Ngày 17/08/2022

Sanh mổ cho con bú được không?

Đối với các mẹ sinh con bằng phương pháp sanh mổ thường mang tâm lý lo lắng về việc mình sinh mổ thì có thể thực hiện cho con bú mẹ được hay không. Liệu rằng mình có thể có sữa cho con bú sớm hay không? Phải cho bú tư thế nào để không bị đau? Sử dụng thuốc giảm đau có ảnh hưởng đến con không? Làm thế nào nếu trường hợp con không thể nằm chung với mẹ sau mổ ?... Đây chỉ là một vài trong rất nhiều câu hỏi mà các mẹ sanh mổ lo lắng trong giai đoạn vài ngày đầu sau mổ lấy thai.

Tuy nhiên, bất chấp những gì mẹ có thể đã nghe, việc cho con bú sau khi sinh mổ là hoàn toàn có thể. Mặc dù mẹ có thể phải đối mặt với những khó khăn, nhưng hầu hết các bà mẹ muốn nuôi con bằng sữa mẹ đều có thể thực hiện thành công sau khi sinh mổ.

Sanh mổ ảnh hưởng như thế nào lên việc nuôi con bằng sữa mẹ?

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng sinh mổ là một yếu tố ảnh hưởng đến việc cho con bú, thường gặp nhất là sữa mẹ về chậm hoặc mẹ ít sữa, đặc biệt là việc cho bú sớm. Hiểu về nguyên nhân tại sao lại như vậy có thể giúp mẹ phần nào có sự chuẩn bị tốt để vượt qua những khó khăn này:

1.      Sinh mổ có thể làm chậm thời gian bắt đầu cho con bú:

Chắc hẳn mẹ đã nghe nhiều về lợi ích của việc cho con bú sớm giai đoạn 1 giờ đầu sau sanh. Hầu hết người mẹ sanh thường được thực hiện da kề da và cho con bú ngay khi con vừa lọt lòng. Đối với mẹ sinh mổ thì sẽ có 2 trường hợp: mẹ và bé da kề da hoặc phải cách ly 2 mẹ con tạm thời.

-       Với các mẹ sinh mổ dùng phương pháp vô cảm là gây tê ngoài màng cứng hoặc gây tê tủy sống và sau khi bắt bé ra sức khỏe của mẹ và bé đều ổn định thì 100% các trường hợp sẽ được thực hiện da kề da (tại Bệnh viện Từ Dũ). Lúc này thậm chí mẹ có thể cho con bú ngay cả khi còn trong phòng mổ.

- Với các mẹ sinh mổ dùng phương pháp gây mê toàn thân, hoặc vì lý do sức khỏe của bé cần được chăm sóc sơ sinh đặc biệt thì mẹ và bé sẽ không được thực hiện da kề da. Việc bú mẹ sẽ không được bắt đầu sớm, tuy nhiên mẹ đừng quá lo lắng sẽ làm tâm lý của mẹ không tốt, điều này cũng trực tiếp ảnh hưởng lên việc tạo sữa. Trường hợp này mẹ cần nhiều hơn thời gian để phục hồi sau mổ hơn, hãy tạo mọi điều kiện cho cơ thể được điều dưỡng tốt và mẹ sẽ ôm con da kề da và tập cho con bú ngay khi 2 mẹ con có thể gặp lại nhau, bé vẫn được hưởng những lợi ích từ việc NCBSM.

2.      Sinh mổ làm sữa mẹ chậm về:

Sữa mẹ có 2 giai đoạn chính: sữa nonsữa trưởng thành.

-         Sữa non được hình thành từ tuần 14 – 16 của thai kỳ và được tiết ra trong 1 – 3 ngày đầu sau sanh, có màu nhạt, sánh đặc. Lượng sữa non ít nên mẹ sẽ không cảm thấy căng vú.

-           Sau 3-5 ngày, sữa non chuyển thành sữa trưởng thành. Sữa trưởng thành gồm có sữa đầu bữa (có màu trắng, hơi xanh, chứa nhiều nước và các chất dinh dưỡng) và sữa cuối bữa (có màu trắng sữa, chứa nhiều chất béo, cung cấp nhiều năng lượng)

Các nghiên cứu (*) từ nguồn Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) đã chỉ ra rằng những người mẹ sanh mổ chậm tạo sữa trưởng thành.

Tuy nhiên trong những ngày đầu sau sanh thì mẹ sanh mổ vẫn có sản xuất sữa non. Sữa non tuy có số lượng ít nhưng độ đậm cao, giàu kháng thể và các chất bảo vệ khác cho em bé. Nhưng trên thực tế vẫn có nhiều mẹ sanh mổ có thể đã nản lòng vì cố nắn bóp bầu ngực mình nhưng không thấy chảy ra một giọt sữa nào.

Đừng bỏ cuộc!

Vẫn có nhiều biện pháp giúp cho quá trình này được nhanh hơn, bằng cách:

-       Thực hiện da kề da với con nhiều hơn, sẽ giúp tuyến sữa của mẹ được kích thích.

-       Cho con bú càng nhiều càng tốt: cho bú theo nhu cầu của con kể cả khi mẹ chưa thấy có sữa, đừng chờ cho đến khi sữa “về” mới cho con bú. Mẹ chú ý các dấu hiệu đòi bú của con và sớm cho con bú, hoặc 2 – 3 tiếng gọi con dậy bú 1 lần (không để bé ngủ quá 4 tiếng).

Nguyên tắc: Bé bú càng nhiều thì sữa mẹ càng nhanh về và càng tiết ra nhiều.

Nhưng để làm được việc cho con bú thường xuyên trong vòng 1-2 ngày đầu sau sanh mổ là điều không hề dễ dàng, nhất là khi mẹ còn đang rất mệt sau cuộc mổ, tay mẹ còn đang phải truyền dịch. Phần dưới bài viết này sẽ hướng dẫn các tư thế bú phù hợp nhất để các mẹ sanh mổ có thể thoải mái hơn trong việc cho con bú thường xuyên. Ngoài ra mẹ nên: ngủ khi con ngủ và hạn chế tối đa khách thăm để nghỉ ngơi nhiều nhất có thể, đưa nôi của con lại gần giường để có thể dễ dàng quan sát nhu cầu của con cũng như sẵn sàng đáp ứng.

-     Sử dụng máy hút sữa và vắt sữa bằng tay:

Trong trường hợp vì nhiều lý do con không thể gần mẹ ngay sau sanh mổ thì từ 12 giờ đồng hồ sau mổ mẹ có thể bắt đầu kích thích sự lên sữa bằng cách dùng máy hút sữa. Trước khi hút mẹ có thể làm động tác mát xa phần bầu ngực với khăn ấm. Đặt máy hút sữa để kích thích mỗi 2-3 tiếng. Mẹ lưu ý lúc này chúng ta đang dùng máy hút để kích thích sự lên sữa, không nên quá kỳ vọng vào việc sẽ vắt ra sữa. Tác dụng của máy hút sữa lúc này là đang mô phỏng giống như có em bé đang bú trực tiếp để kích thích cơ thể mẹ tạo sữa. Mẹ không hút quá lâu trong 1 lần (khoảng 10 – 15 phút/ lần) với chế độ vừa phải mà mẹ cảm thấy dễ chịu. Cũng có mẹ vì quá kỳ vọng vào việc đặt máy hút sữa vào để hút ra sữa nên đã hút lâu và tăng cường độ hút mạnh làm cho đầu vú bị sưng, nề thậm chí chảy máu.

Để có thể vắt ra sữa non trong những ngày đầu thì phương pháp vắt sữa bằng tay là hiệu quả nhất. Cách này cũng phù hợp với trường hợp mẹ tập cho bé bú ngay từ đầu nhưng chưa hiệu quả, bé vẫn không bú được sữa non thì mẹ thực hiện vắt sữa non bằng tay để cho con uống bằng thìa. Chi tiết cách vắt sữa non bằng tay mẹ tải tại link sau:

https://drive.google.com/file/d/1FVfmlEHuKUKd6UImd2TZW7YEJzhOQWHs/view?usp=sharing

 3.   Các cơn đau ảnh hưởng đến việc cho con bú:

Mẹ cần được sử dụng thuốc giảm đau sau khi sinh mổ. Việc đau vết mổ và các cơn co tử cung có thể sẽ khiến mẹ rất khó khăn trong việc ôm con cho bú. Hãy cho bác sĩ biết để được chỉ định thuốc giảm đau an toàn cho mẹ và bé. Thuốc sẽ giúp mẹ giảm đau và giúp thư giãn để cơ thể có thể tập trung vào việc hồi phục và bắt đầu tạo sữa.

Giai đoạn vài ngày đầu việc lựa chọn được tư thế bú thoải mái là rất quan trọng, giúp mẹ thực hiện cho con bú dễ dàng hơn.

Sau đây là các tư thế mẹ có thể thử:

  • Tư thế nằm nghiêng

Đây là tư thế rất phù hợp khi mẹ còn mệt sau sanh mổ, và giữ cho vết mổ không bị tác động khi cho bú. 

-      Mẹ nằm nghiêng 1 bên và đặt bé ngay bên cạnh. Mẹ có thể dùng gối để tựa đầu, tựa lưng và kẹp giữa 2 đầu gối sao cho thoải mái nhất. Lưu ý gối tựa đầu của mẹ phải đảm bảo không được quá gần đầu hay mặt bé. Mẹ dùng 1 tay để chặn gối lại để gối ko chạm vào bé. Tay còn lại mẹ dùng hỗ trợ bé nằm đúng tư thế hoặc nâng đỡ bầu vú để bé dễ dàng ngậm bắt vú

-      Em bé nằm nghiêng hướng về mẹ, bụng bé chạm bụng mẹ, sao cho tai – vai – hông bé phải nằm thẳng hàng. Cuộn khăn hoặc mền lót phía lưng bé để hỗ trợ bé nằm nghiêng bú được dễ dàng. Lưu ý cần lấy khăn/mền ra khỏi khi bé đã bú xong.

Lưu ý: giai đoạn 1-2 ngày đầu bé có thể hay nhả nhớt trong miệng, bị ọc hoặc bị sặc nên khi nằm cho bú mẹ có thể nâng đầu giường lên cao hơn một chút hoặc lót cho bé nằm tư thế đầu cao hơn thân người. Người thân đi chăm sản phụ cần canh chừng 2 mẹ con lúc này vì mẹ còn mệt nên trong quá trình nằm cho bú có thể sẽ ngủ thiếp đi và đè con.

  • Tư thế nằm nửa ngồi

Với tư thế này mẹ hoàn toàn có thể cho con bú mà không chạm vào vết mổ

-      Mẹ có thể nằm trên giường với tư thế nằm cao, bằng cách nâng đầu giường cao lên tầm 30 - 45 độ hoặc lót gối để nằm cao ở tư thế nửa nằm – nửa ngồi.

-      Đặt bé nằm trên người mẹ, mặt bé đối diện vú mẹ, theo bản năng bé sẽ tự tìm đến núm vú và ngậm bắt vú.

  • Tư thế ôm bé dưới cánh tay (tư thế ôm bóng)
Đây là tư thế ngồi cho bé bú nhưng ít tạo áp lực lên vết mổ. Với tư thế này mẹ nâng giường cao lên ở tư thế ngồi hoặc có thể ngồi dựa vào tường (cần lót gối ở lưng để mẹ cảm thấy thoải mái). Cần thêm 1 chiếc gối hoặc mền, khăn đặt dưới cánh tay mẹ để nâng đỡ phần thân người của bé. Ôm bé một bên giống như tư thế đang kẹp ôm 1 quả bóng.

 4.   Yếu tố tâm lý của mẹ sau sanh mổ ảnh hưởng đến việc NCBSM:

Trên hết yếu tố tâm lý của người mẹ sau sanh ảnh hưởng rất lớn đến việc tạo và tiết sữa. Khi mẹ căng thẳng cơ thể sẽ tiết ra hóc môn làm chậm quá trình tạo sữa. Mẹ có thể cảm thấy mệt mỏi bởi quá nhiều khó khăn bủa vây. Lúc này điều cần làm nhất là chia sẻ cảm xúc với người nhà để được thấu hiểu và sẵn sàng hỗ trợ mẹ trong quá trình sau sanh và cho con bú.

Mặc dù dự đoán trước được những khó khăn sẽ gặp phải sau khi sinh mổ nhưng cũng có thể mẹ sẽ không kiểm soát được cảm xúc của mình khi đối mặt. Đừng bỏ cuộc! Lúc này mẹ đừng ngần ngại yêu cầu sự hỗ trợ từ bác sĩ và nhân viên y tế để được khám, tư vấn, cho lời khuyên và hướng dẫn các kỹ năng nuôi con bằng sữa mẹ để mẹ có thể an tâm, tự tin và thoải mái về tinh thần. Cố gắng nghỉ ngơi nhiều, tranh thủ ngủ khi con ngủ và hạn chế tối đa khách vào thăm để nghỉ ngơi nhiều nhất có thể.

Như vậy, nuôi con bằng sữa mẹ ngay sau sanh mổ là điều hoàn toàn có thể, nhưng không có nghĩa là sẽ dễ dàng. Trên tất cả, mẹ hãy nhớ rằng mẹ chính là người mẹ tuyệt vời nhất của con, cùng tình yêu với con mẹ nhất định sẽ làm được. Trải qua được những khó khăn ở những ngày đầu sau mổ thì những ngày sau đó khi cơ thể mẹ đã dần phục hồi, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

T.H

Tài liệu tham khảo:

(*) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4847344/

https://www.healthline.com/health/breastfeeding/breastfeeding-after-c-section#takeaway

https://www.nct.org.uk/baby-toddler/feeding/early-days/breastfeeding-after-caesarean-birth

Tài liệu “Nuôi dưỡng trẻ nhỏ” – Bộ Y tế ban hành theo QĐ số 5063/QĐ-BYT

CNHS. Phạm Thu Hằng

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ