Ngân hàng sữa mẹ: giọt sữa từ tâm được khoa học công nhận
Ths.Hs.Lê Quỳnh Trang Đài
P. Điều dưỡng
Từ những ngân hàng sữa mẹ sơ khai tồn tại khoảng 100 năm trước, ngân hàng sữa mẹ (NHSM) ngày nay không còn là một cụm từ xa lạ trên thế giới, phát triển với tầm vóc quy mô hơn, khung quản lý chất lượng tốt hơn, hiện đại hơn. Trên 500 ngân hàng sữa mẹ từ các nước Bắc Mỹ, khối Châu Âu, Châu Phi, Nam Mỹ (phát triển mạnh mẽ bền vững như Brazil). Không dừng ở đó, lợi ích, sức ảnh hưởng của nó đã lan sang khu vực Châu Á như Đài Loan, Singapore và Thái Lan.
Mạng lưới Ngân Hàng Sữa Mẹ phát triển rộng khắp được thể hiện trên bản đồ của khu vực Bắc Mỹ.
Bắt kịp xu thế đó, Việt Nam đã có một ngân hàng sữa mẹ đầu tiên vào năm 2016, tại bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng nhờ sự đồng lòng của Ban Giám Đốc, Sở Y Tế thành phố Đà Nẵng, Bộ Y Tế, quỹ Bill và Melinda Gates tài trợ thông qua sáng kiến Alive and Thrive được quản lý bởi tổ chức FHI360.
Theo tổ chức FHI360 thông qua sáng kiến Alive and Thrive- đơn vị hỗ trợ kỹ thuật thành công cho NHSM đầu tiên tại Việt Nam, những yếu tố tiên quyết để thành lập được NHSM phải là đơn vị thực hiện Chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm tốt, tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ cả sinh thường và sinh mổ cao trên 80% vì đây là nguồn cung cấp sữa tiềm năng. Bên cạnh đó bệnh viện phải có số trẻ nguy cơ cao trên 2000 trẻ một năm, đây là nguồn nhận tiềm năng của NHSM. Không chỉ có vậy, cơ sở vật chất cần được nâng cấp, nhân sự của NHSM cần được đào tạo chuyên nghiệp và phải huy động nguồn quỹ hỗ trợ để đáp ứng được tiêu chuẩn hoạt động trong giai đoạn thành lập và vận hành. Bệnh viện Từ Dũ là đơn vị phụ trách chỉ đạo tuyến cho 32 tỉnh thành khu vực phía Nam với hơn 66.000 ca sinh một năm và mỗi ngày có hàng trăm trẻ non tháng bệnh lý đang điều trị tại Khoa sơ sinh khao khát nhận được nguồn sữa mẹ. Những trẻ này vẫn đang tiêu thụ sữa công thức cho trẻ non tháng khi sữa mẹ không có sẵn. Như vậy, bệnh viện Từ Dũ là đơn vị hoàn toàn phù hợp và nhiều tiềm năng để có thể triển khai một NHSM.
Hoạt động của NHSM là niềm hân hoan cho những nhân viên y tế khi biết rằng rồi đây những đứa trẻ nhẹ cân, thiếu tháng, bệnh lý đang giành giật sự sống nhưng thiếu sữa mẹ, sẽ có cơ hội sống sót và phục hồi cao hơn gấp 6 lần (WHO, 2008).Và hàng triệu bà mẹ ở những diễn đàn yêu sữa mẹ, đang vất vả sớm hôm chăm bón đứa con bé bỏng bằng dòng sữa của mình, được truyền một động lực lớn lao để tiếp tục hành trình nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Các mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ biết rằng họ đã và đang lựa chọn đúng. Sự lựa chọn dinh dưỡng cho con họ được khoa học chứng minh và được các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới đầu tư một cách bền vững.
Lợi ích đa tầng của NHSM: 1- Cho những trẻ có nguy cơ cao: Cung cấp nguồn dinh dưỡng tối ưu, hỗ trợ phát triển và hồi phục của những trẻ non tháng bệnh lý không có nguồn sữa mẹ. (Early Human Development, 2009) 2- Cho bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM): được truyền niềm tin trong sự chọn lựa dinh dưỡng cho con mình và góp phần tạo sự ảnh hưởng trong quyết định NCBSM của bà mẹ ở nhiều tháng sau khi xuất viện (Wilhelm SL, Rodehorst TK, Stepans MB, Hertzog M, Berens C, 2008-Appl Nurs Res.) 3- Cho cộng đồng: Nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc NCBSM (Bertino & Enrico, 2015-Journal of Pediatric Gastroenterology & Nutrition). 4- Cho chính nơi xây dựng NHSM: - Nâng cao được uy tín, chất lượng chăm sóc và điều trị - Trẻ có nhiều khả năng hồi phục tốt nên thời gian nằm viện ngắn (Schanler RJ, Shulman RJ, Lau C, 1999), có khả năng giảm tải cho khoa Sơ Sinh. -Nhân viên được làm việc trong môi trường mới, được đào tạo kiến thức và trang bị những kỹ năng tương tác với khách hàng, người bệnh. 5- Cho sự phát triển xã hội: Giúp những trẻ nguy cơ cao được hồi phục tốt, nhằm giảm những gánh nặng cho gia đình và xã hội trong tương lai (Israel Macedo,2012 & Unicef, 2015). |
Một lợi ích khác mà có lẽ chúng ta sẽ khó tìm thấy ở một tạp chí khoa học nào ghi nhận từ hoạt động của NHSM, đó là giá trị nhân văn khi tình người được lan rộng, lòng nhân ái được lay động ở mỗi mẫu sữa khi cho và nhận. Số người hiến sữa càng cao thể hiện được một xã hội biết quan tâm và chia sẻ, từ nơi đầy đủ đến nơi thiếu thốn. Những bà mẹ tham gia hiến sữa không vì bất cứ lợi nhuận cá nhân nào, cần được xã hội trân trọng và tôn vinh. Khi họ không chỉ là mẹ của riêng con mình, mà là mẹ, là nguồn sống của biết bao đứa trẻ khát sữa mẹ đang giành giật sự sống. Nhiều trường hợp thiếu sữa mẹ, trẻ vẫn sống bằng những nguồn dinh dưỡng thay thế khác, nhưng một số khiếm khuyết về hệ tiêu hóa, thị lực, trí não không được hỗ trợ tối ưu, đúng thời điểm để hồi phục, thì một gánh nặng không chỉ ở trẻ mà còn ở gia đình trẻ và ảnh hưởng đến cả một xã hội.
Theo bảng phân loại sữa ưu tiên cho trẻ non tháng nhẹ cân của Tổ Chức Y Tế Thế Giới:
Khi có con rồi, các mẹ mong ước điều gì nhất? Phải chăng là đứa con mình được phát triển khỏe mạnh và lành lặn. Và rồi khi thấy những đứa trẻ cùng lứa con mình sức khỏe có phần thiệt thòi hơn, thậm chí là ở ngưỡng sống còn, có lẽ họ sẽ dễ đồng cảm. Sự rung động trái tim sẽ thôi thúc hành động của những người mẹ cùng góp sức để thay đổi. Và quan trọng nhất là chúng ta kêu gọi sự hợp tác trong khả năng của họ. Nhưng lòng trắc ẩn đó phải đúng cách mới phát huy hết tác dụng mong đợi. Sự chia sẻ sẽ trọn vẹn nếu họ quyết định đồng hành cùng những nhân viên y tế. Đồng hành là không chỉ chấp nhận một hoặc hai lần hiến sữa, mà họ phải trải qua cả một quy trình từ sàng lọc, xét nghiệm, được đào tạo để biết cách giữ sữa đạt chất lượng như yêu cầu của NHSM. Tình thương đó phải đủ lớn để các mẹ bền bỉ ngày ngày tặng lại lượng sữa của mình dư ra và tích cóp ít nhất ba lít hoặc hơn thế nữa để giá trị tương xứng với cả quy trình sàng lọc.
Giá trị nhân văn, tình người đằng sau hoạt động của NHSM là đáng ca ngợi hơn bao giờ hết. Có lẽ đa phần những người mẹ và gia đình trẻ khi hiểu về lợi ích của sữa mẹ cũng muốn cho con dòng sữa của mình, nhưng mỗi mảnh đời là một câu chuyện mà chỉ những con người có đủ lòng nhân ái, sự quyết tâm mới có thể sát cánh cùng hoạt động NHSM, mang lại sự công bằng cho những trẻ nguy cơ cao tiếp cận được nguồn sống sớm nhất có thể.
Được đăng trên tạp chí Lancet năm 2013, nghiên cứu của tác giả Anne CC Lee, Joanne Katz, Hannah Blencowe, cùng cộng sự, sữa mẹ đặc biệt cần thiết cho hơn 32 triệu trẻ khi sinh ra có bệnh lý, nhẹ cân, non tháng hoặc bất kỳ những lý do gây dễ tổn thương nhất, ở những đất nước thu nhập thấp và trung bình, chiếm 27% tổng số sinh. Mặc dù cần thiết như vậy nhưng 15 đến 40% những trẻ có nhiều nguy cơ ở những khoa sơ sinh trên toàn thế giới vẫn không tiếp cập được nguồn sữa mẹ do, bệnh lý mẹ, mẹ tử vong hoặc sự cản trở tiếp cận sữa mẹ.
NHSM thu nhận, tiệt khuẩn, kiểm chuẩn và trữ an toàn, sữa được hiến từ những bà mẹ tiết sữa và đưa đến cho những trẻ đang thực cần, đảm bảo rằng thậm chí nếu những trẻ không được nuôi trực tiếp từ mẹ mình, các con vẫn nhận được nguồn sữa mẹ càng sớm càng tốt. Thực vậy, NHSM là chìa khóa để bảo vệ, khuyến khích và hỗ trợ việc nuôi con bằng sữa mẹ, một cách lý tưởng thì NHSM còn là nơi cung cấp, hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho những bà mẹ. Sự tồn tại của NHSM giúp mô hình tăng tỷ lệ tiếp cận sữa mẹ tại bệnh viện được hoàn chỉnh.
Mô hình mới của bệnh viện bạn hữu trẻ em: (Mother-Baby Friendly Initiative Plus model- MBFI+)
Nhằm tăng tính tiếp cận sữa mẹ
1- Truyền thông NCBSM
2- Hướng dẫn bà mẹ gia đình chăm sóc Kangaroo ở những trẻ non tháng và NCBSM hoàn toàn
3- Thành lập NHSM
Mô hình quy trình thực hiện của NHSM (PATH )
Tuy nhiên, hành trình xây dựng NHSM tại bệnh viên Từ Dũ sẽ nhiều gian nan và thách thức. Khi không có bất kỳ hướng dẫn nào bằng Tiếng Việt, theo hướng dẫn quốc tế quy trình nhưng mỗi nơi cần khảo sát để điều chỉnh tương thích với điều kiện nơi đặt NHSM, xây dựng và trang bị cơ sở vật chất để phù hợp yêu cầu thiết lập NHSM, số lượng trẻ cần nhận lớn, chương trình tiếp cận với những bà mẹ muốn hiến sữa phải rộng khắp, trong khi đối tượng của bệnh viện Từ Dũ không chỉ là các bà mẹ ở thành phố Hồ Chí Minh mà còn từ các tỉnh thành khu vực phía Nam. Mặc dù chúng tôi có kiến thức về NHSM, chúng tôi có đủ đội ngũ tinh nhuệ đầu nghành cho nhiều lĩnh vực sản, nhi, dinh dưỡng, chuyên gia sữa mẹ,… Nhưng chúng tôi thiếu kinh nghiệm cho việc xây dựng một NHSM quy mô đạt chuẩn như những nước trên thế giới. Mô hình phức tạp không chỉ ở chuyên môn, quy trình nghiêm ngặt mà con ở hành trình kêu gọi sự chung tay của cộng đồng, chiến thuật truyền thông rộng khắp thì chương trình mới có hiệu ứng lợi ích đa tầng. Trong khi đó mảng truyền thông tại các bệnh viện ở Việt Nam chưa thực sự phát triển đúng tầm, vì truyền thông giáo dục sức khỏe thường nhằm mục đích dự phòng nhưng các mô hình hiện nay của bệnh viện tại Việt Nam chủ yếu đáp ứng xử trí điều trị.
May mắn thay, với những bước đi chủ động, bệnh viện Từ Dũ chúng tôi không đơn độc, tổ chức FHI360, thông qua sáng kiến Alive and Thrive- một đơn vị đã có kinh nghiệm trong việc xây dựng NHSM nhiều nước trên thế giới và đầu tiên tại Việt Nam, đã đồng hành cùng bệnh viện và trở thành đơn vị hỗ trợ kỹ thuật cho bệnh viện Từ Dũ sau buổi họp đầu tiên ngày 28/4/2017.
Ngày 28/4/2017, tổ chức buổi họp đầu tiên về cơ hội thành lập Ngân Hàng Sữa Mẹ tại bệnh viện Từ Dũ
Đại diện Sở Y Tế TP.HCM: Ts.Bs. Tăng Chí Thượng- Phó GĐ cũng đến tham dự và
ủng hộ việc thành lập Ngân hàng sữa mẹ tại bệnh viện Từ Dũ
Buổi họp 28/4/2017 còn có sự tham gia của
đại diện Bộ Y Tế, Tổ chức Alive & Thrive, PATH và UNICEF
Ở vị trí là đơn vị Sản Phụ Khoa đầu ngành, chúng tôi tiến đến một bước cao hơn không chỉ là đơn vị khám và điều trị hiệu quả, mà chúng tôi giành lấy một sứ mạng điều trị dự phòng sức khỏe cho những trẻ non tháng, trẻ bị bệnh lý và mang lại niềm tin cho bà mẹ thiếu sữa cho con mình. Hơn tất cả, là để những giọt sữa từ tâm phát huy hết sự kỳ diệu của nó.
Khoa Tạo hình thẩm mỹ
Lầu 4 - Khu N - 191 Nguyễn Thị Minh Khai , Q.1
Thời gian làm việc: Từ thứ 2 đến thứ 6 trong giờ hành chánh
Số điện thoại: 028 5404 4155
Thời gian từ 01 đến 08/8/2024
Nhiều chất dinh dưỡng hoàn hảo. Dễ tiêu hóa, dễ hấp thu. Bảo vệ cơ thể chống các bệnh nhiễm khuẩn. Sữa mẹ giúp bé phát triển trí thông minh.
Cách bế trẻ khi cho bú đúng, hiệu quả
Cách ngậm bắt vú đúng
Một số tư thế khác khi cho trẻ bú mẹ
Khóc - Thư giãn - Tỉnh táo - Vận động - Nghỉ ngơi - Trườn - Làm quen vú mẹ - Bú mẹ - Ngủ