Ngày 08/08/2022

Vỗ ợ hơi cho bé

    Vỗ ợ hơi là một phần quan trọng trong quá trình bé bú mẹ. Khi bé nuốt sữa bé có thể đã nuốt hơi vào bao tử nên có thể khiến bé cảm thấy không thoải mái sau khi bú. Một số bé có thể tự ợ hơi ra dễ dàng, một số thì cần có người lớn giúp vỗ ợ hơi.

    Những dấu hiệu cho thấy bé bị đầy hơi: bé quấy khóc, cong lưng, thu chân vào bụng hay nắm chặt tay.

    Khi nào chúng ta cần vỗ ợ hơi cho bé?

    Thực ra cũng không có một quy luật chắc chắn về thời gian chúng ta cần vỗ ợ hơi cho bé. Một số em bé cần được ợ hơi trong quá trình bú mẹ, số khác thì cần vỗ ợ sau khi bú xong. Vì vậy, chúng ta cần nhận thấy các dấu hiệu trông như trẻ đang không thoải mái trong khi đang bú và cần được nghỉ để vỗ ợ. Còn nếu bé bú một cách bình thường thì mẹ đợi đến khi bé bú xong sẽ giúp bé ợ hơi.

    Các tư thế vỗ ợ hơi cho bé

    Cần nâng đỡ đầu và cổ của bé và đảm bảo bụng và lưng bé thẳng (không được cong). Mẹ có thể xoa hoặc vỗ lưng bé một cách nhẹ nhàng. Không cần phải tốn nhiều thời gian để vỗ ợ hơi cho bé, chỉ cần vài phút là đủ (sau khi vỗ ợ hơi vài phút thì mẹ vẫn bế bé hoặc để bé ở tư thế cao khoảng 15 -20 phút chứ không nên đặt bé nằm xuống ngay).

    Lưu ý khi vỗ ợ hơi cho bé thì bé có thể sẽ ọc ra 1 ít sữa hoặc nhả nhớt, mẹ không cần lo lắng và nên lót sẵn 1 miếng khăn sữa ngay miệng bé.

    Sau đây là vài tư thế ôm vỗ ợ hơi cho bé, mẹ nên thử tất cả các tư thế sau để có thể tìm ra được tư thế nào mà bé cảm thấy thoải mái nhất.

    1. Bế bé trên vai:


    • Ôm bé thẳng đứng, cằm của bé đặt thoải mái lên vai mẹ.
    • Một tay mẹ nâng đỡ phần đầu và cổ của bé. Sau đó mẹ nhẹ nhàng xoa và vỗ nhẹ vào lưng bé.

    Mẹo: Khi vỗ lưng mẹ chụm bàn tay lại và vỗ sẽ giúp bé dễ chịu hơn. Khi thực hiện mẹ cũng có thể ôm con đi đi lại lại trong phòng.

    2.  Đặt bé ngồi trên đùi:


    • Đặt bé ngồi trên đùi.
    • Mẹ dùng 1 bàn tay để nâng đỡ phần cằm và ngực bé (nhìn kỹ thuật nâng đỡ bằng bàn tay ở hình trên)
    • Tay còn lại xoa hoặc vỗ lưng bé nhẹ nhàng.

    3. Đặt bé nằm sấp ngang trên đùi:

    • Đặt bé nằm sấp ngang qua đùi mẹ.
    • Nâng đỡ phần cằm của bé (lưu ý không đặt bất kỳ 1 lực nào vào phần cổ của bé).
    • Tay còn lại xoa hoặc vỗ lưng nhẹ nhàng.

    Phải làm sao nếu bé không ợ hơi?

    Trên thực tế không phải tất cả trẻ sau khi bú và cho vỗ ợ hơi thì đều ợ hơi ra ngoài. Hầu hết là trẻ sẽ ợ và mẹ có thể nghe rõ tiếng ợ của bé. Nếu mẹ không thấy bé ợ có thể là bé ợ nhỏ, hoặc không ợ nhưng nếu bé trông thoải mái, dễ chịu thì mẹ không cần lo lắng.

    Nếu sau khi đã thực hiện các bước vỗ ợ hơi như trên mà bé vẫn còn các dấu hiệu bị đầy hơi như: quấy khóc, cong lưng, thu chân vào bụng hay nắm chặt tay. Lúc này mẹ đặt bé nằm ngửa và nhẹ nhàng mát xa bụng cho bé và nắm 2 chân bé làm động tác đưa vào bụng và đẩy ra (giống như động tác đạp xe đạp). Nếu sau khi đã thực hiện tất cả mà tình trạng đầy hơi của bé không được cải thiện thì cần gặp bác sĩ để được tư vấn.

    Video hướng dẫn cho bé ợ hơi:

    Nguồn video: UNICEF

    Nguồn video: healthline.com

    T.H

    Tài liệu tham khảo:

    https://www.nhs.uk/start4life/baby/feeding-your-baby/breastfeeding/how-to-breastfeed/breastfeeding-positions/#anchor-tabs

    https://www.unicef.org/parenting/child-care/how-to-burp-baby

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ