tennessee, Knoxville, biện pháp này được cân nhắc vì một số kết quả nghiên cứu cho thấy ung thư buồng trứng thường xuất phát từ ống dẫn trứng; bên cạnh đó, các tiến bộ về mặt kỹ thuật đã giúp giảm thiểu các nguy cơ của việc cắt ống dẫn trứng, khiến các nguy cơ này cũng tương đương như phương pháp thắt ống dẫn trứng.
Dù được triệt sản vào thời điểm xa lần mang thai cuối cùng hay gần/ngay sau khi sinh con thì biện pháp triệt sản nữ đều mang lại hiệu quả cao. Từ trước đến nay, làm gián đoạn ống dẫn trứng là phương pháp triệt sản đầu tay.
Tuy nhiên, theo BS. Creinin và BS. Zite, “nếu đem vấn đề này ra thảo luận với bệnh nhân thì có lẽ chính hiệu quả cao của phương pháp cắt ống dẫn trứng mới là điều người phụ nữ mong muốn”.
Việc có những bằng chứng mới cho thấy ung thư tuyến (adenocarcinoma) – loại ung thư buồng trứng thường gặp nhất – có thể xuất phát từ ống dẫn trứng đã làm tăng số trường hợp áp dụng triệt sản bằng phương pháp cắt ống dẫn trứng. Các nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ trong phẫu thuật của cắt và thắt ống dẫn trứng là như nhau.
Dù vậy, vấn đề đặt ra không chỉ tập trung vào việc phòng ung thư buồng trứng mà quan trọng hơn là tại sao chúng ta lại không cho phụ nữ một cơ hội triệt sản với hiệu quả gần như 100% với phương pháp cắt ống dẫn trứng hoàn toàn, BS. Creinin và BS. Zite viết.
Bắt đầu thay đổi
Theo các tác giả, các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng các nhà lâm sàng thường cân nhắc cắt ống dẫn trứng khi triệt sản cho những phụ nữ có nguy cơ ung thư cao vì đột biến gen BRCA, nhưng câu hỏi lớn hơn là liệu nhà phụ khoa có cân nhắc thay đổi cách thức trước giờ để áp dụng cắt ống dẫn trứng cho cả những phụ nữ không có đột biến BRCA.
Một số nhà lâm sàng vẫn còn quan ngại về các vấn đề như vết mổ phải rộng hơn để cắt ống dẫn trứng cho phụ nữ sau sinh ngả âm đạo, chi phí tăng lên khi thời gian phẫu thuật tăng thêm 10 phút và có thể một số phụ nữ sẽ hối tiếc sau khi thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên, các bằng chứng thu được vẫn ủng hộ phương pháp cắt ống dẫn trứng.
Các tác giả trích dẫn kết quả từ một nghiên cứu lớn tại British Columbia, Canada, cho thấy sau một thời gian cập nhật về vấn đề này cho các nhà phụ khoa, họ đã bắt đầu áp dụng phương pháp cắt ống dẫn trứng 2 bên kèm với cắt tử cung thường xuyên hơn là thắt ống dẫn trứng, và không có sự khác biệt về bệnh suất.
“Các tiến bộ kỹ thuật đã giúp giảm thiểu nguy cơ khi thực hiện cắt ống dẫn trứng, chỉ còn tương đương với thắt ống dẫn trứng. Điều quan trọng nhất là đừng quên bàn bạc với người phụ nữ về cắt ống dẫn trứng như là một lựa chọn, đơn giản vì đây là phương pháp hiệu quả nhất”.
Các nghiên cứu đang tiến hành
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy không có sự gia tăng nguy cơ khi thực hiện cắt ống dẫn trứng nhưng sẽ phải mất ít nhất 10 đến 15 năm để quan sát hiệu quả”, PGS. Jessica N. McAlpine, Khoa Ung thư Phụ khoa – Đại học British Columbia, Vancouver, Canada, tác giả của nghiên cứu British Columbia cho biết.
“Nếu bạn đang xem xét liệu phương pháp này có tác động làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng hay không thì cần phải có thời gian. Vấn đề mấu chốt là chúng ta chưa tầm soát đầy đủ ung thư buồng trứng trong dân số chung cũng như chưa có thay đổi nào về hiệu quả điều trị trong 3 thập niên gần đây. Chúng tôi nghĩ, phương pháp này có thể mang lại sự thay đổi. Nó an toàn và chúng tôi đang xem xét như là lựa chọn tối ưu”.
Về mặt hiệu quả, những nghiên cứu nhỏ hơn cho thấy có sự giảm ung thư buồng trứng, BS. Alpine nói, “nhưng chúng rất nhỏ”.
Về vấn đề liệu có lý do nào để chúng ta không phải cắt bỏ ống dẫn trứng không, bà nói: “Chúng tôi không nghĩ có lý do nào cho việc đó. Việc kẹp sát tử cung và cắt bỏ cả ống dẫn trứng và buồng trứng thường dễ hơn. Tôi nghĩ đó chỉ là vấn đề về kỹ năng phẫu thuật”. Vài người lo lắng về khả năng ảnh hưởng do thay đổi hormone. “Nhưng nếu bạn làm đúng kỹ thuật…tôi không nghĩ đó là vấn đề”.
BS. McAlpine kết luận: “Tôi nghĩ sẽ thật tuyệt nếu ngày càng có nhiều người thực hiện cắt ống dẫn trứng vì có thể nó sẽ giúp các thế hệ sau tránh được khả năng phát triển căn bệnh này, tuy nhiên tôi không hề có ý cường điệu về những gì chúng tôi đã làm được”.
Cần thêm dữ liệu
Phát biểu về vấn đề này, Giáo sư William D. Foulkes – thuộc Chương trình nghiên cứu Ung thư và Di truyền, Đại học McGill, Montreal, Quebec và là biên tập viên của tạp chí Current Oncology - nói: “Tôi hiểu về những điều đang được tranh cãi. Quan trọng là nhận ra rằng chưa hề có bằng chứng từ các nghiên cứu tiến cứu. Tất cả chỉ dựa trên suy luận và phân tích hồi cứu. Điều chúng ta chưa biết là có bao nhiêu phần trăm ung thư buồng trứng trong dân số xuất phát từ ống dẫn trứng. Đó là câu hỏi quan trọng. Một con số khác cần biết là tỷ lệ ung thư không liên quan đến di truyền xuất phát từ ống dẫn trứng”.
“Biện pháp này chỉ có thể tác động đáng kể đến tần suất ung thư buồng trứng khi phần lớn các trường hợp ung thư buồng trứng là xuất phát từ ống dẫn trứng”, ông nói thêm. “Cần có nghiên cứu về tác động của các yếu tố di truyền tiến hành song song trên càng nhiều bệnh nhân càng tốt. Rõ ràng là nếu bạn có nguy cơ cao hơn mắc ung thư buồng trứng do gen thì di truyền ắt hẳn là yếu tố nguy cơ chiếm tỷ lệ cao nhất trong dân số, khi đó tìm kiếm phát hiện người có nguy cơ cao có thể giúp cứu sống trực tiếp được nhiều phụ nữ. Số lượng ống dẫn trứng bị cắt bỏ để cứu sống bệnh nhân có thể sẽ ít hơn nhiều nếu bạn thực sự biết một phụ nữ nào đó có nguy cơ cao”.
“Cần tiến hành nhiều nghiên cứu để xem xét các nguy cơ tiềm ẩn. Điều này đương nhiên phức tạp hơn nhiều so với việc đơn giản là kẹp ống dẫn trứng, và thực tế là có một số phụ nữ sẽ hối hận về quyết định của mình nếu họ còn trẻ, đặc biệt là nếu bạn cắt toàn bộ ống dẫn trứng”.
Ông kết luận: “Tôi không hề phản đối ý tưởng này. Tôi chỉ tự hỏi liệu các lợi ích có đủ lớn hay không. Có thể nhiều phụ nữ sẽ suy nghĩ khác về vấn đề này”.
Nguồn:
Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia, bạn nên ngừa thai ít nhất 18 tháng sau sinh để cơ thể có được sự hồi phục tốt nhất cả về thể chất lẫn tinh thần trước khi mang thai lại. Do đó lựa chọn 1 biện pháp ngừa thai là một trong những vấn đề người phụ nữ cần quan tâm sau sinh. Tránh thai đúng cách và đúng thời điểm sẽ giúp chúng ta tránh được mang thai ngoài ý muốn.
Que cấy tránh thai là gì?
Là những ống nhỏ bằng chất dẻo chứa nội tiết progestin, được cấy dưới da, mặt trong của cánh tay không thuận của người phụ nữ, và có tác dụng ngừa thai. Hiệu quả ngừa thai lên đến 99,95% và kéo dài từ 3-5 năm.
Phá thai không an toàn vẫn là một vấn đề ở Việt Nam, với tỷ lệ mang thai không mong muốn và phá thai cao. Theo nghiên cứu của UNFPA năm 2016, hơn một nửa số ca phá thai là do mang thai ngoài ý muốn, và 17.4% phụ nữ đã phá thai ít nhất một lần. Các hậu quả của phá thai không an toàn bao gồm chảy máu, nhiễm trùng, vô kinh, vô sinh, sảy thai liên tục, thai ngoài tử cung và nhau tiền đạo. Những quan niệm sai lầm về sinh sản và biện pháp tránh thai cũng như thời điểm tránh thai thường dẫn đến thai ngoài ý muốn và quyết định phá thai. Do đó, cần thiết phải có các phương pháp tránh thai hiệu quả và an toàn.
Ngày nay với sự đa dạng của các loại hình phương pháp ngừa thai, thuốc viên ngừa thai kết hợp hàng ngày vẫn là phương pháp được đánh giá là hiệu quả cao, an toàn và được đông đảo chị em phụ nữ áp dụng để ngừa thai.
Ngừa thai khẩn cấp được sử dụng nhằm mục tiêu làm giảm xác suất có thai sau khi xảy ra quan hệ tình dục không an toàn
Ngừa thai là một trong những vấn đề người phụ nữ cần quan tâm sau sinh. Nếu không áp dụng biện pháp tránh thai, bạn có khả năng mang thai lại rất sớm sau khi buồng trứng có hoạt động rụng trứng trở lại.