Ngày 07/12/2021

Nang lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng là gì?

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

Phòng Công tác xã hội

Hình  minh họa - nguồn internet

Nội mạc tử cung (NMTC) là lớp tế bào lót trong lòng tử cung, nguồn gốc của kinh nguyệt ở người phụ nữ. Khi các tế bào này phát triển ở một vị trí khác ngoài lòng tử cung như phúc mạc, bàng quang, trực tràng, âm đạo, buồng trứng, ống dẫn trứng … nó tạo nên các sang thương lạc nội mạc tử cung ở các vị trí này, gọi là bệnh lý lạc nội mạc tử cung. Đây là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Khi tế bào NMTC phát triển ở buồng trứng, tại vị trí đó dần dần sẽ hình thành nên các nang chứa dịch giàu hemosiderin, là kết quả của sự tích tụ lâu ngày sản phẩm thoái hóa của các tế bào máu và NMTC bên trong nang. Chúng được gọi là nang lạc NMTC ở buồng trứng. Các nang này có thể hình thành ở một hoặc cả hai buồng trứng, dịch bên trong nang thường có màu nâu đen giống như socola. Kích thước nang cũng rất thay đổi, chúng thường có kích thước nhỏ (<5cm) nhưng đôi khi có thể phát triển lớn tới hơn 20cm.

Nang lạc NMTC có gây hại đến bạn không?

Nang lạc NMTC ở buồng trứng là bệnh lý lành tính (không phải ung thư). Tuy vậy chúng có thể là nguyên nhân gây nên một số vấn đề khó giải quyết, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, bao gồm:

  • Đau vùng chậu mạn tính
  • Khó thụ thai hoặc vô sinh
  • Rối loạn chức năng bình thường của buồng trứng
  • Suy chức năng buồng trứng sớm

Bên cạnh đó, có một số biến chứng người bệnh có thể gặp phải như:

  • Vỡ nang: thoát dịch nang vào khoang phúc mạc có thể gây đau bụng cấp, viêm phúc mạc …
  • Xoắn phần phụ: nang lạc NMTC thường gây viêm dính buồng trứng, do đó ít có nguy cơ gây xoắn phần phụ hơn so với các loại u nang buồng trứng khác. Tuy nhiên vẫn có một số ít trường hợp xảy ra xoắn phần phụ, gây đau và hoại tử buồng trứng.
  • U nang quá to gây chèn ép và rối loạn chức năng các cơ quan vùng chậu: chèn ép niệu quản gây dãn niệu quản, thận ứ nước; rối loạn đi tiêu do chèn ép trực tràng…

Trong số các vấn đề trên, đau vùng chậu mạn tính là triệu chứng thường gặp và gây ảnh hưởng nhất đến người bệnh. Ở những trường hợp này, bên cạnh nang lạc NMTC ở buồng trứng, người bệnh thường có kèm theo lạc NMTC ở những vị trí khác của vùng chậu như vách trực tràng-âm đạo, phúc mạc sâu, tử cung. Đặc điểm đau thường âm ỉ nhẹ, đau tăng lên trước hoặc trong khi hành kinh. Đôi khi đau khi giao hợp. Khi kích thước u to, bạn có thể quan sát hoặc sờ thấy khối u nhô lên ở vùng bụng dưới rốn. Mức độ đau thường có liên quan với kích thước nang và các sang thương lạc NMTC kèm theo ở các vị trí khác. Nang lạc NMTC ở buồng trứng kích thước nhỏ thường không gây đau. Một số phụ nữ có thể chỉ tình cờ phát hiện nang lạc NMTC ở buồng trứng khi khám và siêu âm phụ khoa định kì mà không có bất kỳ triệu chứng nào.

Mặc dù một số trường hợp nang lạc NMTC không gây triệu chứng rõ ràng, nó có thể âm thầm làm suy giảm chức năng buồng trứng, hậu quả là người phụ nữ có thể khó có thai trong tương lai. Mức độ suy giảm chức năng buồng trứng được cho là có liên quan với thời gian tồn tại của nang lạc NMTC. Bên cạnh đó, khi thời gian tồn tại lạc NMTC càng kéo dài, các tổn thương viêm do lạc NMTC ở vùng chậu sẽ càng nặng nề hơn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây vô sinh. Do đó, người bệnh khi phát hiện bệnh lý lạc NMTC được khuyên nên lập kế hoạch mang thai sớm trước khi tình trạng viêm xảy ra nặng nề hơn. Hãy khám chuyên khoa hỗ trợ sinh sản sớm nếu bạn khó có thai hoặc vô sinh (không có thai sau 12 tháng không sử dụng biện pháp ngừa thai).

Chẩn đoán nang lạc NMTC ở buồng trứng:

- Khảo sát các đặc điểm của triệu chứng đau vùng chậu giúp gợi ý bệnh lý lạc NMTC.

- Khám vùng chậu có thể sờ thấy một khối u ở phần phụ (buồng trứng), đặc điểm u thường ít di động do viêm dính. Ngoài ra, có thể sờ thấy được các sang thương lạc NMTC ở vị trí khác như ở vách trực tràng âm đạo (nếu có).

- Siêu âm phụ khoa quan sát thấy hình ảnh nang echo kém ở buồng trứng kèm theo các đặc điểm khác gợi ý sang thương lạc NMTC. Với những u quá to hoặc có đặc điểm phức tạp, chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể giúp đánh giá rõ hơn cấu trúc của buồng trứng cũng như các cơ quan có liên quan ở vùng chậu.

 

Hình ảnh siêu âm nang lạc NMTC ở buồng trứng

- Nội soi ổ bụng cũng là một phương pháp chẩn đoán bệnh lý lạc NMTC. Nó cho phép quan sát được tàn bộ các sang thương lạc NMTC ở ổ bụng trong đó có buồng trứng, bàng quang, trực tràng, tử cung, ống dẫn trứng và phúc mạc… từ đó đưa ra đánh giá và quyết định điều trị phù hợp. Tuy nhiên đây là một phẫu thật xâm lấn, cần cân nhắc kỹ trước khi thực hiện. Nội soi ổ bụng thường được thực hiện khi người bệnh có chỉ định điều trị bệnh lý lạc NMTC bằng phẫu thuật.

 

Hình ảnh nang lạc NMTC ở buổng trứng trong phẫu thuật nội soi ổ bụng

 Các lựa chọn điều trị cho bệnh lý lạc NMTC ở buồng trứng:

Để lựa chọn phương pháp điều trị, cần cân nhắc đến tuổi, đặc điểm triệu chứng đau, tình trạng hôn nhân cũng như mong muốn có con của người bệnh. Các phương pháp có thể lựa chọn bao gồm:

- Điều trị theo dõi: áp dụng khi người bệnh có nang lạc NMTC ở buồng trứng kích thước nhỏ, không biến chứng và không có triệu chứng như đau vùng chậu hoặc vô sinh. Bạn nên khám phụ khoa mỗi 6 tháng đến 1 năm để theo dõi về sự thay đổi các đặc điểm của nang lạc NMTC cũng như sự xuất hiện các triệu chứng mới.

- Điều trị nội khoa: thường được lựa chọn để điều trị triệu chứng đau vùng chậu. Tùy vào mức độ đau, sự đáp ứng với thuốc, đồng thời cân nhắc các tác dụng phụ của thuốc khi sử dụng lâu dài, có thể điều trị đau bằng các loại thuốc không hormone (thuốc giảm đau, NSAIDs) hoặc hormone (progestin, GnRH analogues, AI). Cần lưu ý rằng, điều trị nội khoa không có tác dụng làm khối u nang biến mất. Người bệnh khó có con hoặc vô sinh sẽ được điều trị tại chuyên khoa hỗ trợ sinh sản.

- Điều trị phẫu thuật: được lựa chọn khi người bệnh gặp phải biến chứng như vỡ nang, xoắn phần phụ hoặc kích thước nang quá lớn gây chèn ép các cơ quan vùng chậu (niệu quản, trực tràng) hoặc triệu chứng đau trầm trọng và không đáp ứng với điều trị nội khoa. Phẫu thuật bóc u nang có thể gây suy giảm dự trữ buồng trứng và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trong tương lai của người phụ nữ, vì vậy, không nên lựa chọn phẫu thuật cho những trường hợp nang lạc NMTC không có biến chứng. Sau phẫu thuật, bạn vẫn có nguy cơ tái phát nang lạc NMTC (20-30%). Do đó, người bệnh nên tiếp tục theo dõi phụ khoa định kỳ, có thể cần phối hợp điều trị nội khoa sau phẫu thuật nhằm hạn chế nguy cơ tái phát hoặc để kiểm soát triệu chứng đau (nếu vẫn còn đau sau phẫu thuật). Ở hầu hết trường hợp, bệnh lý sẽ thuyên giảm khi người bệnh bước vào thời kỳ mãn kinh.

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ