Ngày 08/09/2021

Cần chuẩn bị gì trước mang thai

    ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

    Phòng Công tác xã hội

    Sức khỏe và thể trạng của người mẹ trước khi mang thai có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Do vậy có một số vấn đề cần được xem xét và chuẩn bị trước khi mang thai. Bạn nên thực hiện các bước sau để tăng cơ hội có được một thai kỳ khỏe mạnh:

    • Điều chỉnh tốt cân nặng, lối sống và chế độ ăn
    • Bổ sung vitamin
    • Ổn định các bệnh lý mạn tính
    • Khám phụ khoa và tiêm vắc-xin trước mang thai
    • Ngưng sử dụng thuốc lá (kể cả hút thuốc lá thụ động và thuốc lá điện tử), rượu bia và chất kích thích.

    Áp dụng chế độ ăn lành mạnh và bổ sung viên vitamin:

       Để có một sức khỏe tốt, bạn cần một chế độ ăn cân bằng các chất dinh dưỡng, đầy đủ các vitamin và khoáng chất. Bạn nên ăn đa dạng các loại rau xanh, củ quả, ngũ cốc, thịt, cá, trứng, sữa và các loại hạt. Hạn chế ăn muối, đường và các loại thức ăn nhanh.

     

    Hình minh họa - nguồn internet

    Bên cạnh chế độ ăn cân bằng các chất, bạn cần bổ sung thêm một số vitamin, khoáng chất đặc biệt là acid folic và i-ốt. Nên uống từ trước khi mang thai khoảng 3 tháng và tiếp tục sau khi mang thai. Ít nhất 1 tráng trước mang thai và 12 tuần đầu thai kỳ bạn nên uống viên vitamin chứa ít nhất 400 microgram acid folic mỗi ngày. Với thai phụ có tiền căn mang thai con bị dị tật khiếm khuyết ống thần kinh, mỗi ngày nên uống 4 miligram acid folic – gấp 10 lần liều thông thường – trong ít nhất 3 tháng trước mang thai và 3 tháng đầu thai kỳ để có tác dụng dự phòng dị tật khiếm khuyết ống thần kinh cho thai nhi. Hãy thảo luận với bác sĩ để định lượng acid folic cần sử dụng tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của bản thân.

       Bổ sung sắt cũng rất quan trọng trước mang thai, có ích cho quá trình tạo máu, đặc biệt khi nhu cầu sử dụng tăng lên trong thai kỳ. Phụ nữ trước mang thai cần bổ sung khoảng 27 mg sắt nguyên tố mỗi ngày. Bạn có thể bổ sung bằng viên vitamin hoặc trong thức ăn giàu chất sắt như các loại đậu, ngũ cốc, thịt bò, tôm. Bạn cũng nên bổ sung thêm các loại thực phẩm giúp tăng khả năng hấp thu chất sắt như bông cải, nước cam, bưởi, dâu tây...

       Bổ sung 150 microgram i-ốt mỗi ngày cũng được khuyến cáo trước mang thai, trong thai kỳ và trong giai đoạn cho con bú. Đây là một chất quan trong cho sự phát triển não bộ của thai nhi.

    Duy trì cân nặng chuẩn:

       Bạn nên đạt được cân nặng chuẩn trước khi mang thai (BMI bình thường trong khoảng từ 18,5-23). Thừa cân, béo phì trước khi mang thai có liên quan với một số biến chứng nặng cho thai kỳ và trẻ sơ sinh như: tăng huyết áp, tiền sản giật, sinh non, đái tháo đường thai kỳ, thai to, chấn thương khi sinh, mổ lấy thai, thai lưu, dị tật bẩm sinh đặc biệt là các khiếm khuyết ống thần kinh. Nếu bạn quá gầy cũng có thể đưa đến nguy cơ thai nhi có cân nặng thấp và sinh non.

    Tập thể dục đều đặn:

       Bạn được khuyến cáo tập thể dụng với cường độ trung bình ít nhất 150 phút mỗi tuần. Tập thể dục vừa phải giúp cải thiện khả năng sinh sản, đặc biệt với những người thừa cân hoặc béo phì. Bạn nên cố gắng đưa cân nặng của mình về bình thường bằng một chế độ ăn uống lành mạnh và thường xuyên tập thể dục.

    Ngưng các chất không tốt cho sức khỏe như rượu bia, thuốc lá, chất kích thích:

       Sử dụng các chất này có khả năng gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho thai kỳ bao gồm: dị tật bẩm sinh, thai chẩm tăng trưởng, sinh non hoặc thai lưu. Ngưng sử dụng trước khi mang thai giúp làm giảm các nguy cơ này.

    Đảm bảo một môi trường sống an toàn:

       Bạn cần lưu ý nếu môi trường sống hoặc nơi làm việc có những loại hóa chất như chì, thủy ngân hoặc thuốc trừ sâu. Tiếp xúc với các hóa chất này có nguy cơ gây hại cho thai nhi. Tạm ngưng làm các công việc có nguy cơ khiến bạn phơi nhiễm với hóa chất hoặc tia xạ.

    Khám trước mang thai:

       Khám trước khi mang thai là bước quan trọng để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh. Trong quá trình thăm khám, bạn sẽ được kiểm tra về các vấn đề bao gồm: tiền căn thai kỳ trước đây, tiền căn bệnh lý của bản thân và gia đình, kiểm tra phụ khoa, lịch sử tiêm vắc-xin, các loại thuốc đang sử dụng, lối sống và chế độ ăn. Một số bệnh mạn tính như: trầm cảm, đái tháo đường, tăng huyết áp, động kinh, rối loạn ăn uống… có khả năng bị nặng hơn trong thai kỳ và gây tác động xấu đến sức khỏe mẹ và thai. Điều trị ổn định các bệnh lý này trước khi mang thai giúp bạn tăng khả năng có một thai kỳ khỏe mạnh.

    Hình minh họa - nguồn internet

       Nên thảo luận với bác sĩ về các loại thuốc bạn đang sử dụng để đảm bảo rằng chúng không có tác dụng xấu cho thai nhi. Một số lại thuốc có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi được khuyến cáo ngưng sử dụng từ trước khi mang thai. Bên cạnh đó bạn cũng được tầm soát các bệnh lây nhiễm như bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV, viêm gan siêu vi B… Lịch sử tiêm ngừa cũng được ghi nhận. Các loại vắc-xin nên được hoàn thành trước khi mang thai bao gồm vắc-xin ngừa Rubella, thủy đậu, viêm gan siêu vi B.

    Gia đình:

       Hãy đảm bảo rằng bố của con bạn cũng có sức khỏe tốt nhất trước khi thụ thai. Những tình trạng như béo phì, hút thuốc lá, uống bia rượu, sử dụng thuốc, chế độ ăn cũng ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của nam giới và kết cục của thai kỳ. Một lối sống lành mạnh cùng với chế độ ăn và luyện tập đều đặn sẽ giúp nam giới có một sức khỏe sinh sản tốt.

       Các thành viên trong gia đình cũng cần hỗ trợ cho người mẹ để họ có được trạng thái tốt nhất về tinh thần cũng như sức khỏe thể chất trước khi mang thai.

     

    Tham khảo:

    https://ranzcog.edu.au/womens-health/patient-information-resources/planning-for-pregnancy

    https://www.acog.org/womens-health/faqs/good-health-before-pregnancy-prepregnancy-care

    ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ