Các nguy cơ có thể gặp phải khi mổ lấy thai
ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
Phòng Công tác xã hội
Hình minh họa - nguồn internet |
Mổ lấy thai (còn gọi là mổ bắt con hoặc sinh mổ) là một phương pháp sinh bằng phẫu thuật, nhằm mục đích đưa thai nhi ra ngoài qua vết rạch trên tử cung và thành bụng. Mổ lấy thai có thể được lên kế hoạch từ trước nếu bạn có các yếu tố chống chỉ định sinh ngả âm đạo hoặc được quyết định trong quá trình theo dõi chuyển dạ sinh thường.
Mổ lấy thai góp phần làm giảm đáng kể tỉ lệ tai biến và tử vong cho mẹ và thai ở những thai kỳ khó sinh ngả âm đạo. Tuy nhiên, cũng như những cuộc phẫu thuật lớn khác, phẫu thuật lấy thai cũng có các biến chứng liên quan đến phẫu thuật và gây mê cần phải lưu ý.
Các nguy cơ cho trẻ sơ sinh bao gồm:
- Suy hô hấp sau sinh: Trẻ sinh ra bằng phương pháp mổ có nhiều nguy cơ bị suy hô hấp hơn so với trẻ sinh thường, đặc biệt với các thai kỳ dưới 39 tuần. Trẻ sinh mổ chủ động có nguy cơ nhập khoa hồi sức sơ sinh vì bệnh lý hô hấp cao gấp 2-3 lần so với sinh thường.
- Tổn thương do thao tác và dụng cụ phẫu thuật: Mặc dù hiếm gặp nhưng trẻ có thể bị các vết xước ở da hoặc các sang chấn khác trong lúc phẫu thuật.
Các nguy cơ cho mẹ bao gồm:
- Phản ứng với thuốc gây mê, gây tê: Sốc phản vệ với thuốc là một tai biến nặng nề, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Phản ứng này có thể xảy ra với bất kỳ ai có cơ địa dị ứng với thuốc. Tuy nhiên, đôi khi bạn không biết mình có cơ địa dị ứng hay không. Hãy thông báo với bác sĩ nếu bạn đã từng có tiền sử dị ứng với bất kỳ tác nhân nào.
- Chảy máu: Bạn có thể bị chảy máu trong lúc mổ hoặc sau mổ do tổn thương các mạch máu lớn. Biểu hiện sau mổ có thể là các khối tụ máu hoặc xuất huyết nội trong ổ bụng. Nguy cơ băng huyết do đờ tử cung ở mổ lấy thai cũng cao hơn so với sinh thường. Mẹ bầu có nguy cơ bị cắt tử cung nếu chảy máu từ tử cung không kiểm soát được bằng các phương pháp khác.
- Tổn thương các cơ quan lân cận trong lúc mổ: Có thể gặp với tần xuất thấp hơn 1%. Bên cạnh việc phải tác động đến tử cung khi mổ lấy thai, các cơ quan lân cận như ruột, bàng quang, niệu quản cũng có thể bị ảnh hưởng. Các tổn thương có thể gặp trong lúc mổ lấy thai bao gồm thủng ruột, bàng quang hoặc niệu quản. Đôi khi các tổn thương có thể biểu hiện muộn sau mổ nhiều ngày bởi triệu chứng của dò các cơ quan này.
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng vết mổ có thể gặp ở khoảng 2.5% đến hơn 15% trường hợp mổ lấy thai. Tỉ lệ viêm nội mạc tử cung khi mổ lấy thai cao hơn gấp 20 lần so với sinh thường. Tùy vào tình trạng miễn dịch của mỗi người bệnh và loại vi khuẩn bị nhiễm mà việc điều trị có thể khó khăn hoặc hồi phục nhanh chóng. Đôi khi cần cắt tử cung để điều trị các trường hợp nhiễm trùng tử cung nặng.
- Thuyên tắc huyết khối: Khoảng 0,5-1/500 phụ nữ mang thai có huyết khối tĩnh mạch sâu (ở chân hoặc các cơ quan vùng chậu). Mổ lấy thai làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối lên gấp 3 đến 5 lần. Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể gây ra nhồi máu phổi, là một biến chứng nặng, đe dọa đến tính mạng.
- Thời gian hồi phục lâu: So với sinh thường, thời gian bạn cần để hồi phục sau mổ lấy thai sẽ lâu hơn.
- Nguy cơ dính, thoát vị thành bụng sau mổ: Sự lành sẹo trong ổ bụng có thể dẫn đến dính các cơ quan lại với nhau như bàng quang, ruột, mạc nối có thể dính vào tử cung hoặc dính lên thành bụng trước. Đôi khi, dính các cơ quan này có thể gây đau vùng chậu mãn tính hoặc gây khó khăn cho lần mổ sau. Trong một số trường hợp, có thể có thoát vị thành bụng tại vết mổ (tình trạng ruột, mạc nối chui qua một vị trí yếu của thành bụng).
- Tăng các nguy cơ cho thai kỳ tương lai như vỡ tử cung, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, thai bám sẹo mổ lấy thai … Mẹ bầu có thể tham khảo thêm ở bài viết http://tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/suc-khoe-phu-nu/lam-me-an-toan/cham-soc-ba-me-mang-thai/nhung-nguy-co-cho-thai-ky-tuong-lai-o-phu-nu-co-seo-mo-lay-thai/
Tham khảo:
https://www.uptodate.com/contents/c-section-cesarean-delivery-beyond-the-basics#H4
Xác định chính xác ngày dự sinh rất quan trọng vì ngày dự sinh là một cột mốc giúp tính toán tuổi thai và là căn cứ để đánh giá sự phát triển bình thường hay bất thường của thai nhi trong suốt quá trình khám thai. Khám thai ở 3 tháng đầu là thời điểm tốt nhất để xác định đúng ngày dự sinh.
Táo bón là tình trạng phổ biến, ảnh hưởng đến 15 - 30 % dân số và thường gặp ở phụ nữ hơn là nam giới [4]. Có đến 40% phụ nữ mang thai phàn nàn về các triệu chứng táo bón [3].
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo tránh dùng metformin ở những bệnh nhân tăng huyết áp, tiền sản giật hoặc có nguy cơ thai nhi hạn chế tăng trưởng trong tử cung vì metformin ức chế hô hấp của ty thể, điều này có thể ảnh hưởng bất lợi đến chức năng, sự tăng trưởng hoặc sự biệt hóa của các mô bào thai hoặc nhau thai.
Nguyên nhân gây đau đầu ở phụ nữ khi mang thai và sau sinh có thể là cơn đau đầu nguyên phát như chứng đau nửa đầu, do căng thẳng, hoặc nhức đầu từng đợt.
Xuất huyết do phôi làm tổ là tình trạng ra huyết âm đạo vào ngày thứ 10-14 sau thụ thai. Thông thường, rụng trứng xảy ra vào ngày 14 của chu kỳ kinh (với các chu kỳ kinh đều 28 ngày).