Ngày 27/11/2018

Triệt sản đối với sản phụ mổ lấy thai nhiều lần? Nên hay không nên

Bs. Trương Quốc Dũng

Khoa Sản A

Hiện nay với sự tiến bộ của gây mê hồi sức, thuốc kháng sinh nên tỉ lệ mổ lấy thai ngày càng tăng, kéo theo đó là sự gia tăng của các sản phụ mổ lấy thai nhiều lần. Đối với sản phụ có mổ lấy thai 2 lần thì chỉ định đối với thai kỳ tiếp theo chắc chắn là mổ lấy thai. Giờ đây, các bác sỹ sản khoa phải đối mặt với hàng loạt biến chứng trong và sau phẫu thuật, nhất là những sản phụ có tiền căn mổ lấy thai nhiều lần như: Nhiễm trùng, viêm dính các tạng trong ổ bụng, tổn thương bàng quang, ruột, sẹo mổ trên eo tử cung khó lành, chảy máu, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, mất máu nhiều, vỡ tử cung, khả năng truyền máu cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của thai phụ, trẻ sơ sinh và về chi phí y tế.

Do số ca mổ lấy thai có vết mổ cũ có xu hướng ngày càng tăng nên yêu cầu đặt ra cần phải có những BPTT hiệu quả cao đối với sản phụ mổ lấy thai nhiều lần để giảm những nguy cơ trong những thai kỳ không mong muốn lần tiếp theo.

 Biện pháp tránh thai hiệu quả:

Hiện nay có rất nhiều biện pháp tránh thai trong đó biện pháp hiệu quả cao và có tác dụng lâu dài có 3 phương pháp:

  • Triệt sản
  • Implanon
  • Dụng cụ tử cung

SO SÁNH HIỆU QUẢ ĐIỂN HÌNH CỦA CÁC PHƯƠNG PHÁP NGỪA THAI

  

 

Bảng này được trích ra từ WHO (tổ chức y tế thế) giới www.who.int/reproductive-health/family-planning/tool.htm

Edit by: T.H

 

Triệt sản nữ là gì?

 

 

 

Nguồn hình minh họa: X-plain. Edit by: T.H

Triệt sản nữ là phương pháp làm tắc nghẽn ống dẫn trứng để ngăn không cho tinh trùng và trứng gặp nhau.

Điều kiện để triệt sản là sản phụ phải thỏa mãn những yêu cầu sau:

  1. Trên 30 tuổi
  2. Có ít nhất 2 con khỏe mạnh
  3. Con thứ 2 trên 3 tuổi

Triệt sản trong lúc mổ lấy thai đối với các sản phụ có đủ số con mong muốn và khỏe mạnh tỏ rõ sự ưu việt hơn đối với các biện pháp tránh thai (BPTT) khác như:

  • Là BPTT vĩnh viễn, an toàn, hiệu quả cao, đơn giản và rẻ tiền.
  • Sản phụ không phải theo dõi vị trí vòng tránh thai định kỳ như đối với BPTT dụng cụ tử cung.
  • Không phải trả chi phí cao đối với các BPTT như Implanon, vòng tránh thai mirena.
  • Không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chủ quan như quên thuốc trong thuốc uống tránh thai hay cách sử dụng sai trong sử dụng bao cao su.

Một số điều cần biết về triệt sản nữ:

Theo một tổng kết đa trung tâm về triệt sản tại Hoa Kỳ (Collborative Review of Sterilization: CREST) cho các kết quả như sau:

- Không có thay đổi đáng kể trong chu kỳ kinh nguyệt xảy ra sau triệt sản.

- Nhiều cặp vợ chồng lo ngại về ảnh hưởng của triệt sản làm giảm “ham muốn tình dục". Theo nghiên cứu của tác giả Costello và cộng sự cho thấy hơn 80% phụ nữ không có sự thay đổi trong ham muốn tình dục hay khoái cảm tình dục sau thắt ống dẫn trứng. Đặc biệt, trong số phụ nữ ghi nhận sự thay đổi phần lớn báo cáo tác động tình dục tích cực.

- Tuy nhiên nên chú ý rằng triệt sản không bảo vệ khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục, và cần phải kết hợp với một biện pháp tránh thai hợp lý khác.

- Sự hối tiếc sau triệt sản là đặc điểm phổ biến và lâu dài nhất của triệt sản, với tỉ lệ được báo cáo dao động từ 0,9-26% trong triệt sản nữ. Đối tượng dễ hối tiếc về sau nhất là những phụ nữ đã triệt sản khi còn trẻ tuổi (<30). Các yếu tố nguy cơ gây hối tiếc khác bao gồm: tiền thai, tình trạng hôn nhân, và sức khỏe con cái.

Nghiên cứu CREST được thực hiện trên qui mô rộng lớn nhưng không thấy biến chứng sức khỏe dài hạn khác sau khi triệt sản. Triệt sản nữ không cho thấy có sự tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú, bệnh ung thư nội mạc tử cung, hoặc giảm mật độ xương

Các biện pháp tránh thai cho hiệu quả cao khác:

Ngoài biện pháp triệt sản còn có những phương pháp khác đáp ứng được yêu cầu là biện pháp tránh thai lâu dài và đạt hiệu quả cao tương đương triệt sản:

Implanon: có hiệu quả tránh thai rất cao, que cấy implanon hiện đang lưu hành tại Việt Nam có thời hạn là 3 năm.

Đặt dụng cụ tử cung : Đây là phương pháp đơn giản, rẻ tiền, có hiệu quả cao có thời hạn lên đến 10 năm, nên nghĩ DCTC như là phương pháp “triệt sản có thể hồi phục được”.

Trên đây là những khái quát sơ lược nhất về các BPTT hiệu quả cao, các sản phụ nên tham vấn với bác sĩ để quyết định BPTT phù hợp nhất với mình.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1.  Centers for Disease Control and Prevention (2014), "Effectiveness of Contraceptive Methods".

2.  Peterson HB và các cộng sự (2000), "The risk of menstrual abnormalities after tubal sterilization", N Engl J Med. 343, tr. 1681–1687.

3.  Costello C và các cộng sự (2002), "The effect of interval tubal sterilization on sexual interest and pleasure", Obstet Gyneco, tr. 511–517.

4.  Hillis SD và các cộng sự (1999), "Poststerilization regret: findings from the United States Collaborative Review of Sterilization.", Obstet GynecoL. 93, tr. 889–895

5.  Irwin KL và các cộng sự (1998), "Hysterectomy, tubal sterilization, and the risk of breast cancer", Am J Epidemiol. 127, tr. 1192

6.  Fox KM và Cummings SR (1995), "Is tubal ligation a risk factor for low bone density and increased risk of fracture?", Am J Obstet Gynecol. 172, tr. 101–105

7.  Hankinson SE và các cộng sự (1993), "Tubal ligation, hysterectomy, and risk of ovarian cancer: a prospective study", JAMA. 270 tr. 2813–2818

8.  Narod SA và các cộng sự (2001), "Tubal ligation and risk of ovarian cancer in carriers of BRCA1 or BRCA2 mutations: a case-control study", Lancet. 357, tr. 1467–1470

Bs. Trương Quốc Dũng

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ