Ngày 30/11/2018

Bác sĩ khuyên gì cho mẹ bầu đi máy bay?

    Nhìn chung, việc di chuyển bằng máy bay trong thời kỳ mang thai là an toàn đối với những thai kỳ khỏe mạnh, không có nguy cơ bệnh lý kèm theo. Theo một số nghiên cứu (2) gần đây cho thấy, việc di chuyển bằng máy bay trong thời kỳ mang thai không làm gia tăng các nguy cơ hay biến chứng cho thai kỳ.

    Tuy nhiên, việc di chuyển bằng máy bay không được khuyến khích tại bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ đối với phụ nữ mang thai có nguy cơ về bệnh lý nội khoa hay sản khoa.

     

    Thời gian của chuyến bay cũng là điều đáng lưu ý đối với các mẹ bầu vì các trường hợp cấp cứu sản khoa có thể xảy ra đặc biệt ở giai đoạn 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ.

    Quy định của hãng hàng không đối với phụ nữ mang thai:

    Để đảm bảo tốt nhất cho người mang thai, hầu hết các hãng hàng không thương mại trên thế giới cho phép vận chuyển hành khách mang thai cho đến tuổi thai 36 tuần. Tại Việt Nam, các hãng hàng không cũng có những quy định cụ thể về việc vận chuyển hành khách mang thai như sau:

    • Dưới 32 tuần: được vận chuyển như hành khách thông thường.
    • Từ 32 – 36 tuần: phải có giấy xác nhận sức khỏe trước chuyến bay.
    • Trên 36 tuần; hoặc có thời gian dự kiến sanh trong vòng 7 ngày; hoặc phụ nữ sau sanh 7 ngày: không được vận chuyển vì sự an toàn về sức khỏe.

    Những điều cần lưu ý khi vận chuyển bằng máy bay đối với phụ nữ mang thai:

    Khi đi máy bay điều kiện môi trường xung quanh sẽ thay đổi, chẳng hạn như thay đổi áp suất, hay độ ẩm thấp trong khoang máy bay cùng với những thay đổi sinh lý trong thai kỳ sẽ dẫn đến tăng nhịp tim, tăng huyết áp và giảm đáng kể khả năng thông khí. Theo nghiên cứu (3) của các chuyên gia cho thấy tỷ lệ hô hấp ở các mẹ bầu có gia tăng ngắn trong thời gian cất cánh và hạ cánh nhưng vẫn không thay đổi trong suốt thời gian còn lại của chuyến bay. Nhịp tim thai nhi trung bình nằm trong giới hạn bình thường trong thời gian bay.

    Việc ngồi lâu cố định một chổ và độ ẩm thấp trong khoang máy bay kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ cũng dẫn đến những nguy cơ như phù chi dưới và huyết khối tĩnh mạch. Mặc dù thiếu những bằng chứng y khoa về việc này tuy nhiên chúng ta nên phòng ngừa các rủi ro này có thể xảy ra đối với phụ nữ mang thai bằng cách: sử dụng vớ y khoa, tránh mặc quần áo bó chặt, vận động đôi chân thường xuyên, thỉnh thoảng đi lại trong khoang và duy trì đủ nước.

     

     

    Những động tác vận động các mẹ bầu có thể áp dụng khi ngồi trên máy bay – lưu ý cần cung cấp đủ nước trong suốt hành trình. (Ảnh minh họa: evaair.com – editby: T.H)

    Rối loạn không khí và nguy cơ chấn thương trong hành trình bay không thể dự đoán trước, do đó hành khách -  đặc biệt là phụ nữ mang thai cần chú ý sử dụng đai thắt an toàn liên tục khi ngồi. Dây an toàn phải được thắt thấp trên xương hông. Tránh những đồ ăn hay thức uống có mùi. Nên dùng thuốc chống nôn để phòng ngừa cho phụ nữ bị buồn nôn.

    Khi di chuyển bằng máy bay, tiếng ồn, rung động và bức xạ thể hiện rủi ro nhưng không đáng kể đối với phụ nữ mang thai. Theo The National Council on Radiation Protection and Measurements and the International Commission on Radiological Protection khuyến cáo giới hạn bức xạ tối đa phơi nhiễm 1 người /1 năm là 1000 mSv (100 rem) trong cộng đồng dân số chung và 1 mSv (0.1 rem) trong suốt 40 tuần thai kỳ. Hầu như rủi ro phơi nhiễm bức xạ cho thai không đáng kể. Ngay cả các chuyến bay liên lục địa dài nhất, phơi nhiễm bức xạ không quá 15% giới hạn trên, do đó hiếm khi vượt quá phơi nhiễm bức xạ cho thai. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai cần được thông báo về vấn đề này.

    Nhìn chung, di chuyển bằng đường hàng không là an toàn với phụ nữ mang thai với điều kiện thai kỳ không kèm các bệnh lý khác về nội khoa hay sản khoa. 

    Và các mẹ bầu khi đi máy bay nên lưu ý các vấn đề sau:

    1. Cần tìm hiểu kỹ về quy định vận chuyển hành khách mang thai của từng hãng hàng không.
    2. Tiếng ồn, rung động và bức xạ thể hiện rủi ro nhưng không đáng kể đối với phụ nữ mang thai.
    3. Mang theo sổ khám thai, để khi xảy ra sự cố ngoài ý muốn thì có cơ sở y khoa để bác sĩ có thể can thiệp phù hợp.  Mẹ bầu cũng cần thông tin về dự định đi máy bay của mình khi đi khám thai, để bác sĩ có thể đưa ra những lời khuyên phù hợp khi có các dấu hiệu nguy hiểm.
    4. Hạn chế di chuyển bằng đường máy bay khi thai lớn (trên 36 tuần) vì sự chuyển dạ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

    (T.H)

    Tổng hợp và lược dịch

    Tài liệu tham khảo:

    1. https://www.acog.org/Clinical-Guidance-and-Publications/Committee-Opinions/Committee-on-Obstetric-Practice/Air-Travel-During-Pregnancy
    2. Freeman M, Ghidini A, Spong CY, Tchabo N, Bannon PZ, Pezzullo JC. Does air travel affect pregnancy outcome? Arch Gynecol Obstet 2004;269:274–7.
    3. Huch R, Baumann H, Fallenstein F, Schneider KT, Holdener F, Huch A. Physiologic changes in pregnant women and their fetuses during jet air travel. Am J Obstet Gynecol 1986;154:996–1000.
    4. https://www.vietnamairlines.com/la/vi/travel-information/special-services/pregnant-passengers
    CN. Phạm Thu Hằng

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ